Hang Sơn Đoòng lọt top 10 điểm du lịch ảo của thế giới

Ngày 6-4, tờ The Guardian của Anh đã bình chọn ra 10 điểm du lịch ảo tuyệt vời nhất thế giới. Trong số 10 địa danh này, hang Sơn Đoòng của Việt Nam góp mặt và được đánh giá là kỳ quan chứa nhiều bí ẩn.

Du lịch ảo đang là một trong những xu hướng được nhiều người lựa chọn trong thời gian dịch Covid-19 đang tiếp diễn phức tạp. Nhiều bảo tàng, nhà hát…trên thế giới đang tận dụng nền tảng công nghệ trực tuyến để phục vụ công chúng.

Một bức ảnh về hang Sơn Đoòng trong dự án “Sơn Đoòng 360” (Ảnh: National Geographic)

“Nếu bạn thấy chán với việc các công viên địa phương bị phong tỏa tạm thời, hãy thử những chuyến đi bộ trực tuyến này đến Everest và Patagonia…”, The Guardian viết.

Tác giả của bài viết đưa đến cho độc giả những thông tin bao quát nhất về hang Sơn Đoòng: “Hang động lớn nhất thế giới, hang Sơn Đoòng ở vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, lần đầu tiên được các nhà khoa học khám phá vào năm 2009, sau khi một người đàn ông địa phương, Hồ Khanh, phát hiện ra nó vào năm 1991, nhưng không tìm thấy nó nữa cho đến khi nhiều năm sau đó”.

Đặc biệt, bài viết còn đề cập tới dự án “Sơn Đoòng 360” của National Geographic. Mục đích của dự án là bảo tồn hang động dưới dạng kỹ thuật số trước khi hang động này trở thành đối tượng để phát triển du lịch rộng rãi.

“Sơn Đoòng 360” có thể đưa mọi người khám phá kỳ quan thế giới này chỉ bằng chiếc máy tính hay điện thoại thông minh kết nối Internet. Một chuyến đi bộ tham quan được tạo ra từ hình ảnh 360 độ và hiệu ứng âm thanh trong xuyên qua các hang động đầy ánh sáng. Người xem còn có thể tận dụng các hình ảnh độ nét cao để phóng to các chi tiết của địa chất hang động, hệ thực vật và động vật.

Trong 10 điểm du lịch ảo lần này do The Guardian bình chọn, ngoài hang Sơn Đoòng của Việt Nam còn có sự góp mặt của Grand Canyon (Mỹ), Everest (Nepal), Vườn quốc gia Yosemite (Mỹ), Vườn quốc gia Trương Gia Giới (Trung Quốc), Giant Causeway (Bắc Ireland), Sông băng Perito Moreno (Argentina), Núi lửa Ambrym (Vanuatu), Sa mạc Namib (Namibia), hay chiêm ngưỡng cực quang của Trái đất ở một số nước Bắc Âu, Nga, Canada.