Đây là chia sẻ của người Thái khi đọc tin Mê Kông đoạn qua Chiang Khan trơ đáy, vừa sau khi thuỷ điện Saraburi vận hành. Cũng cùng thời điểm khoa học dự báo tới năm 2050 miền nam nước Việt sẽ ngập nước biển.
Tôi may mắn ngang qua nhiều hoàng hôn đẹp, lạ, xứ mình lẫn đất khách, nhưng vẫn ngỡ ngàng những buổi chiều hồng nhuộm tím huyền hoặc trên dòng Mê Kông đoạn dọc theo phố sơn cước xưa Chiang Khan, tỉnh Loei, Thái Lan. Đến nỗi sau đó tôi lại quay về nữa. Vẫn nhớ những buổi mai an yên theo bước chân nhẹ các tăng sư đi khất thực, mấy chiều muộn lãng đãng ven sông. Nói nào ngay, phố xa ngái, kẹt trong hóc bà tó, nhưng do nằm gần cung đường nối Chiang Mai và Udon Thani hay lại qua, nên vẫn còn toan tính bữa nào xuống xe, tạt về đó sống chậm mấy hôm. Tháng 10.2019 rồi, khi tìm thông tin về mùa Loy Krathong thả đèn trời, tình cờ đọc thấy Mê Kông đoạn ở Kaeng Khut Khu ngoại vi Chiang Khan giờ khô cạn đến mức có thể đi bộ qua Lào. Sững sờ.
Là dân Việt sinh sống ở miền Nam, lý do chính lần đầu lôi tôi đi Chiang Khan vì niềm mê đắm Cửu Long mà bên đó gọi là Mae Nam Khong – Mẹ Nước Khỏng. Lúc đầu đọc nhanh, thấy Chiang Khan là bản xưa của người Thái giờ lên đời, không nhiều tiếng tăm, cũng như có tour du lịch Việt nào nhắc đâu. Rồi đọc tiếp, bị lôi cuốn ngay bởi chuyện về Mê Kông. Từng xuất hiện ở Thái ngay ngã ba biên giới Thái – Lào – Miến, được biết với cái tên lừng danh Tam Giác Vàng, Mê Kông sau đó lại hun hút chạy sâu trong đất Lào. Đến Chiang Khan, sông mới hiện ra từ những cánh rừng dày đặc và từ đây trở thành biên giới tự nhiên Thái – Lào cho đến gần một vùng ngã ba biên giới Tam Giác Ngọc (người Thái đặt), Thái – Lào – Cam.
Như Tuy Hoà mình với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Chiang Khan đông vui hơn khi bộ phim Chuyện tình Chiang Khan (Chiang Khan story) công chiếu. Chính quyền hỗ trợ các dự án OTOP (Mỗi làng nghề một sản phẩm), du lịch sinh thái… người dân chỉnh trang cửa nhà phố phường đón khách về tìm chút hương xưa. Là miền tiền đồn ngày cũ của vương triều Lane Xang (Ai Lao) mà dấu tích chỉ còn lưu in ít ở các chùa Si Jhun Muang (1656), Mahathat (1654)… Còn lại đã bị các chiến binh Hán (Haw) từ Vân Nam tràn sang tàn phá hồi thế kỷ 18. Tiếng là phố xưa, nhà cửa Chiang Khan bây giờ được xây dựng cuối thế kỷ 19, do nhóm người Lào di cừ từ bên kia Mê Kông – lúc này Chiang Khan đã thuộc Xiêm La. Sau đó, thêm ít người Hoa và nghe nói cả Việt. Những nhà sàn, trệt bằng thiết mộc qua trăm năm tuổi úa màu thời gian là điểm thu hút đầu tiên của phố. Dạo hết đường chính Chai Khong – cũng khá nhanh, khách sẽ tiếp tục bị rù quến bởi nếp sống chậm, trừ cuối tuần đông đen (!), người dân hiền hoà, mến khách. Ẩm thực tươi ngon với phẩm vật từ Mê Kông và rừng núi sông suối vây quanh, cả tay nghề nấu nướng người Isaan. Cũng phải kể đến tài nghệ thợ thủ công mỹ nghệ miệt này, rồi cỏ cây hoa lá bời bời, chùa xưa tháp đền mới… Khá nhiều “thức món” cho du khách lựa chọn.
Nghe nhiều thứ món vậy, nhưng phố nhỏ lắm và ở khúc uốn này của Mê Kông không nhìn được mặt trời nhô lên từ sông. Bù lại, sương mỏng trên sông, trên những căn nhà nhiều hoa cỏ sẽ được nhuộm hồng lãng mạn. Thời khắc đất trời dậy lên rạng rỡ là lúc những tà cà sa vàng lặng lẽ chậm bước khất thực trong phố ngái ngủ. Người dân trang phục chỉnh tề thành kính cúng dường. Những chùa xưa mới rực sắc, tinh xảo nét là hậu cảnh đẹp cho mấy tấm hình các đoàn tăng sư, và hiếm khi thiếu những chú chó tí tởn chạy theo.
Không lợi thế nhìn mặt trời lên, hoàng hôn Chiang Khan là tưởng thưởng đặc biệt. Nhiều hàng quán cỏ hoa đỏ xanh để ngồi ngó sông chiều, nhưng miễn phí và gần gũi với thiên nhiên, sông mẹ là những bậc thang xuống bãi bờ. Khi bầu trời chuyển từ hồng sang tím là lúc rất nhiều những lũ chim về tổ trong cánh rừng đại ngàn bên bờ kia xứ Lào. Hôm đầu tôi đến ngày giêng chưa mưa dòng nhè nhẹ trôi, sông như gương hồ nhân đôi dáng chim, từng bầy tiếp nối từng bầy, huyền hoặc đẹp. Lần sau ghé tháng bảy mưa mùa sông vàng phù sa cuồn cuộn, trải rộng mênh mang, những cánh mỏng càng nhỏ bé mong manh đẹp.
Quay lại xứ Việt, bên cạnh việc Cửu Long cạn dòng, năm nay mùa nước nổi hầu như cạn kiệt, những ngày này mọi người thảng thốt chia sẻ nhau về dự báo vài mươi năm nữa miền này sẽ ngập trong nước biển. Cùng lúc, với hình ảnh Mê Kông trơ khấc dòng ở Kaeng Khut Khu, Chiang Khan, người Thái than thở “giờ có thể lội bộ qua Lào…” Những sơ đồ dự báo, các tấm hình thực tế, cả Việt, Thái đều là những tiếng kêu nhói lòng, nhất là ai nặng tình với Sông Mẹ, cả sông suối, núi đồi, đồng ruộng… quê hương. Hỏi mình và cũng hỏi người “ai đã giết những dòng sông…?”