Lời cảnh báo từ những hồ chứa chất thải

Vụ vỡ đập bùn thải Gyps tại khu công nghiệp Tằng Loỏng (Bảo Thắng – Lào Cai) đang gây nên nhiều tác động vô cùng nặng nề cho người dân và môi trường. Sự cố này, thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về mức độ an toàn các đập chứa chất thải ở nhiều địa phương.

Nhà dân bị thiệt hại do vỡ hồ chứa nước thải Nhà máy DAP Lào Cai. Ảnh: Quốc Hồng

Sớm di dời dân

Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Vy – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền bắc, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, sự cố vỡ đập chứa bùn thải Gyps của Nhà máy DAP Lào Cai (Công ty cổ phần DAP số 2 – Vinachem) cơ bản đã được khống chế. Theo thống kê, có 35 nhà dân ở tổ 7, thị trấn Tằng Loỏng và thôn Phú Hà 1 và Phú Hà 2 ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng bị cuốn trôi, hư hỏng. Nước thải làm sạt lở tỉnh lộ 151 nối thành phố Lào Cai với huyện Văn Bàn.

Ngay sau sự cố xảy ra, UBND tỉnh Lào Cai đã quyết định tạm dừng hoạt động nhà máy này, yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, khoảng 45 nghìn mét khối nước thải có chứa hàm lượng a-xít khá cao đã thoát ra ngoài môi trường, sẽ gây hại cho sức khỏe con người. UBND tỉnh Lào Cai và chính quyền địa phương đã thông báo cho người dân trên địa bàn tạm thời không sử dụng nước tại các khu suối quanh khu vực nhà máy, như suối Trát, suối Mã Ngan, suối Hoai… Ðồng thời thông báo cho tỉnh Yên Bái – địa phương phía hạ du sông Hồng, về các thông tin liên quan đến sự cố, để kịp thời có biện pháp kiểm tra độ an toàn nguồn nước.

Các giải pháp trước mắt tỉnh Lào Cai thực hiện là huy động lực lượng chức năng tiến hành việc rắc vôi bột vào các khu vực có nước thải tràn ra để trung hòa a-xít. Theo ông Lê Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lào Cai: Lực lượng cứu hộ, xử lý sự cố của tỉnh đã sử dụng hơn 600 tấn vôi bột và dung dịch sữa vôi đưa xuống các suối. Hiện Tổng cục Môi trường tiếp tục phối hợp Sở TN-MT tỉnh Lào Cai giám sát chất lượng nguồn nước tại khu vực chung quanh nhà máy và các con suối lân cận dẫn ra sông Hồng, phát hiện điểm ô nhiễm để cảnh báo cho người dân.

Ðến nay, UBND huyện Bảo Thắng cùng Công ty Vinachem đã thực hiện xong công tác thống kê, dự kiến đủ quỹ đất tái định cư để di chuyển các hộ dân. Ðể bảo đảm sớm ổn định cuộc sống cho các hộ dân, tỉnh đề nghị Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hỗ trợ cùng Vinachem bố trí nguồn kinh phí phối hợp với UBND huyện Bảo Thắng trước mắt tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng, di chuyển ngay 10 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp nằm phía dưới khu vực bị vỡ đập. Với các hộ còn lại sau khi khắc phục xong sự cố sẽ tiếp tục di chuyển để ổn định cuộc sống. Về lâu dài, sau khi đắp đê quây “hàn khẩu” đoạn bờ hồ chứa bị vỡ ngăn không cho nước thải thoát ra ngoài môi trường, Vinachem sẽ thuê cơ quan chuyên môn khảo sát, tính toán đưa ra giải pháp thi công hồ chứa nước thải hiện tại. UBND tỉnh Lào Cai cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương xem xét sớm chấp thuận cho đầu tư xây dựng thêm hồ chứa nước thải số 2 bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn theo quy định để phục vụ sản xuất lâu dài.

Cần rà soát hệ thống đập nước thải

Sự cố vỡ đập bùn thải Gyps của Nhà máy DAP Lào Cai tiếp tục làm dấy lên nỗi lo lắng của hàng vạn hộ dân không chỉ ở dự án này mà ở hàng loạt dự án tương tự ở nhiều tỉnh, thành phố. Năm 2016, sự cố vỡ hồ chứa bùn thải titan ở xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) khiến một khối lượng lớn bùn đỏ tràn ra ngoài, làm tắc nghẽn giao thông khu vực, gây những hậu quả môi trường nghiêm trọng. Trước đó, vào tháng 1-2016, đã có vụ vỡ bể chứa bùn thải chì, kẽm của Công ty TNHH CKC ở thị trấn Pác Miều (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) khiến hàng nghìn mét khối bùn thải độc hại tràn vào nhà dân, và chảy ra sông Gâm.

Nhìn nhận sự việc trên, một chuyên gia cho rằng, khi tiến hành dự án, chủ đầu tư bao giờ cũng cam kết bảo đảm quy chuẩn an toàn, không vỡ đập, vậy nhưng, sự cố vẫn xảy ra. Dù quy mô vỡ đập chưa lớn, chưa gây chết người nhưng những hậu quả bước đầu đối với môi trường cũng không thể coi là nhỏ. Dư luận đang đặt câu hỏi, phải chăng các sự cố vỡ hồ, đập nguy hại đó vẫn xảy ra là do chưa có một đơn vị nào bị xử lý tương xứng với hành vi vi phạm đã gây ra? Và dường như, cả một hệ thống giám sát ở địa phương với các dự án gần như không hoạt động để xảy ra sự cố như vậy? Do đó, sau sự cố mới nhất này, thực tế đang đòi hỏi phải có sự giám sát nghiêm ngặt hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng, cũng như có những chế tài xử lý nghiêm minh các dự án có dấu hiệu vi phạm những quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn, bảo vệ môi trường.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng, Bộ TN-MT cần sớm tổ chức rà soát lại mức độ an toàn của các hồ, đập chứa nước thải tại nhiều địa phương, nhất là thời điểm này đang trong mùa mưa bão. Trên cơ sở đó, lập phương án bổ sung đầu tư các công trình, bởi có những công trình trước đây đánh giá tác động môi trường (ÐTM) đã được duyệt và nhà máy thi công đúng theo ÐTM, đúng thiết kế. Tuy nhiên, sau khi đánh giá lại thì thấy không an toàn nên cần phải rà soát lại đánh giá tác động môi trường này và có giải pháp bổ sung làm sao xây dựng các công trình an toàn hơn. Các hồ, đập cần thiết lắp đặt các thiết bị quan trắc online 24/24 và truyền dữ liệu về Bộ và Sở TN-MT để sớm phát hiện sự cố.