Năng lượng tái tạo: Đột phá để thay đổi – Bài cuối: Xanh và sạch nhờ năng lượng tái tạo

Đầu tư phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo là cần thiết nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ trái đất, đặc biệt trong bối cảnh vừa xảy ra vụ cháy rừng nhiệt đới Amazon – “lá phổi” của địa cầu.

Nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cho thấy để đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (chưa tính đến tác động từ vụ cháy rừng Amazon), tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng toàn cầu đến năm 2030 phải tăng gấp hai lần.

Cho đến nay, nhiều nước trên thế giới đã và đang đẩy mạnh đầu tư mở rộng hạ tầng sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Turbine gió tại công viên điện gió. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngành khai thác năng lượng không carbon cũng đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới.

Đi đầu trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch là các nước châu Âu; trong đó có Thụy Sỹ, nhằm chuyển đổi châu Âu sang một nền kinh tế sạch và hiện đại.

Thụy Điển, Na Uy và Thụy Sỹ là ba quốc gia hàng đầu thế giới về chuyển đổi năng lượng. Báo cáo về việc thúc đẩy chuyển đổi hiệu quả năng lượng năm 2019, bao gồm Chỉ số chuyển đổi năng lượng, đánh giá các quốc gia về hiệu suất của hệ thống năng lượng, sự sẵn sàng chuyển đổi sang hệ thống năng lượng bền vững với giá cả phải chăng.

Thụy Sỹ chỉ đứng sau Thụy Điển, nhưng đã vượt qua Na Uy. Phần Lan và Đan Mạch theo sau ở vị trí thứ tư và thứ năm.

Các nước châu Âu thống trị top 10 nước hàng đầu. Trong số các nước này, hệ thống năng lượng của Thụy Sỹ được đánh giá hàng đầu thế giới. Tại Thụy Sỹ, gần 2/3 điện năng được sản xuất bằng thủy điện và năng lượng tái tạo.

Ý thức bảo vệ môi trường

Sinh thái học, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường luôn được phản ánh trong nhận thức ngày càng tăng của người dân Thụy Sỹ. Có thể nói không thể đi qua bất cứ một thành phố nào ở Thụy Sỹ mà không bắt gặp thùng rác tái chế.

Từ năm 1990 đến 2015, tỷ lệ tái chế chất thải đã tăng từ 15% đến 57% ở bang Vaud, một trong 26 bang của Liên bang Thụy Sỹ. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá Thụy Sỹ là một trong những nước có tỷ lệ tái chế chất thải cao nhất.

Nói đến thành công của Thụy Sỹ trong việc bảo vệ môi trường phải đề cập đến công tác giáo dục bảo vệ môi trường cho người dân – khâu cơ bản trong giáo dục-đào tạo ở mọi cấp học ở Thụy Sỹ. Đất nước Trung Âu này lâu nay rất chú trọng đến việc xây dựng các chính sách năng lượng xanh để phát triển bền vững.

Chính phủ Thụy Sỹ đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật phát nghiêm ngặt về môi trường và được quy định rõ trong Hiến pháp Thụy Sỹ từ năm 1971, theo đó việc áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước.

Báo cáo Chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) năm 2018 của các trường đại học Yale và Colombia (Mỹ) phối hợp với Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện, xếp hạng 180 quốc gia trên thế giới về thực hiện các vấn đề môi trường có mức độ ưu tiên cao, Thụy Sỹ là quốc gia đứng đầu trong giải quyết các vấn đề liên quan tới môi trường với số điểm cao nhất 87,42.

Đa số người dân Thụy Sỹ đã bỏ phiếu ủng hộ sử dụng năng lượng tái tạo cho dù điều này có thể dẫn đến việc hóa đơn tiền điện tăng thêm.

Năng lượng tái tạo không hề rẻ và Thụy Sỹ đã phải huy động mọi nguồn lực để có được nguồn quỹ tài trợ cho sáng kiến sử dụng năng lượng tái tạo.

Thụy Sỹ sẽ phải huy động nguồn quỹ tới gần 500 triệu franc ( USD) mỗi năm từ người sử dụng bằng cách tăng giá điện mới đủ nguồn lực tài chính trợ cấp cho sản xuất năng lượng từ mặt trời, gió, sinh khối, địa nhiệt và thủy điện.

Thêm vào đó, việc đánh thuế các nguồn nhiên liệu hóa thạch hiện hữu sẽ giúp huy động thêm được khoảng 150 triệu franc mỗi năm nữa.

Việc phát triển các kỹ thuật bảo vệ môi trường trong tương lai giúp tạo ra một làn sóng đổi mới ở Thụy Sỹ.

Nghiên cứu năm 2017 cho thấy lĩnh vực này đã và đang bùng nổ với số lượng việc làm tăng 25% trong 5 năm qua và hơn 200 công ty khởi nghiệp trong 10 năm qua.

Với khoảng 4.000 bằng sáng chế trên một triệu dân, Thụy Sỹ đã tạo ra khoảng 32.000 bằng sáng chế và đứng đầu về việc thành lập các doanh nghiệp công nghệ xanh.

Mặc dù thủy điện vẫn là nguồn năng lượng tái tạo chính ở Thụy Sỹ, song năng lượng tái tạo mới đang ngày càng cạnh tranh với nguồn năng lượng tái tạo truyền thống của đất nước.

Nhiên liệu sinh học, năng lượng mặt trời đã chứng kiến sự gia tăng liên tục trong sản xuất năng lượng của Thụy Sỹ trong những năm gần đây.

Trong vô số các sáng kiến về bảo vệ môi trường, phải kể đến ý tưởng gắn mác “Thành phố Năng lượng”. Gần 400 thành phố của Thụy Sỹ được công nhận sau khi xem xét kỹ các hoạt động của các thành phố ứng cử viên liên quan đến các biện pháp như chính sách về giao thông thân thiện với môi trường, giải tỏa, xây dựng cơ sở hạ tầng xanh và các cơ sở dân sự.

Trong lĩnh vực xây dựng, nhãn “Minergie” xác định thực tiễn tốt nhất liên quan đến việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Hơn một triệu người dùng và khoảng 45.000 tòa nhà đã có được nhãn Minergie trong hai thập kỷ qua.

Được công nhận là một trong những nhãn hiệu khắt khe nhất về mặt xây dựng bền vững, “Minergie” đã trở thành một tiêu chí lựa chọn tiêu chuẩn cho nhiều người Thụy Sỹ trong việc lựa chọn chỗ ở.

Các đặc điểm khác biệt của các tòa nhà Minergie bao gồm việc tiêu thụ năng lượng rất thấp và việc có thể sử dụng tối đa năng lượng tái tạo.

Tương lai thị trường năng lượng tái tạo

Chiến lược năng lượng Thụy Sỹ 2050 theo đuổi sự chuyển đổi từng bước của hệ thống năng lượng theo hướng cung cấp nguồn năng lượng tái tạo an toàn và tiết kiệm chi phí.

Theo chiến lược năng lượng mới nhất này, năng lượng mặt trời phải chiếm ít nhất 2% tổng lượng điện của đất nước vào năm 2050.

Tuy nhiên, Hiệp hội thương mại Swissolar cho rằng mục tiêu trên có thể điều chỉnh tăng lên 5% vào năm 2050.

Để thực hiện mục tiêu mới, Swissolar đang kêu gọi đầu tư nhiều hơn cho các cơ sở phát triển năng lượng mặt trời, đồng thời muốn nâng giá điện.

Trong nhiều năm qua, Chính phủ Thụy Sỹ đã triển khai và thông qua những giải pháp cụ thể trong Kế hoạch hành động kinh tế xanh nhằm tập trung vào hỗ trợ tài chính cho việc bảo vệ môi trường, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh, thúc đẩy công nghệ môi trường và đổi mới sinh thái, “Xanh hóa” hệ thống thuế và phí thông qua các sắc thuế môi trường…

Chính phủ Thụy Sỹ cũng đã lập ra các mục tiêu khí hậu ngắn và trung hạn tho Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu của Công ước khung của Liên hợp quốc và các đóng góp trên phạm vi toàn quốc theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Thụy Sỹ cam kết giảm 20% lượng khí thải nhà kính vào năm 2020 và 50% vào năm 2030 so với mức cơ sở năm 1990.

Trong khi gói biện pháp đầu tiên có hiệu lực, các nghiên cứu đánh giá chính sách năng lượng hiện tại từ góc độ kinh tế và tiến hành thảo luận về khả năng có các biện pháp tiếp theo.

Từ đó đưa ra cái nhìn tổng quan về các quy tắc thị trường khác nhau nhằm hỗ trợ Chiến lược năng lượng Thụy Sỹ 2050.

Cụ thể, nghiên cứu xem xét hiệu lực và hiệu quả của các biện pháp hiện có và đề xuất các giải pháp thay thế theo ba mục tiêu chính sách: mở rộng sản xuất năng lượng tái tạo, bảo đảm cung cấp và giảm phát thải khí nhà kính.

Ngày nay, Thụy Sỹ có được nguồn cung cấp năng lượng an toàn và tiết kiệm chi phí. Sự phát triển kinh tế và công nghệ cũng như các quyết định chính trị trong và ngoài nước hiện đang dẫn đến những thay đổi cơ bản trong thị trường năng lượng.

Việc phát triển Chiến lược năng lượng năm 2050 cũng nhằm chuẩn bị cho Thụy Sỹ đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, góp phần giảm tác động môi trường liên quan đến lĩnh vực năng lượng của Thụy Sỹ.