Chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội tiếp tục giảm, người dân nên làm gì?

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội tuần qua tiếp tục giảm. Ô nhiễm khói, bụi, rác thải… đang làm đau đầu người dân thủ đô. Ở góc độ tự bảo vệ sức khỏe, người dân nên làm gì?

Báo Lao Động thủ đô đưa tin, báo cáo chỉ số chất lượng không khí (AQI) do Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội công bố, trong tuần qua (từ ngày 5/5 – 11/5), chất lượng không khí trên địa bàn TP Hà Nội có xu hướng giảm, số ngày AQI đạt mức tốt giảm, số ngày AQI chạm ngưỡng kém tăng lên.

Trong tuần, chất lượng không khí tại các trạm quan trắc nền đô thị duy trì chủ yếu ở mức trung bình, các trạm quan trắc giao thông chủ yếu ở mức kém.

Cụ thể, tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, chất lượng không khí tuần qua vẫn chủ yếu duy trì ở mức trung bình. Tại các điểm quan trắc giao thông nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công trong tuần qua chất lượng không khí cũng có xu hướng giảm xuống.

Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông. Trong tuần qua chất lượng không khí tại cả hai trạm đều duy trì chủ yếu ở mức kém. AQI cao nhất tại 2 trạm Minh Khai và Phạm Văn Đồng lần lượt là 135 và 138 (tăng lên so với tuần trước đó).

Ô nhiễm ở Hà Nội đang tăng cao (Ảnh minh họa)

Trước đó, báo VietnamNet đưa tin, thời điểm đầu tháng 4/2019, chất lượng không khí tại Hà Nội thường xuyên ở mức báo động, đeo khẩu trang thường không có tác dụng. Khói bụi, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán bay lên cao, gây hiện tượng mờ mịt.

Khi vực phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm) có chất lượng không khí ở mức kém.
Khu vực Trung Yên 3, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, chất lượng không khí tuần qua vẫn chủ yếu duy trì ở mức trung bình.
Tại Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công chất lượng không khí cũng có xu hướng giảm xuống.

TS Hoàng Dương Tùng (Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) đánh giá, từ đầu tuần đến nay, chất lượng không khí ở Hà Nội kém có thể do cùng lúc kết hợp nhiều nguyên nhân: 60-70% do các phương tiện giao thông, còn lại do quản lý các công trình xây dựng không tốt, bụi từ các nơi sản xuất xi măng, sắt thép, hoá chất ở các tỉnh bay về Hà Nội, do đốt rơm rạ, đốt rác…

TS Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Quản lý sức khoẻ môi trường và hoá chất, Cục Quản lý Môi trưởng Y tế, Bộ Y tế cho biết, trung bình mỗi người cần 10.000 lít không khí để thở mỗi ngày. Do đó khi chất lượng không khí không đảm bảo có thể gây hàng loạt bệnh tật về đường hô hấp, tim, ung thư…

Trường hợp cấp tính nặng có thể dẫn đến ngạt do suy hô hấp, nhiễm độc máu, ảnh hưởng tim, phổi, thậm chí tử vong.

Trường hợp mãn tính là viêm phổi, viêm phế quản mãn tính và các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; hen suyễn; tim mạch; viêm da, kích ứng da; căng thẳng thần kinh…

Tuy nhiên, TS Cường cho biết, dù sống trong môi trường ô nhiễm nhưng không phải ai cũng mắc bệnh do phụ thuộc vào hệ miễn dịch, chức năng đào thải của cơ thể, chất độc hại và nồng độ vào cơ thể…

Để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội khuyến cáo người dân cần hạn chế đốt rác, rơm rạ, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống.

Người dân nên tham gia các phương tiện công cộng như xe bus, xe điện, hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân; và nên sử dụng các nhiên liệu sạch trong giao thông…

Ngoài ra, để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố chất lượng không khí của cơ quan nhà nước, để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Cách xem mức độ ô nhiễm không khí trên smartphone

Theo Ictnews, để biết nơi bạn đang sống ô nhiễm không khí đến mức độ ra sao? Bạn có thể theo dõi chất lượng không khí qua các trạm đo trên cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội hoặc mạng quan trắc của Tổng cục Môi trường. Bản đồ sẽ cho chúng ta biết chỉ số AQI của từng khu vực cụ thể cùng thông tin chi tiết.

Hoặc cài một trong các ứng dụng dưới đây: Air Quality | AirVisual, Air Matters, Air Quality Index BreezoMeter, Air Quality: Real time AQI, Air Quality Index Near Me, AirNow…

Theo đó, giá trị AQI từ 0-50 là Tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe; từ 51-100 là Trung bình, nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian ở ngoài; từ 101-200 là Kém, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài; 201-300 là Xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài; từ 301: Nguy hại, mọi người nên ở trong nhà.