Những sự kiện đáng chú ý ngành tài nguyên và môi trường năm 2019

Năm 2019 đã xảy ra nhiều sự cố môi trường khiến người dân lo lắng, trong đó sự cố nước sông Đà, vụ cháy Rạng Đông, ô nhiễm không khí là những vụ việc đáng quan tâm nhất…

Hiện trường vụ cháy Rạng Đông, tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Vietnam+)

Vụ cháy kho xưởng Rạng Đông phát tán thủy ngân ra môi trường, sự cố nguồn nước sông Đà bị nhiễm hóa chất gây khủng hoảng nước sạch cho Hà Nội hay ô nhiễm không khí là ba trong số những sự kiện tiêu điểm về tài nguyên và môi trường đã xảy ra trong năm 2019…

Cháy kho xưởng Rạng Đông phát thải thủy ngân ra môi trường

Chiều 28/8, một đám cháy bùng lên tại nhà kho, xưởng rộng khoảng 6.000m2 của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông tại địa chỉ số 87-89 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, vụ cháy xảy ra ở 6.000m2 kho chứa sản phẩm tại Công ty Rạng Đông. Trong đó, tổng số bóng đèn huỳnh quang là 480.000 sản phẩm, sử dụng thuỷ ngân (Hg lỏng), có độc tính cao hơn so với viên Amalgam, với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng.

Ngoài ra, khối lượng hóa chất còn lại là 4.510.712 viên Amalgam với trọng lượng là 41,75kg; Hg lỏng 108,9kg (trong đó 34,3kg được bảo quản an toàn cùng với viên Amalgam trong tủ cấp đông tại khu vực bị cháy). Lượng Hg lỏng đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1kg đến 27,2kg.

Nước sông Đà nhiễm bẩn gây khủng hoảng nước sạch

Vào tối ngày 8, rạng sáng 9/10, người dân phát hiện một xe tải 2,5 tấn bơm dầu thải đổ trộm ra khe núi sát Suối Trâm tại tỉnh Hoà Bình, khu vực cách kênh dẫn nước của Nhà máy nước mặt Sông Đà khoảng 800m. Sau đó, mưa to khiến dầu nhớt lan đến kênh dẫn nước của Nhà máy nước mặt Sông Đà. Sự cố đã gây khủng hoảng nước sạch cho nhiều quận, huyện ở thành phố Hà Nội trong suốt nhiều ngày.

Sau sự cố trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận vụ việc ô nhiễm nước sông Đà cho thấy một lỗ hổng điển hình về “cảnh báo đỏ cho việc quản lý an ninh nguồn nước, đặc biệt là nước dùng cấp cho sinh hoạt.”

Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cho rằng đây là vi phạm hết sức nghiêm trọng, nhất là khi các đối tượng đã đổ chất thải vào môi trường nước sinh hoạt. Sự việc này một lần nữa cho thấy cơ quan chức năng chưa chủ động ban hành những cơ chế chính sách, quy phạm liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước. Mặt khác, việc thực thi chính sách pháp luật của doanh nghiệp còn chưa nghiêm.

Toàn cảnh khu vực nhà máy nước sông Đà – tâm điểm của sự cố xả dầu thải. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chất lượng môi trường không khí, bụi mịn ngày càng “xấu”

Trong năm 2019, ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp, trong đó ô nhiễm không khí đang ngày trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ô nhiễm có xu hướng gia tăng tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, nhất là khi có sự kết hợp giữa các yếu tố khí tượng, hiện tượng thời tiết sương mù với sự gia tăng của các nguồn phát thải.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, nguy hại tới sức khỏe người dân. Nhất là nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng cao vào các giờ cao điểm buổi sáng và cuối chiều, đã tác động tiêu cực đến sức khỏe và môi trường sống của người dân.

Để giải quyết thực trạng trên, ngày 19/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương để tìm ra các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng không khí, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Qua đó, thống nhất đưa ra 10 giải pháp cấp bách trước mắt và lâu dài.

Người dân chặn xe gây khủng hoảng bãi rác lớn nhất Thủ đô

Sau 3 lần “lập chốt” chặn xe tải chở rác vào Khu xử lý chất thải Nam Sơn, để đòi quyền lợi, mong sớm được di dời ra khỏi vùng ô nhiễm nhưng không được giải quyết triệt để, từ đầu năm 2019 đến nay, hàng trăm người dân sinh sống quanh khu vực bãi rác lớn nhất Thủ đô (vận hành từ năm 1999 đến nay) ở huyện Sóc Sơn, đã tiếp tục 3 lần tổ chức chặn xe yêu cầu chính quyền Hà Nội thực hiện đúng lời hứa.

Thực trạng trên không chỉ gây khủng hoảng rác thải, mà còn khiến nội thành đối diện với nỗi lo “vỡ trận” rác và ô nhiễm môi trường. Còn với người dân các xã quanh bãi rác Nam Sơn, sau nhiều lần chặn xe, họ dần nhận ra một quy luật: Hễ bãi rác Nam Sơn “hắt xì,” cả Hà Nội lại “sổ mũi.” Thực tế, cứ mỗi lần chặn xe, rác thải ở nội thành lại ùn ứ, nhiều tuyến đường đã ngập ngụa rác và bốc mùi hôi thối.

Thu hồi gần 400 sổ đỏ của người dân tại các dự án nhà ở

Trong tháng 7/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ra quyết định thu hồi hàng trăm sổ đỏ từng cấp cho căn hộ chung cư tại nhiều dự án do Tập đoàn Mường Thanh đầu tư xây dựng tại huyện Thanh Trì và quận Hà Đông. Nguyên nhân bởi các công trình chuyển đổi công năng, nâng tầng sai quy hoạch. Thậm chí, có quyết định thu hồi, hủy sổ hồng đã cấp cho những trường hợp vừa mới được cấp sổ gần đây.

Ngay lập tức, ngày 19/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu thành phố Hà Nội dừng thu hồi sổ đỏ của cư dân và đề nghị thanh tra, xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý có liên quan đã để xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư, xây dựng. Theo quy định, nếu quyết định hành chính không đúng, người dân có quyền khiếu nại, khiếu kiện để trả lại sổ đỏ; nếu ảnh hưởng, phải bồi thường.

Các nguồn thải gây nhiễm không khí đang có xu hướng gia tăng. (Ảnh: Vietnam+)

Thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản

Chiều 11/4, tại buổi tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tiến sỹ Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản (JEBO) cho biết phía Nhật Bản dự kiến sẽ mang thiết bị công nghệ hiện đại đến đặt dưới lòng sông Tô Lịch để làm sạch lòng sông bằng công nghệ bio-nano.

Ngày 17/5, dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây đã chính thức được khởi động. Tuy nhiên, ngày 6/12, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết JEBO vào thử nghiệm nhưng không hề xin phép thành phố mà thông qua công ty Thoát nước Hà Nội làm ngay tại sông Tô Lịch.

Ngay sau đó, vào ngày 7/12, JEBO phát đi thông cáo báo chí và cho biết: “JEBO thấy buồn vì ngài Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thông tin sai sự thật…” Vậy nhưng, đến ngày 10/12, JEBO lại phát đi thông cáo gửi lời xin lỗi tới Chủ tịch Nguyễn Đức Chung.

Chôn trộm chất thải nguy hại ở huyện Sóc Sơn

Đầu tháng 12/2019, người dân xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội phát hiện vụ chôn trộm chất thải nguy hại ngay gần nguồn nước sạch trên địa bàn. Theo người dân, sự việc được phát hiện từ hồi tháng 7/2019, mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng chưa có kết luận.

Sau khi báo chí phản ánh, ngày 12/12, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu tiến hành kiểm tra. Ngày 13/12, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đến hiện trường để lấy mẫu giám định.

Đến ngày 15/12, Phòng PC05 phối hợp với Công an xã Bắc Sơn mời đối tượng Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Môi trường Xanh Bắc Sơn lên trụ sở Công an xã. Tại cơ quan điều tra, Cường đã khai nhận hành vi chôn lấp chất thải là bụi nhôm với khối lượng là 7 tấn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm khu trưng bày các sản phẩm thân thiện môi trường, các giải pháp thay thế nhựa sử dụng một lần và nylon khó phân hủy. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng phát động phong trào toàn quốc chống rác thải nhựa

Năm 2019 được coi là năm “hành động” vì môi trường, với nhiều chiến dịch, phong trào chống rác thải nhựa diễn ra trên cả nước. Đáng chú ý nhất là Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa diễn ra vào sáng 9/6, tại Hà Nội.

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa đổ ra, trôi nổi trên các đại dương. Rác thải nhựa tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia…