Bên trong thủ phủ khai thác kim loại “quý hơn vàng” tại Trung Quốc

Bao Đầu, thành phố công nghiệp phía Bắc cách thủ đô Bắc Kinh 90 phút di chuyển bằng máy bay, được mệnh danh là “thủ phủ khai thác đất hiếm” tại Trung Quốc.

Thành phố công nghiệp Bao Đầu nằm trong khu tự trị Nội Mông. Ảnh: Bloomberg.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, mỏ khai thác Bao Đầu nằm trong khu tự trị Nội Mông. Với số dân 2,7 triệu người, Bao Đầu là một trong những trung tâm sản xuất đất hiếm lớn ở Trung Quốc từ những năm 1950 khi Bắc Kinh nỗ lực phát triển ngành công nghiệp đất hiếm.

Bao Đầu đảm nhiệm hơn một nửa lượng khai thác và sản xuất đất hiếm tại Trung Quốc, với ước tính trữ lượng đang là 100 triệu tấn.

Nơi đây cũng nổi tiếng với ngành công nghiệp sản xuất thép, khởi nguồn từ một nhà máy. Nhà máy thép Bao thành lập năm 1953 chuyên sản xuất ferrosilicon – hợp kim của sắt và silicon – cùng kim loại đất hiếm.

Vào thời điểm nhà máy mới đi vào sản xuất, nơi đây được coi là bí mật quốc gia. Thậm chí binh sĩ còn được huy động tới để canh giữ nhà máy, ngăn không cho người dân xâm phạm.

Đến năm 1984, nhờ một đội ngũ nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đất hiếm Bao Đầu thành công chiết tách 7 nguyên tố kim loại hiếm trong đất thành phố, ngành khai thác và sản xuất kim loại được mệnh danh “quý hơn vàng” này bùng nổ.

Với số dân 2,7 triệu người, Bao Đầu là một trong những trung tâm sản xuất đất hiếm lớn ở Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg


Bên cạnh Bao Đầu, thành phố Cám Châu thuộc tỉnh Giang Tây cũng là một mỏ dự trữ đất hiếm lớn tại Trung Quốc. Hơn 1 tuần sau chuyến đi khảo sát nhà máy sản xuất đất hiếm ở thành phố này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, truyền thông chính thức của Trung Quốc bắt đầu đề cập tới khả năng Bắc Kinh sử dụng quân bài đất hiếm để trả đũa Mỹ trong chiến tranh thương mại.

Ngày 29/5, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng xã luận nhấn mạnh Mỹ không nên đánh giá thấp khả năng chiến đấu của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại.

Cùng ngày, Lầu Năm Góc cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã đệ trình báo cáo về vấn đề đất hiếm lên Quốc hội, giữa lúc bộ này đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung loại khoáng sản đó từ Trung Quốc.

Hoạt động khai thác trong mỏ đất hiếm ở Bao Đầu. Ảnh: REX
Bao Đầu phụ trách hơn một nửa lượng đất hiếm đầu ra cho Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Đất hiếm chứa một nhóm gồm 17 nguyên tố hóa học được sử dụng trong một loạt các sản phẩm công nghệ, quân sự. Ảnh: Rex

80% nguồn đất hiếm Mỹ nhập khẩu trong giai đoạn từ 2014-2017 là từ Trung Quốc.

Đất hiếm chứa một nhóm gồm 17 nguyên tố hóa học được sử dụng trong một loạt các sản phẩm công nghệ từ thiết bị dân dụng như điện thoại thông minh, cho đến quân sự.

Một số khoáng chất đất hiếm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các thiết bị quân sự như động cơ phản lực, hệ thống phòng thủ chống tên lửa, vệ tinh, cũng như trong máy phát laser.