276 tổ chức CSO phản đối CBI cấp chứng nhận thân thiện với khí hậu cho các dự án thủy điện

Ngày 10/12/2019, Tổ chức International River đại diện cho 276 tổ chức xã hội dân sự từ khắp nơi trên thế giới phát đi Tuyên bố kêu gọi Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (Climate Bonds Initiative – CBI) từ bỏ những nỗ lực sai lầm nhằm “nhuộm xanh” thủy điện. Việt Nam có 4 tổ chức cùng ký tên vào bản Tuyên bố gồm: Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên nước(WARECOD), Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN).

Các tổ chức yêu cầu CBI xóa bỏ việc cấp chứng nhận thân thiện với khí hậu cho các dự án thủy điện gây tác động tiêu cực và khẳng định Bộ tiêu chuẩn thủy điện do CBI cùng nhóm công tác kỹ thuật của tổ chức này phát triển không đạt yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, việc thông qua những tiêu chuẩn này sẽ đe dọa nghiêm trọng những dòng sông cũng như các cồng đồng dân cư và sinh vật thủy sinh nước ngọt phụ thuộc vào chúng.

Tuyên bố cho rằng nếu được thông qua, Bộ tiêu chuẩn thủy điện của CBI có nguy cơ mở ra một luồng tài chính có thể mang lại lợi nhuận cho các nhà điều hành và đơn vị đầu tư xây đập dưới danh nghĩa thân thiện với Hiệp định khí hậu Paris trong khi thực tế không hề đem lại đóng góp ý nghĩa nào trong công cuộc ngăn chặn khủng hoảng khí hậu. Ngoài việc tạo cơ hội cho các dự án đáng ngờ thu hút một dòng tài chính mới, rủi ro lớn nhất là Bộ tiêu chuẩn này sẽ làm dịch chuyển các khoản tài chính dành cho khí hậu vốn đã ít ỏi sang các dự án thủy điện, đồng thời làm thất bại trong việc giúp loài người đối mặt với thách thức ngăn chặn kịch bản tăng 2oC cũng như làm gia tăng áp lực lên đa dạng sinh học thủy sinh và chức năng tuần hoàn của nước.

Các tổ chức khẳng định với mong muốn vốn hóa thị trường cho các dự án năng lượng được chứng nhận thân thiện khí hậu, CBI đã liên kết với Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (IHA), một thể chế công nghiệp được thiết lập để thúc đẩy lợi ích và cải thiện hình ảnh của các công ty thủy điện. Trong những năm gần đây, IHA đã đưa ra hàng loạt các công cụ, hướng dẫn và vận động sử dụng chúng thay cho các tiêu chuẩn và cơ chế quốc tế đã được thiết lập nhằm đánh giá chi phí và lợi ích của các dự án thủy điện.

Bãi cát ở sông MêCông thuộc tỉnh Nakhon Phanom, đông bắc Thái Lan. (Ảnh: AP)

Tác động bất lợi tới môi trường và xã hội của các đập thủy điện nguy hiểm hiện đã được chỉ rõ: từ việc di dời cư dân, gây ra tình trạng đói nghèo cho hàng triệu người, đặc biệt là người dân bản địa đến việc đẩy nhanh quá trình tuyệt chủng của các loài sinh vật nước ngọt và phân mảnh các dòng sông. Song, CBI lại đề xuất áp dụng công cụ đánh giá môi trường, xã hội và quản trị của IHA như một nguồn đánh giá và thẩm định chính của mình. Điều này đơn giản hơn cả một bài tập đánh dấu tích vào ô trống được thực hiện bởi các chuyên gia đánh giá do chính IHA công nhận – một cuộc xung đột lợi ích mà trong đó không có bất cứ sự giám sát ý nghĩa nào cả.

Các tổ chức cho rằng đây sẽ là một sự nhạo báng đối với các tiêu chuẩn và công ước quốc tế vốn được thiết kế để bảo vệ các dòng sông và quyền lợi của cộng đồng quanh khu vực, đồng thời điều này cũng mâu thuẫn với các phương pháp tiếp cận tích cực đang được áp dụng trong trong tiêu chuẩn hiện có của CBI cho cơ sở hạ tầng nguồn nước.

Bên cạnh những thiệt hại nghiêm trọng đối với thủy quyển, một phần quan trọng của hệ thống khí hậu toàn cầu, các hồ chứa thủy điện cũng phát thải một lượng lớn khí nhà kính, đặc biệt là ở các khu vực nhiệt đới. Các hồ chứa thủy điện sản sinh ra khí metan, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính nguy hiểm và là tác nhân lớn trong cuộc khủng hoảng khí hậu.

Tuy nhiên, Tuyên bố khẳng định các tiêu chuẩn mà CBI đang đề xuất đưa ra các chỉ tiêu thấp đến mức ngay cả các đập phát thải lượng lớn khí nhà kính cũng đủ điều kiện để được cấp chứng nhận CBI. Vấn đề này nảy sinh do CBI đề xuất sử dụng công cụ tính toán phát thải không minh bạch của chính IHA, trong đó đánh giá thấp khả năng phát thải khí nhà kính của các đập. Các đập thủy điện phát thải lượng khí metan cao nhất trong những năm đầu tiên đi vào hoạt động, do đó, việc khuyến khích phát triển thủy điện sẽ khiến lượng khí thải tăng vọt chính vào thời điểm thế giới đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính để ngăn chặn các tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.

Tài chính khí hậu có nhiều tiềm năng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo những chuyển biến tích cực cho các dòng sông, bao gồm: bảo vệ các nguồn nước ngọt bị đe dọa; khôi phục các dòng chảy, từ đó tạo điều kiện kết nối lại các hệ sinh thái đã bị phá vỡ; đảm bảo các vấn đề văn hóa và môi trường được đưa vào tham vấn ý kiến của người dân bị ảnh hưởng; và thúc đẩy các nỗ lực phục hồi sông như dỡ bỏ các con đập đã lỗi thời. Điều này là tối cấp thiết bởi tài nguyên nước ngọt vô cùng quan trọng để chống chịu trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu hiện nay.

CBI đã ban hành một tiêu chuẩn riêng cho cơ sở hạ tầng nước, đây là một bước đi quan trọng, thúc đẩy các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Bộ tiêu chuẩn về thủy điện CBI đang đề xuất sẽ là một bước lùi khi phê chuẩn các hoạt động năng lượng đe dọa tương lai các dòng sông.

Nếu được thông qua, những tiêu chuẩn này sẽ làm nghiêm trọng thêm các mối đe dọa toàn cầu đối với đa dạng sinh học nước ngọt, làm mai một các giá trị văn hóa, quyền con người của các cộng đồng ven sông và làm thất bại các nỗ lực thúc đẩy các tiến bộ hướng tới giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay. Điều này đồng thời sẽ làm tổn hại đến danh tiếng CBI và phần nào làm mất uy tín của các cơ chế tài chính trái phiếu xanh nói chung.

Vì vậy, các tổ chức kêu gọi CBI, Hội đồng quản trị và các cơ quan tư vấn của tổ chức từ bỏ theo đuổi những tiêu chuẩn thủy điện chỉ để phục vụ cho ngành thủy điện, thay vào đó, cần cung cấp các giải pháp có ý nghĩa để giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Nguồn:
PanNature