Quy mô và tốc độ băng tan ở đảo Greenland của Bắc Cực cao hơn nhiều so với dự báo, khiến hàng trăm triệu người có nguy cơ bị ngập lụt.
Băng ở đảo Greenland đang tan chảy nhanh hơn rất nhiều so với những gì chúng ta từng nghĩ trước đây, hàng trăm triệu người có nguy cơ bị ngập lụt và gây ra một số tác động không thể đảo ngược của tình trạng khẩn cấp khí hậu đến gần hơn.
Theo dữ liệu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), băng đang tan ở đảo Greenland nhanh hơn 7 lần so với những năm 1990. Quy mô và tốc độ băng tan cao hơn nhiều so với dự báo của các nghiên cứu toàn diện về khoa học khí hậu toàn cầu.
Mực nước biển dâng cao có khả năng đạt 67 cm vào năm 2100, cao hơn khoảng 7cm so với dự đoán của IPCC. Với tốc độ tăng này, khoảng 400 triệu người có nguy cơ bị ngập lụt mỗi năm, thay vì 360 triệu người như dự báo của IPCC vào cuối thế kỷ.
Mực nước biển dâng cũng làm tăng nguy cơ nước dâng do bão. Những điểm nóng ở khu vực ven biển có khả năng xảy ra những cơn bão dữ dội hơn. Các tác động này có thể tấn công các khu vực ven biển trên toàn thế giới.
Andrew Shepherd, Giáo sư chuyên ngành Quan sát Trái đất đến từ Đại học Leeds, Anh, một trong những tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Đây không phải là những hiện tượng khó xảy ra hay có tác động nhỏ. Những tác động này đang xảy ra và sẽ tàn phá cộng đồng ven biển”.
Greenland đã mất 3,8 triệu tấn băng kể từ năm 1992 và tỷ lệ thất thoát băng đã tăng từ 33 tỷ tấn/năm trong thập niên 1990 lên tới 254 tỷ tấn/năm trong thập kỷ qua. Băng tan ở Greenland là một trong những nguyên nhân khiến mực nước biển dâng bởi vì nó là một vùng băng rộng lớn, không giống như những tảng băng biển nổi tạo thành những phần còn lại của tảng băng Bắc Cực.
Khoảng một nửa băng ở Greenland tan chảy do nhiệt độ bề mặt không khí, nhiệt độ này tăng nhanh hơn nhiều ở Bắc Cực so với mức nhiệt trung bình toàn cầu. Đại dương nóng lên đã làm cho tốc độ dòng chảy từ các sông băng ra biển nhanh hơn.
Đại dương đã hấp thụ hầu hết nhiệt lượng dư thừa phát sinh bởi biến đổi khí hậu, phần lớn là khí CO2. Tuy nhiên, chúng đang đi gần đến điểm tới hạn. Mực nước biển dâng cao không chỉ do băng tan mà còn do sự giãn nở nhiệt của biển khi nhiệt độ nóng lên.
Một nhóm gồm 96 nhà khoa học vùng cực đã nghiên cứu ra quy mô và tốc độ của sự tổn thất băng, nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Nature hôm 10/12.
Bản phân tích so sánh cân bằng khối lượng băng bao gồm 26 khảo sát riêng về Greenland từ năm 1992 – 2018 với dữ liệu từ 11 vệ tinh đã so sánh sự thay đổi về độ dày, dòng chảy và trọng lực của tảng băng do các chuyên gia từ Anh, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) nghiên cứu.
Erik Ivins thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của Nasa ở California, Mỹ cho biết những phát hiện – từ cuộc khảo sát toàn diện nhất về dải băng trong vài thập kỷ qua – dựa trên các quan sát chứ không phải mô hình máy tính.
“Mặc dù mô phỏng máy tính cho phép chúng ta thực hiện các dự báo từ các kịch bản của BĐKH nhưng các phép đo vệ tinh cung cấp bằng chứng khởi đầu”, ông Ivins nhấn mạnh.
Theo đánh giá, năm 2011 là năm cao điểm về tổn thất băng với 335 tỷ tấn băng bị mất. Sau đó, tốc độ trung bình đã chậm lại còn 238 tỷ tấn/năm từ năm 2013. Tuy nhiên, điều này không bao gồm những quan sát gần đây nhất trong mùa hè này, cho thấy sự tan chảy lan rộng hơn nữa .
Các quốc gia đang trong tuần thứ hai của Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP25) tại Madrid, Tây Ban Nha. Các nhà vận động đã thất vọng vì các cuộc đàm phán diễn ra với tốc độ chậm, trong khi sự kêu gọi công khai ngày càng tăng, bao gồm 500.000 cuộc diễu hành qua trung tâm thủ đô Tây Ban Nha do nhà hoạt động khí hậu Thụy Điển Greta Thunberg dẫn đầu.
Rachel Kennerley, một nhà vận động khí hậu tại tổ chức Những người bạn của Trái đất (Friends of the Earth) cho biết: “Chúng ta đang trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu, các tác động đang ngày càng lớn hơn và nhanh hơn mỗi ngày. Nghiên cứu mới nhất này còn đưa ra hàng loạt bằng chứng cho thấy chúng ta cần hành động thực sự chứ không phải những lời nói suông. Các quốc gia cần cắt giảm khí thải và hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương đã trải qua những tác động tàn phá của BĐKH”.
IPCC là tiêu chuẩn vàng cho khoa học khí hậu, nhưng một số chuyên gia lo ngại rằng những phát hiện của cơ quan này không tính đến tiềm ẩn của “các điểm giới hạn”, vượt quá ngưỡng khi BĐKH trở nên thảm khốc và không thể đảo ngược.
Louise Sime, nhà khoa học khí hậu tại Tổ chức Khảo sát Nam Cực của Anh chia sẻ: “Nghiên cứu này là mối quan tâm lớn đối với tất cả những quốc gia, những người sẽ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng. Nếu tỷ lệ tổn thất băng cao tiếp diễn, các điểm tới hạn mới có thể bị phá vỡ sớm hơn so với những gì chúng ta nghĩ trước đây”.
Đan Ngân (Tổng hợp từ Guardian)