Người dân Mỹ và Nga chưa hài lòng với các chính sách về môi trường

Người dân tại Mỹ và Nga – hai trong số những nước có lượng khí phát thải hàng đầu thế giới – bày tỏ sự không hài lòng với cách thức xử lý các vấn đề môi trường của chính phủ trong những năm gần đây.

Ống xả của xe Volkswagen tại San Francisco, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Nhân Ngày Trái Đất (22/4), hãng thăm dò Gallup có trụ sở tại Mỹ đã tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến của người dân tại 145 nước về nỗ lực của chính phủ các nước này trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính carbon dioxide.

Theo kết quả thăm dò công bố ngày 22/4, tại Mỹ và Nga – hai trong số những nước có lượng khí phát thải hàng đầu thế giới, Gallup ghi nhận gia tăng số ý kiến không hài lòng với cách thức xử lý các vấn đề môi trường của chính phủ trong những năm gần đây.

Cụ thể, tỷ lệ người Mỹ được hỏi cho ý kiến không hài lòng tăng từ mức 52% trong năm 2017 lên 56%.

Đây là thực tế dễ hiểu khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nới lỏng các quy định về môi trường ngặt nghèo mà ông cho là cản trở kinh tế phát triển.

Thậm chí, tháng 11/2019, nhà lãnh đạo này đã chính thức rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Còn tại Nga, tỷ lệ người dân không hài lòng với các chính sách bảo vệ môi trường đã tăng 3% lên 59%. Tháng Ba vừa qua, Moskva cam kết tới năm 2030, cắt giảm 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990.

Trong khi đó, người dân Trung Quốc, Saudi Arabia, ngày càng tin tưởng những nỗ lực bảo vệ môi trường của chính phủ.

Tại Trung Quốc, số ý kiến hài lòng về những nỗ lực bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng đã tăng từ 68% ghi nhận năm 2017 lên con số 85%. Trung Quốc cam kết tăng tỷ lệ sử dụng nhiên liệu phi hóa thạch ở nước này lên 20% vào cuối thập kỷ tới, tăng 10% so với năm 2020.

Tại Saudi Arabia, 79% số người được hỏi hài lòng với chính sách bảo vệ môi trường của chính phủ. So với năm 2019, tỷ lệ này tăng 6%. Saudi Arabia – nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, thông báo nước này có kế hoạch triển khai cơ chế mua bán hạn ngạch carbon để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và giảm lượng khí thải carbon.

Mức độ hài lòng gia tăng đáng kể tại các nước châu Á và phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi. Trong khi đó, chỉ số hài lòng tại Liên minh châu Âu (EU), Mỹ Latin và Bắc Mỹ tiếp tục có chiều hướng đi xuống.

Nguồn: