Giúp các nhà khoa học lập bản đồ các rạn san hô thế giới bằng chơi game

Nếu bạn đang có nhiều thời gian rỗi khi ở nhà chống dịch Covid-19, hãy giúp các nhà khoa học lập bản đồ các rạn san hô của thế giới. NASA vừa ra mắt trò chơi có tên NeMO-Net, ở đó người chơi có thể lặn trong vùng nước trên khắp thế giới, phân loại san hô bằng hình ảnh 3D từ vệ tinh để giúp huấn luyện siêu máy tính lập bản đồ phần còn lại của san hô thế giới ở quy mô lớn chưa từng có.

Trò chơi NeMO-Net giúp NASA lập bản đồ các rạn san hô

Vùng đất liền của trái đất đã được lập bản đồ chi tiết, nhưng điều tương tự chưa được làm với đại dương. Nhà vật lý thiên văn Ved Chirayath, điều tra chính của dự án tại Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA ở California cho biết: “Chúng tôi đã lập bản đồ toàn bộ sao Hỏa và mặt trăng ở độ phân giải không gian từ 30 mét trở lên. Với Trái đất, chúng ta đã lập bản đồ khu vực đất liền hàng ngày với các vệ tinh và vệ tinh thương mại của NASA. Nhưng với các đại dương, hệ sinh thái thống trị trên hành tinh thì lại chưa có”.

Một rạn san hô ở Samoa thuộc Mỹ, một trong những địa điểm mà các nhà nghiên cứu đã triển khai để thu thập dữ liệu bằng các dụng cụ thấu kính chất lỏng. (Ảnh: NASA)

Các rạn san hô là nơi sinh sống của nhiều loài, giống như rừng mưa nhiệt đới ở trên cạn, chúng đóng vai trò quan trọng từ cung cấp thức ăn cho hàng triệu người đến bảo vệ bờ biển khỏi bão. Nhưng nó chưa được lập bản đồ một phần là vì khó nhìn thấy san hô dưới nước.

Tiến sĩ Chirayath cho biết, nếu xem ảnh một rạn san hô chụp từ vệ tinh ở các góc khác nhau sẽ rất khó nhận biết san hô, do sự khúc xạ gây ra bởi không khí và nước.

Anh Chirayath đã phát triển công nghệ mới có thể nhìn vào san hô và sự sống khác dưới nước chi tiết hơn nhiều bằng cách điều chỉnh sự biến dạng quang học của nước. Với camera gắn trên máy bay hoặc máy bay không người lái trên vùng nước nông, bạn có thể có được hình ảnh chính xác hơn nhiều so với trước đây, tương tự như sử dụng dữ liệu trên vệ tinh. Nhưng nó cũng tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ. Chẳng hạn khi lập bản đồ một hòn đảo, nó tạo ra hàng trăm hoặc hàng nghìn terabyte dữ liệu. Thực sự không có bất kỳ công cụ nào mà các nhà khoa học có thể sử dụng để dễ dàng xử lý dữ liệu đó. Nếu các nhà khoa học cố gắng sắp xếp nó một cách thủ công, sẽ mất nhiều thời gian như đi lặn khảo sát từng địa điểm.

Một phi hành gia trên tàu vũ trụ quốc tế đã sử dụng ống kính mạnh để chụp ảnh san hô ở Great Barrier, Australia. (Ảnh: NASA)

Thay vào đó, nhóm dự định sử dụng siêu máy tính của NASA tự động sắp xếp dữ liệu để lập bản đồ các rạn san hô. Bất cứ ai chơi trò chơi mới này, học cách nhận biết san hô và sau đó đánh dấu nó trong trò chơi, đưa dữ liệu trở lại máy chủ của NASA để hệ thống có thể so sánh với dữ liệu vệ tinh có độ phân giải thấp hơn và tìm hiểu cách nhận diện chính san hô. Cho đến nay, ngay cả trẻ em cũng đang phân loại san hô với độ chính xác cao, Tiến sĩ Chirayath cho biết.

Người chơi có thể kiếm huy hiệu khi họ tiếp tục chơi và khi được nâng cấp độ game, sẽ xuất hiện thêm những con cá trong rạn san hô khi san hô khỏe mạnh. Trò chơi lồng âm nhạc từ đại dương để người chơi thư giãn. Ngoài ra còn tính năng thực tế ảo để người chơi thực hiện một chuyến lặn ảo xung quanh rạn san hô và tô màu cho nó.

Bản đồ kết quả sẽ bao gồm 65.000 km2 san hô chi tiết, giúp cung cấp một công cụ quan trọng tại thời điểm các rạn san hô đang bị suy thoái trầm trọng. Nếu không có bản đồ san hô với độ phân giải cao, các nhà khoa học sẽ khó biết được điều gì đang thay đổi, và đến lúc rõ ràng là san hô đang chết thì có lẽ đã quá muộn để làm bất cứ điều gì cứu vãn. Với bản đồ chi tiết hơn, các quốc gia ven biển có thể thấy các dấu hiệu cảnh báo và sau đó quyết định tạm thời cấm đánh bắt cá trong một khu vực để giúp rạn san hô phục hồi. Theo Tiến sĩ Chirayath, trò chơi này đã có sẵn để tải xuống miễn phí cho Mac, iPhone và iPad.