Hồng Kông – ngã tư đường của tội phạm buôn bán ĐVHD

Mặc dù có cải cách, vùng lãnh thổ này vẫn là điểm chốt của toàn cầu trong dòng lưu thông bất hợp pháp các bộ phận động vật.

Trên bản đồ buôn bán lậu ĐVHD, Hồng Kông chiếm một vị trí độc đáo và thiết yếu: là điểm kết nối thuận tiện giữa các quốc gia và nằm sát thềm Trung Quốc đại lục – thị trường ĐVHD lớn nhất thế giới.

Trong thập kỷ qua, sự thèm khát địa vị của tầng lớp trung lưu và thượng lưu Trung Quốc đang bùng nổ – đối với đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật, phương thuốc truyền thống (mặc dù thường không thể kiểm chứng) và thực phẩm “độc lạ” – đã mở rộng đáng kể thị trường ngầm về ĐVHD toàn cầu, tàn sát các loài ở Châu Phi, Đông Nam Á và các nơi khác.

Tê tê là ​​thảm họa mới nhất: 4/8 loài hiện đang nguy cấp và thương mại quốc tế các sản phẩm tê tê bị cấm kể từ năm 2016.

Các nhà nghiên cứu tại Quỹ ADM Capital, một tổ chức có trụ sở tại Hồng Kông tập trung vào các vấn đề môi trường, gần đây đã phân tích dữ liệu về việc bắt giữ các sản phẩm ĐVHD từ Cục Hải quan.

Trong một báo cáo công bố tháng trước bởi Nhóm công tác thương mại ĐVHD Hồng Kông, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vùng lãnh thổ này bắt giữ tê tê nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào.

Từ năm 2013 đến 2017, Hồng Kông thu giữ 43 tấn vảy và thịt tê tê – lấy từ hàng chục nghìn con – trong các chuyến hàng đến từ sáu quốc gia, chủ yếu là Cameroon và Nigeria.

Số lượng bị bắt giữ trong khoảng thời gian 2013 – 2015 tương đương với 45% tổng số các sản phẩm tê tê bị thu giữ trên toàn thế giới từ năm 2007 đến 2015, theo số liệu gần đây nhất của UNODC.

Mặc dù dữ liệu được phân tích bởi Quỹ ADM Capital không bao gồm năm 2018 nhưng các vụ bắt giữ tê tê tăng gần gấp đôi từ năm 2017 đến năm 2018. Tháng 1 năm 2019, chính quyền Hồng Kông đã ngăn chặn lô hàng tê tê lớn chưa từng có, tổng số chín tấn, trên một tàu chở hàng từ Nigeria đến Việt Nam.

Các sản phẩm tê tê chủ yếu cập bến Trung Quốc đại lục mặc dù cũng không khó tìm thấy chúng ở Hồng Kông. Trên con đường Queen đông đúc ở quận Sheung Wan, nhân viên tại một cửa hiệu nhỏ, đứng sau quầy chất đầy câu kỷ tử khô, hạnh nhân và đậu xanh, sẵn sàng bán vảy tê tê cho khách hàng có nhu cầu.

Nhân viên này cho biết cửa hiệu này bán rất nhiều vảy tê tê và kinh doanh mặt hàng xa xỉ này khá lâu. Giá một lượng – đơn vị đo lường của Trung Quốc tương đương 37,5 gram ở Hồng Kông – khoảng 38 USD. Tuy cửa hiệu không bày công khai nhưng chỉ cần khách gọi điện là nửa tiếng sau sẽ có hàng đưa tới, thủ thuật để tránh bị bắt là nghiền thành bột và không nên mua quá nhiều mỗi lần.

Một lô hàng vảy tê tê bị hải quan Trung Quốc tịch thu ( Ảnh: Anthony Wallace/Agence France-Presse — Getty Images)

Kênh cung cấp cho thương mại bất hợp pháp

Trong những năm gần đây, trước hồi chuông báo động gióng lên về cả hậu quả sinh thái của buôn bán ĐVHD bất hợp pháp cùng mối liên hệ của nó với các hình thức tội phạm và an ninh khác, nhiều quốc gia đã tăng cường phản ứng, củng cố luật pháp và tăng các nguồn lực dành riêng cho việc thực thi.

Tại Mỹ, buôn bán ĐVHD hiện nay thường bị truy tố theo các đạo luật tội phạm có tổ chức liên quan đến thân thể. Liên hợp quốc mô tả hoạt động buôn bán ĐVHD là “một trong những hoạt động tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia lớn nhất”.

Các nhà bảo tồn chỉ trích Hồng Kông đứng ngoài xu hướng này. Trong khi các quốc gia khác có năng lực chính trị và thực thi pháp luật để chống lại buôn bán ĐVHD đã bắt đầu làm như vậy thì chính quyền Hồng Kông – nơi khá rốt ráo trong việc chống tham nhũng, tội phạm có tổ chức và các tệ nạn khác – lại tỏ ra miễn cưỡng làm theo, ngay cả khi phần lớn giao dịch bất hợp pháp đi qua sân bay và cảng vận chuyển của vùng lãnh thổ.

Cục Hải quan ước tính hàng lậu ĐVHD mà họ tịch thu trong năm năm qua – chủ yếu là tê tê, ngà voi và gỗ – trị giá hơn 71 triệu USD, một con số cho thấy khả năng của ngành công nghiệp bất hợp pháp lên tới một tỷ USD này.

Nhưng các quan chức môi trường và thực thi pháp luật thường xuyên bác bỏ quan điểm cho rằng những vụ bắt giữ này cho thấy sự tồn tại của các doanh nghiệp tội phạm nghiêm trọng. Tse Chin-wan, Phó cục trưởng Môi trường, cho biết: “Chúng tôi không có bằng chứng rõ ràng rằng tội phạm có tổ chức đang buôn bán ĐVHD ở Hồng Kông”.

Dưới 20% các vụ bắt giữ sản phẩm tê tê mà Quỹ ADM Capital xác minh đã bị truy tố. Các vụ án liên quan đến ngà voi – phân khúc lớn nhất của Hồng Kông về ĐVHD bất hợp pháp bị bắt giữ theo giá trị, với 26,3 triệu USD bị bắt giữ từ năm 2013 đến 2017 – có nhiều khả năng bị truy tố.

Nhưng các vụ bắt giữ hiếm khi được thực hiện trên mức của các cá nhân riêng lẻ, được gọi là “những kẻ buôn lậu hạng ruồi”, bị bắt quả tang tại sân bay và thường phải chịu một vài tuần tù cùng tiền phạt không đáng kể.

Sự miễn cưỡng để chính thức trấn áp buôn bán ĐVHD bất hợp pháp được giải thích một phần bởi lịch sử lâu đời của vùng lãnh thổ là cảng trung chuyển hàng đầu thế giới cho các sản phẩm ĐVHD hợp pháp. Thành phố này sát nách về mặt văn hóa và tự nhiên với tỉnh Quảng Đông, trung tâm y học cổ truyền Trung Quốc và nghề thủ công ngà voi trong nhiều thế kỷ, nơi người dân có nhận thức căn thâm đế cố về tiêu thụ ĐVHD làm thực phẩm.

Hồng Kông cũng gần với tỉnh Phúc Kiến, vùng duyên hải nổi tiếng với ngành công nghiệp chạm khắc, nơi nhiều sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp – như sừng tê giác, sừng hồng hoàng mỏ sừng, gỗ trắc – được biến thành đồ trang sức cao cấp, vật dụng trang trí và các bức tượng cho thị trường Trung Quốc.

Cả thế kỷ là thuộc địa của Anh tạo cho Hồng Kông mối kết nối với thương nhân ở các thuộc địa cũ tại châu Phi, những người buôn bán ngà voi, sừng tê giác và da động vật vốn được người tiêu dùng trên khắp thế giới ưa chuộng. Thành phố này là trung tâm của buôn bán ngà voi quốc tế cho đến khi bị cấm vào năm 1989, nhập khẩu mỗi năm 700 tấn ngà voi từ châu Phi vào đỉnh điểm trong những năm 1970.

Trong nhiều năm, Hồng Kông là nhà nhập khẩu và xuất khẩu vây cá mập hàng đầu – một nguyên liệu nấu súp phổ biến trong ẩm thực Quảng Đông. Theo thống kê gần đây nhất, vùng lãnh thổ này đứng đầu thế giới về nhập khẩu cá và bò sát sống.

Phần lớn giao dịch hợp pháp này có thể thấy được ở các khu phố như khu thương mại Sheung Wan, nơi các cửa hàng bày đầy cá ngựa khô và tổ yến san sát nhau trên đường phố, ngay bên dưới các bảng quảng cáo của nhà Kardashians.

Các nhà bảo tồn cho rằng thương mại hợp pháp này làm phức tạp các nỗ lực nhằm giải quyết vai trò của Hồng Kông là một điểm nút quan trọng trong thương mại bất hợp pháp toàn cầu. Chẳng hạn, khi đã bị lột da và phơi khô để bán trong các cửa hàng hải sản, vây của cá mập đầu búa có nguy cơ tuyệt chủng gần như không thể phân biệt được với vây cá mập xanh đánh bắt hợp pháp.

Trong số các loại bong bóng cá bơi khô – cũng là một nguyên liệu nấu súp phổ biến – được treo trên cửa sổ trong cùng tiệm, rất khó để phân biệt các loài được đánh bắt bền vững với cá totoaba, một loài thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp thường bị đánh bắt bất hợp pháp ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Mexico và cũng trực tiếp đẩy loài cá heo California, vốn thường bị mắc vào lưới đánh cá, đến bờ vực tuyệt chủng.

Sự phát triển ồ ạt của ngành vận tải biển và kết nối toàn cầu đã khiến thị trường của các loài này nhanh chóng và thuận tiện đến tàn nhẫn. Timothy C. Boniconke, nhà sinh vật học thuộc Phòng thí nghiệm tư pháp bảo tồn của Đại học Hồng Kông, đơn vị hỗ trợ thực thi pháp luật qua việc phân tích hàng lậu là các loài ĐVHD, đặt câu hỏi “Tôi tự nhủ tiếp theo sẽ đến loài nào? Có cách nào để bạn có thể chủ động về vấn đề này và ngăn chặn nó trước khi những loài trên trở nên cực kỳ nguy cấp? Và chắc chắn, ở Hồng Kông, chúng ta đã thấy luôn luôn có một loài mới, lúc nào cũng vậy”.

“Thế giới đang thay đổi”

Đáng chú ý là những nỗ lực để tuần tra nhập khẩu ĐVHD vào Hồng Kông cũng bị cản trở bởi quy mô thương mại không hạn chế ở một vùng lãnh thổ có nền kinh tế được xây dựng trên phong trào khai phóng.

Hầu hết vảy tê tê bị tịch thu nằm trong trong các container tại cảng Hồng Kông, cảng lớn thứ năm trên thế giới, nên việc kiểm tra một phần nhỏ trong số gần 21 triệu container đi qua hàng năm sẽ là một nhiệm vụ cực kỳ nặng nề.

Ngà voi và sừng tê giác từ châu Phi đến nhiều hơn qua ngả sân bay quốc tế Hồng Kông, sân bay dẫn đầu thế giới về vận tải hàng không và có lượng hành khách đi qua nhiều thứ tám.

Ông Tse Chin-wan bộc bạch: “Chúng tôi coi trọng việc thực thi và truy tố. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng Hồng Kông là một cảng tự do và có rất nhiều cơ hội cho hoạt động kiểu đó xảy ra. Mỗi ngày chúng tôi có hàng chục ngàn tàu chở hàng hóa ra vào thành phố”.

Ông lập luận rằng trước những thách thức đó, hy vọng tốt nhất để giảm vai trò của Hồng Kông trong buôn bán ĐVHD bất hợp pháp là giảm nhu cầu của người tiêu dùng địa phương đối với các sản phẩm hợp pháp. Ông nói đến việc tiêu thụ vây cá mập của vùng lãnh thổ, lượng nhập khẩu đã giảm 50% từ năm 2007 đến 2017.

“Tôi nghĩ rằng cộng đồng đã bắt đầu chấp nhận nếu một cái gì đó không tốt cho môi trường thì nó nên bị loại bỏ. Thế giới đang thay đổi”.

Hồng Kông cũng đã thực hiện một số động thái để giải quyết vai trò là điểm đến mua sắm ĐVHD cho người tiêu dùng từ Trung Quốc đại lục, nơi cơn thèm khát các sản phẩm ĐVHD có dấu hiệu giảm nhiệt.

Năm 2018, Hồng Kông đã thực hiện một bước quan trọng là cấm bán ngà voi, theo sau động thái tương tự của Trung Quốc và Hoa Kỳ hai năm trước đó. Đó là một thay đổi quan trọng và là sự thừa nhận rằng trong khi thành phố quan trọng đối với việc buôn bán ngà voi thì việc buôn bán ngà voi không còn rất quan trọng đối với thành phố hay cư dân của nó.

Khu mua sắm sầm uất trên đường Nathan, san sát các cửa hàng ngà voi trong những năm 1980, hiện chủ yếu thuộc về của các thương hiệu xa xỉ phẩm quốc tế. “Chẳng có lý do gì chúng tôi phải tập trung vào ngà voi ở đây”, ông Tse nói.

Kể từ khi thương mại quốc tế bị cấm vào năm 1989, các thương nhân Hồng Kông đã được phép bán ngà voi dự trữ từ trước lệnh cấm – và trong nhiều năm, các nhà bảo tồn, trích dẫn hiện tượng kho dự trữ vơi đi chậm chạp một cách đáng ngờ, để lập luận rằng các thương nhân đang sử dụng nó nhằm tẩy sạch ngà lấy từ các con voi mới bị giết chết.

Một số người bán ngà voi thừa nhận rằng có trò đánh lận con đen đó, đổ lỗi cho những người buôn bán vô đạo đức khác trong khi tự cho mình là bên bị thiệt trong việc kìm nén buôn bán ĐVHD bất hợp pháp.

Nhật Anh (Theo nytimes.om)

Nguồn: