Ngày 21-2, các nhà khoa học vui mừng thông báo vừa phát hiện lại loài ong lớn nhất thế giới từng biến mất từ năm 1981.
Cụ thể, một nhóm các nhà bảo tồn và nhà khoa học quốc tế tìm thấy những mẫu vật đầu tiên của Megachile Pluto, còn có tên phổ biến khác là ong khổng lồ của Wallace, tại quần đảo North Molucca – Indonesia hồi tháng 1. Sau khi công bố các bức ảnh và video về tổ ong và ong chúa, họ gọi phát hiện này là “điều đáng mơ ước” trong những khám phá về các loài động vật.
“Trong bối cảnh sự đa dạng côn trùng đang suy giảm toàn cầu, thật tuyệt vời khi phát hiện loài sinh vật biểu tượng này vẫn còn tồn tại” – trích lời ông Simon Robson, thành viên của nhóm kiêm giáo sư của Trường ĐH Sydney (Úc). Các chuyên gia cho biết tin vui trên thắp lên hy vọng rằng nhiều khu rừng trong khu vực này có thể là môi trường sống của ong khổng lồ cực hiếm.
Đối với loài ong khổng lồ của Wallace, cơ thể con cái có thể đạt chiều dài 3,8 cm với sải cánh rộng hơn 6 cm trong khi con đực có kích thước bé hơn. Loài côn trùng này được đặt tên theo nhà tự nhiên học người Anh Alfred Russel Wallace, người đã xây dựng thuyết tiến hóa bằng chọn lọc tự nhiên trước những đóng góp được công bố của Charles Darwin.
Tin vui khác được bộ trưởng môi trường của Ecuador thông báo hồi giữa tháng 2: Một con rùa khổng lồ được cho là đã tuyệt chủng hơn 100 năm trước vừa được tìm thấy trên đảo Fernandina thuộc quần đảo Galapagos. Một đoàn thám hiểm do cơ quan Công viên Galapagos và nhóm bảo tồn Galapagos dẫn đầu phát hiện một mẫu vật cái trưởng thành của loài rùa Chelonoidis phantasticus trên đảo.
Tung tích loài rùa này khá thú vị. Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) từng liệt nó vào danh sách “Cực kỳ nguy cấp (Có thể tuyệt chủng) năm 2017”. Theo nhóm bảo tồn Galapagos, mẫu vật duy nhất được biết đến của loài Chelonoidis phantasticus hay còn được gọi là rùa đảo Fernandina, “được thu thập trong cuộc thám hiểm của Học viện Khoa học California vào tháng 4-1906”.
“Mặc dù được cho là đã tuyệt chủng vì các trận núi lửa phun trào trong những thế kỷ qua, có những giai thoại cho thấy vẫn còn một số rất ít rùa trên đảo” – trích bài viết của nhóm trên website. Các khảo sát tại những khu vực hẻo lánh trên đảo Fernandina vào năm 1964 “ghi nhận nhiều dấu vết của loài rùa lớn” và một số dấu răng cắn của chúng.