Tiết kiệm năng lượng cho phát triển

Bảo đảm cung ứng năng lượng cho nền kinh tế quốc dân là vấn đề mà Việt Nam luôn quan tâm, nhất là khi dự tính nguồn điện lưới quốc gia tầm nhìn đến năm 2030 sẽ ngày càng hạn hẹp. Nội dung này cũng được bàn thảo kỹ tại hội thảo do Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức trung tuần tháng 1-2019, với thông điệp tiết kiệm năng lượng sẽ mang lại nhiều giá trị cho phát triển.

Cần đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo cho phát triển bền vững.

Báo cáo của Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho thấy chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả trong giai đoạn 2011-2015 đã giúp tiết kiệm gần 6% tổng năng lượng tiêu thụ trong cùng giai đoạn, tương đương trên 11,8 triệu tấn dầu quy đổi. Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần trong giai đoạn 2011-2015. Đáng kể như ngành thép (giảm 8,09%); ngành xi măng (giảm 6,33%); ngành dệt sợi (giảm 7,32%)…

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, từ nay đến năm 2030, năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm.

Cũng theo kịch bản này, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc trong các giai đoạn tới mặc dù sẽ giảm đáng kể so với trước đây, nhưng vẫn ở mức rất cao nếu so sánh với các nước trên thế giới.

Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 là 10,6%/năm, giai đoạn 2021-2025 là 8,5%/năm và giai đoạn 2026-2030 là 7,5%/năm. Hiện nay, nếu tổng công suất đặt của toàn hệ thống là khoảng 45.000MW thì đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 60.000MW và dự kiến lên đến 129.500MW vào năm 2030. Do đó, tiết kiệm năng lượng hiệu quả là một trong những giải pháp có tính khả thi, cho hiệu quả kinh tế cao.

Mặc dù có những kết quả đáng mừng trong việc tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên theo đánh giá chung, Việt Nam vẫn còn là một trong những quốc gia có cường độ sử dụng năng lượng cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, nguyên nhân là việc đưa các giải pháp, thiết bị tiết kiệm năng lượng vào sản xuất – kinh doanh tại các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn. Nhận thức của người dân và doanh nghiệp được nâng cao, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nghiêm túc thực hiện, thiếu cơ chế, giải pháp.

“Do vậy, cần nâng cao năng lực cho các tổ chức, tăng cường các giải pháp tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy thị trường, cơ chế tài chính thích hợp. Để bảo đảm cung ứng năng lượng cho nền kinh tế quốc dân, Bộ Công Thương luôn quan tâm đến vấn đề năng lượng và an ninh năng lượng. Dự tính, nguồn điện lưới quốc gia tầm nhìn đến năm 2030 sẽ ngày càng hạn hẹp khi Chính phủ chủ trương dừng các dự án điện hạt nhân. Cùng với đó là việc các nguồn hồ đập thủy điện lớn và trung bình đã được khai thác gần như triệt để. Do đó tiết kiệm năng lượng cho các ngành công nghiệp là vấn đề rất cấp thiết” – ông Trịnh Quốc Vũ khẳng định.

Còn chuyên gia cao cấp về tài chính của WB, ông Jukka – Pekka Strand thì nhấn mạnh yếu tố xây dựng năng lực, đào tạo và tập huấn cho các bên liên quan ở chính phủ, ngân hàng và doanh nghiệp. Hiện nay, WB đang phối hợp với Bộ Công Thương triển khai dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp thông qua huy động tài chính thương mại, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ giảm phát thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Theo chương trình của dự án này, dự kiến trong thời gian thực hiện (từ năm 2018 đến năm 2022), lượng năng lượng tiết kiệm đạt khoảng 0,93 triệu TOE/năm, trong đó lượng điện năng tiết kiệm: 1,853 triệu MWh/năm; lượng than tiết kiệm 1,075 triệu tấn/năm; lượng giảm khí thải nhà kính (CO2) 4,835 triệu tấn/năm. Đặc biệt, số tiền tiết kiệm được sau khi kết thúc dự án khoảng 11 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, để thực hiện tốt điều này, cần sự hỗ trợ, tham gia của người dân và doanh nghiệp vì mục tiêu chung, tiết kiệm năng lượng cho phát triển bền vững.