Thế giới động vật: Số cá voi lưng gù kỷ lục ngoài khơi Nhật Bản

Số lượng cá voi lưng gù quan sát được tại vùng biển xung quanh đảo Amami-Oshima, phía tây nam Nhật Bản trong mùa đông đã đạt mức cao kỷ lục khi lên tới 971.

Cá voi lưng gù được chụp trên biển Thái Bình Dương. (Ảnh: AFP)

Theo Mainichi, Hiệp hội Cá voi Amami cho biết việc thống kê số lượng cá voi lưng gù là một phần trong nghiên cứu của Bộ Môi trường Nhật Bản. Trong khoảng từ giữa tháng 12.2019 tới cuối tháng 3.2020, có 578 nhóm đã xuất hiện với tổng cộng 971 con cá voi lưng gù. Đây là con số lớn nhất kể từ năm 2014 – thời điểm nghiên cứu bắt đầu được triển khai.

Hiệp hội cho biết con số này vượt trội so với cùng kỳ năm ngoái khi chỉ ghi nhận 131 nhóm với tổng số 238 con cá voi lưng gù. Nhiều nhóm di chuyển về phía nam vào tháng 1, tháng 2 và về phía bắc vào tháng 3.

“Không phải tất cả chúng đều di cư, nhiều cặp cá voi mẹ con đã cư ngụ ở vùng nước xung quanh Amami vì có các điều kiện thích hợp để cá voi con sinh trưởng”, người đứng đầu hiệp hội Katsuki Oki nói.

Cá voi lưng gù trưởng thành có chiều dài từ 12-16 mét và nặng khoảng 30-36 tấn. Vào mùa sinh sản, chúng di chuyển đến vùng biển ngoài khơi đảo Amami-Oshima và Okinawa từ bán đảo Kamchatka (Nga).

Với thân hình khá tròn và phần vây ngực dài, cá voi lưng gù có phần đầu nhọn và nổi lên những phần gai sần sùi gần giống với cá sấu, cùng với đó là đôi mắt nhỏ được đặt ở hai bên đầu. Chúng được đánh giá là một loài vật tương đối hiền lành và khá thông minh.

Xem cá voi bơi ngoài đại dương là hoạt động được nhiều khách du lịch yêu thích. Theo thống kê, số lượt khách tới đảo Amami-Oshima để quan sát cá voi đang tăng lên, với 3.684 người tới thông qua tám công ty lữ hành chỉ tính riêng trong mùa đông vừa qua. Tuy nhiên, 355 người đã hủy bỏ lịch trình do lo ngại sự lây lan của dịch COVID-19.

Nằm ngoài khơi xa vùng đảo Kyushu, đảo Amami-Oshima được ví như thiên đường nhiệt đới của Nhật Bản. Hòn đảo lớn nằm cách khá xa đất liền và nhờ đó mà mọi thứ gần như được bảo tồn nguyên vẹn.