Quỹ bảo vệ môi trường Hải Phòng, thu vào mà không chi ra

Thành lập với chức năng cho vay với nhiều ưu đãi lãi suất và hỗ trợ, tài trợ dự án liên quan bảo vệ môi trường… Nhưng sau 5 năm hoạt động, Quỹ Bảo vệ môi trường TP Hải Phòng vẫn chưa có quy định cụ thể về chi hỗ trợ, mới chỉ có “thu” mà chưa có “chi”.

Quỹ Bảo vệ môi trường (BVMT) TP Hải Phòng được lập ra từ tháng 7/2014, với vốn điều lệ 30 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước cấp trong vòng 5 năm. Quỹ có chức năng cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng và tài trợ kinh phí cho các tổ chức có chương trình, dự án cải tạo, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học trên địa bàn.…

Sau 5 năm, chưa đơn vị doanh nghiệp nào tiếp cận được nguồn quỹ.

Từ khi thành lập đến nay, Hội đồng quản lý quỹ phối hợp cùng các cơ quan quản lý đôn đốc, tuyên truyền đến các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định nộp phí BVMT, nhất là ký quỹ BVMT của các dự án khai thác khoáng sản.

Đồng thời, Hội đồng quản lý quỹ tiến hành rà soát, phân loại các chương trình, dự án trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn có nhu cầu hỗ trợ tài chính. Nhưng ngoài chức năng huy động doanh nghiệp khai thác khoáng sản ký quỹ BVMT, việc triển khai chức năng vay vốn chưa được thực hiện.

Cụ thể, sau 5 năm hoạt động, qua nhiều năm huy động các nguồn tài trợ, đóng góp, ủy thác và bổ sung từ phí Bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn, khai thác khoáng sản, tiền ký quỹ của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản… hiện quỹ có vốn điều lệ là 43 tỷ đồng. Tuy nhiên điều ngạc nhiên là đến nay, Quỹ Bảo vệ môi trường Hải Phòng mới chỉ có “thu” mà chưa có “chi”, vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được nguồn vốn vay của quỹ này.

Theo tìm hiểu của PV, một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn quỹ này như đúng chức năng của nó là vì những quy định rất chặt chẽ của Qũy về đối tượng cho vay, cũng như những yêu cầu về tài sản bảo đảm.

Theo quy định, doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp và chỉ được vay 70% giá trị của tài sản thế chấp. Song hiện nay, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là đất đai, nhà xưởng nhưng phần lớn đã được các doanh nghiệp thế chấp vay vốn tại ngân hàng thương mại. Mặt khác, hiện tại vẫn chưa có quy định cụ thể về chi hỗ trợ.

“Để được vay vốn từ quỹ, dự án của doanh nghiệp phải thông qua Hội đồng quản lý quỹ phải xem xét, đánh giá sự cần thiết, mức độ hiệu quả, khả năng nhân rộng và khả năng hoàn vốn. Qua đó, Hội đồng quản lý mới quyết định hình thức, mức hỗ trợ tài chính…

Nhiều doanh nghiệp xây dựng trong khu dân cư, không đúng quy hoạch nên quỹ không thể cho vay. Bên cạnh đó, năng lực của doanh nghiệp hạn chế, nên việc xây dựng, lập phương án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả” – bà Đỗ Thị Hương, Phó Giám đốc Chi cục BVMT cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Đình Chuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết đã chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của quỹ, xác định rõ những hạn chế, vướng mắc để tháo gỡ, giải quyết, hạn chế tình trạng “đọng vốn” hiện nay.

Yêu cầu Hội động quản lý quỹ tiến hành rà soát, phân loại các chương trình, dự án trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn có nhu cầu hỗ trợ tài chính từ quỹ trên cơ sở bảo đảm đáp ứng các tiêu chí: tính cần thiết, mức độ hiệu quả, tính phù hợp, khả năng nhân rộng trong xã hội và khả năng hoàn vốn, sau đó sẽ cân nhắc, quyết định hình thức hỗ trợ tài chính…