Ô nhiễm không khí gây suy yếu hệ miễn dịch, tàn phá cơ thể

Ô nhiễm không khí tại TP.HCM và Hà Nội thường xuyên được xếp vào hạng cao nhất thế giới (Hà Nội đứng thứ 16, TP.HCM đứng thứ 53 – ngày 31/10/2019, Airvisual), mức độ bụi được cảnh báo gây nguy hiểm như nhiễm khuẩn hô hấp ở nhóm người nhạy cảm: người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh mạn tính kèm theo (bệnh lý tim mạch, hô hấp…).

Nếu có sẵn bệnh tim mạch, việc tiếp xúc với bụi có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng – bao gồm làm nặng thêm tình trạng bệnh, cơn đau thắt ngực, đột quỵ.

Hạt bụi nhỏ, tác hại to

Các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Thông thường, các hạt bụi chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Còn các hạt bụi mịn có đường kính từ 0,1 micromet đến 2,5 micromet (còn được gọi là PM2.5, nhỏ hơn 1/30 đường kính của một sợi tóc), chúng ta sẽ không cảm nhận được rõ ràng, nhưng lại là tác nhân gây ra các phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở bất cứ cơ quan nào trong cơ thể, đặc biệt là hệ thống mũi xoang – phổi, con đường đầu tiên tiếp xúc khi hít bụi vào cơ thể, sau đó là hệ tim mạch vì bụi mịn có thể tấn công sâu vào mạch máu và quả tim.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính ô nhiễm không khí xung quanh (ngoài trời) là nguyên nhân chính gây tử vong và bệnh tật trên toàn cầu. Các ảnh hưởng sức khỏe bao gồm từ việc nhập viện tăng và đến phòng cấp cứu, tăng nguy cơ tử vong sớm. Khoảng 4,2 triệu ca tử vong sớm trên toàn cầu có liên quan đến ô nhiễm không khí, chủ yếu là do bệnh tim, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư phổi và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ em.

Ở trẻ em và người lớn, cả tiếp xúc ngắn hạn và dài hạn với ô nhiễm không khí xung quanh có thể dẫn đến giảm chức năng phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và hen suyễn nặng hơn. Bằng chứng mới nổi cũng cho thấy ô nhiễm không khí xung quanh có thể ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường và sự phát triển thần kinh ở trẻ em.

Người khỏe mạnh, cũng có thể gặp các triệu chứng như kích ứng mắt, da, mũi và cổ họng; ho, khạc đàm, tức ngực, khó thở. Những triệu chứng này sẽ biến mất khi chất lượng không khí được cải thiện. Còn những người có sẵn bệnh phổi như hen suyễn, COPD tính có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh như khó thở nhiều hơn kèm theo tức nặng ngực, ho nhiều hơn, thở khò khè. Các nghiên cứu cho thấy ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc bị ô nhiễm không khí cao, tần suất nhập viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch tăng cao hơn.

Ô nhiễm không khí

Trong hội nghị khoa học chuyên ngành hô hấp vừa được tổ chức hồi tháng 10/2019 tại Hà Nội, WHO và các chuyên gia y tế khuyến cáo, những trường hợp mắc bệnh COPD đang gia tăng, liên quan đến ô nhiễm không khí đang ở mức báo động, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM. WHO ước tính, hàng triệu ca tử vong trên toàn cầu, trong đó 29% tử vong vì ung thư phổi và 43% số ca tử vong do COPD, có liên quan tới ô nhiễm không khí.

Hít thở không khí ô nhiễm sẽ phá vỡ hệ thống miễn dịch

Ô nhiễm không khí cũng đã được chứng minh là ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch ở trẻ nhỏ và người già khiến họ không thể chống lại các bệnh nhiễm trùng như cúm, tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi… Tất cả chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi chất lượng không khí suy giảm, đặc biệt, sự cân bằng oxy hóa – chống oxy hóa (quan trọng đối với hệ thống miễn dịch) có thể bị ảnh hưởng xấu.

Hơn thế nữa, mới đây, theo một nghiên cứu từ ĐH bang Ohio (Mỹ), hít thở không khí ô nhiễm cũng có thể gây viêm nhiễm lan rộng bằng cách kích hoạt giải phóng các tế bào bạch cầu từ tủy xương vào dòng máu. Dòng tế bào bạch cầu có thể làm thay đổi tính toàn vẹn của các mạch máu.Các tế bào bạch cầu sau đó được hấp thụ vào các mô mỡ nơi hóa chất được giải phóng các chất gây viêm.Bụi mịn bị nhầm lẫn trong cơ thể là mầm bệnh, chẳng hạn như virus; tuy nhiên, nó lại không phải. Kích hoạt giải phóng các yếu tố trong hệ thống miễn dịch khi không có mầm bệnh có thể gây hại nhiều hơn lợi cho cơ thể.

Vì vậy, khi tiếp xúc với ô nhiễm không khí thường xuyên, cả hệ thống miễn dịch bẩm sinh và thích nghi đều trở nên vô cùng nhạy cảm với những phơi nhiễm môi trường bất lợi này, có thể dẫn đến “phản ứng cực đoan”. Rối loạn chức năng của hệ thống miễn dịch có liên quan đến sinh bệnh học của một số bệnh đường thở, bao gồm tổn thương phổi cấp tính, hen suyễn và COPD. Đáp ứng miễn dịch sai lệch ở phổi có thể dẫn đến bệnh hen suyễn.

Ô nhiễm không khí liên quan:

  • 29% của tất cả các trường hợp tử vong và bệnh do ung thư phổi.
  • 17% của tất cả các trường hợp tử vong và bệnh do nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính.
  • 24% số ca tử vong do đột qụy.
  • 25% số ca tử vong và bệnh do bệnh tim thiếu máu cục bộ.
  • 43% của tất cả các trường hợp tử vong và bệnh do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Giảm tối đa tác động ô nhiễm bụi, bảo vệ sức khỏe

Những ngày sương mù vừa qua đưa đến một nhận thức mới về sự nguy hiểm của ô nhiễm không khí do mật độ bụi mịn tăng cao. Trước khi cần có những quy định về luật pháp về việc đảm bảo chất lượng không khí, chúng ta hãy chắc chắn rằng bảo vệ sức khỏe bản thân, giảm thiểu những nguy cơ nhập viện và mắc các bệnh mạn tính như hô hấp, tim mạch.

Theo WHO, khi nồng độ bụi mịn giảm, tỷ lệ bệnh tật và tử vong liên quan cũng sẽ giảm. Các nghiên cứu đã cho thấy mức độ bụi mịn giảm 20 – 70µg/m3, giảm 15% nguy cơ tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.

  • Hãy ở trong nhà, nhất là nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người đang mắc bệnh hô hấp và tim mạch, trẻ nhỏ, đặc biệt vào thời điểm khi mức ô nhiễm không khí tăng ở mức báo động; nhưng nếu bạn phải ra ngoài, hãy tự bảo vệ mình bằng cách đeo khẩu trang đúng tiêu chuẩn để bảo vệ khỏi bụi trong không khí.
  • Một chiếc mặt nạ bằng vải cotton sẽ chặn khoảng 30% các hạt bụi. Một mặt nạ chuyên dụng dành cho các phẫu thuật viên sẽ chặn khoảng 80%.Một số loại mặt nạ đặc biệt khác sẽ ngăn chặn 98 – 99% hạt.
  • Tránh các hoạt động thể dục mạnh khi ở nơi bị ô nhiễm không khí, khiến phải hít thở nhanh hơn hoặc sâu như đạp xe, chạy bộ…
  • Nếu nhà ở trong khu vực có mức độ ô nhiễm bụi cao: giữ nhà sạch sẽ, lau khăn ướt; trồng nhiều cây xanh xung quanh nhà, trên đường đi giúp làm sạch không khí.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau, trái cây để bảo vệ sức khỏe chung và tránh sự hình thành các gốc tự do từ không khí ô nhiễm.
  • Có một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, như rau xanh và đậu cá, thịt, trứng và sữa. Bên cạnh đó, trong chế độ ăn hàng ngày, chúng ta có thể bổ sung các bữa ăn phụ với các chế phẩm giàu vitamin và khoáng chất, lợi khuẩn cần thiết cho cơ thể, nâng cao sức đề kháng, tăng cường sức khỏe. Sử dụng đúng vitamin trước khi bị phơi nhiễm ô nhiễm không khí còn có thể bảo vệ các tế bào ở cấp độ phân tử, gien di truyền, khỏi tổn thương do hít phải các hạt bụi mịn. Một nhóm nghiên cứu quốc tế do TS. Jia Zhong, từ Trường Y tế Công cộng Mailman (ĐH Columbia ở New York – Mỹ), phát hiện ra rằng sự kết hợp một số loại vitamin – có thể tăng cường cơ chế tự bảo vệ, giúp người trưởng thành khỏe mạnh vượt qua các triệu chứng viêm nhiễm và các triệu chứng khác do chất lượng không khí suy giảm.
  • Nếu xuất hiện những triệu chứng dai dẳng như ho, khó thở, đau mắt, ngứa họng; cần đi khám bác sĩ ngay, vì rất có thể bạn đã bị hen hoặc các bệnh hô hấp mạn tính khác hay khởi phát triệu chứng của một căn bệnh tim mạch.

NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Hoài Nam