Cháy hàng chục héc ta rừng phòng hộ, lộ diện trách nhiệm chủ rừng

Sau 7 ngày bùng cháy dữ dội, thiêu rụi hàng chục héc ta cả rừng trồng lẫn rừng phòng hộ đầu nguồn ở huyện Đông Giang, Quảng Nam, hôm nay ngọn lửa đã được dập tắt. Nguyên nhân bước đầu được xác định là do dân đốt rẫy, gây cháy lan. Nhưng đó không phải là trách nhiệm cuối cùng, bởi Ban quản lý rừng phòng hộ ở đây đã biết trước vụ cháy…

Chủ rừng trồng có xin phép Ban Quản lý rừng phòng hộ trước khi đốt rẫy. Ban cũng yêu cầu họ phải làm đường ranh 6-10m rồi mới được đốt để đảm bảo an toàn cho rừng phòng hộ. Nhưng chủ rừng không thực hiện. (Ảnh: Thanh Chung)

Gõ cụm từ khóa “cháy rừng tại Quảng Nam” tìm kiếm trên Google, tích tắc trong 0,37 giây đã cho ra 11,7 triệu kết quả. Cháy rừng trở thành một hiện tượng bình thường, mặc nhiên, mỗi năm xảy ra hàng chục vụ nghiêm trọng. Thực trạng này không chỉ riêng ở Quảng Nam.

Điều khủng khiếp là phần lớn nguyên nhân các vụ cháy rừng là do người dân chủ động đốt. Cháy từ việc đốt ong, đốt rẫy, dọn thực bì rừng trồng… vô tình gây ra hỏa hoạn, cháy rừng nguyên sinh.

Mỗi vụ cháy rừng xảy ra, là cả hàng trăm, thậm chí cả ngàn người là cán bộ chính quyền, quân đội, người dân đều tập trung cùng với lực lượng kiểm lâm tham gia dập lửa, chữa cháy. Ngân sách, tiền của, công sức chi cho mỗi vụ chữa cháy rừng cũng ngang ngửa tổn thất mất rừng. Nhưng hệ lụy lâu dài gây ra cho môi trường, cho an ninh nguồn nước là không thể thể tránh được.

Đáng nói là việc điều tra, xử lý các vụ gây ra cháy rừng chưa thật sự nghiêm minh, có tính răn đe, dẫn đến tái phạm gần như phổ biến ở khắp nơi.

Vụ cháy rừng phòng hộ đang xảy ra tại thôn Cutchrun, xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, Quảng Nam thuộc lâm phận quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Đông Giang.

Ông Vũ Phúc Thịnh – Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Đông Giang cho biết, rừng trồng keo tiếp giáp với khu rừng phòng hộ là của ông Phạm Ba, nguyên cán bộ của Cty Lâm sản xuất khẩu Prao. Trước đó, ông Ba có liên hệ với Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Đông Giang xin đốt thực bì rẫy keo để chuẩn bị vụ trồng mới. Đơn vị yêu cầu ông Ba phải đảm bảo công tác phòng cháy và phát ranh rộng 6-10m vì thời tiết đang khô nóng…

Ông Thịnh nói vậy, nhưng người dân địa phương thì cho biết đường ranh ngăn lửa của chủ rừng chỉ dọn rộng khoảng 2 mét. Cháy lan từ rẫy sang rừng nguyên sinh là khó tránh trong lúc nắng nóng, khô hanh như hiện nay.

Như vậy, ngoài nguyên nhân gây cháy trực tiếp là do dân đốt thực bì, còn thấy rõ việc thiếu trách nhiệm của  Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Đông Giang.

Chủ rừng gần như biết chắc sẽ có vụ cháy (đốt thực bì ở rừng trồng liền kề) khi dân xin phép. Ít ra, Ban này phải kiểm tra thực địa, buộc chủ rừng trồng phải thực hiện nghiêm các điều kiện đảm bảo an toàn trước khi đốt như khuyến cáo là phải dọn sạch đường ranh 6-10 mét. Nhưng điều đó đã không diễn ra.

Được biết mỗi năm, Quảng Nam chi hàng trăm tỷ đồng cho công tác bảo vệ rừng. Riêng dự toán HĐND tỉnh này duyệt cho giai đoạn 2019-2020 là 422,7tỷ đồng (Số: 46/2018/NQ-HĐND). Như vậy, thiệt hại của cháy rừng nguyên sinh là con số khổng lồ cho cả môi trường lẫn ngân sách. Nhưng xử lý trách nhiệm của các chủ rừng, các ban quản lý thì chưa bao giờ tương xứng với thiệt hại do họ trực tiếp hoặc vô trách nhiệm gây ra.