Hơn 3.000ha rừng trồng đạt chứng chỉ FSC

Ngày 9/8, tại TP Tuy Hòa, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo kết thúc dự án Quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản có trách nhiệm (RAFT3).

Tham dự có đại diện Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp, đại sứ quán Úc tại Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF Việt Nam), Trung tâm vì con người và rừng (RECOFTC), Mạng lưới giám sát bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu (TRAFFIC), Sở NN-PTNT các tỉnh Phú Yên và Bình Định, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lâm sản trong và ngoài tỉnh.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, RAFT3 được triển khai từ tháng 12/2016-3/2018 (gia hạn đến tháng 8/2018), do Chính phủ Úc (nhà tài trợ chính) thông qua 3 nhà tài trợ gồm WWF Việt Nam, RECOFTC và TRAFFIC, với tổng kinh phí hơn 188.000 đô la Úc, đến năm 2020 thực hiện thương mại gỗ hợp pháp và có trách nhiệm gia tăng, hoạt động quản lý rừng trồng bền vững trở thành hoạt động thường xuyên tại Việt Nam.

Đến nay, dự án đã thúc đẩy quản lý rừng theo tiêu chuẩn quốc tế và đã hỗ trợ kỹ thuật cho 3 doanh nghiệp thực hiện quản lý rừng bền vững, trong đó có 2 doanh nghiệp được tổ chức FSC (là tổ chức đề ra những biện pháp kiểm soát việc quản lý rừng trên thế giới phù hợp với môi trường, đồng thời có lợi ích cho xã hội và đạt hiệu quả kinh tế) cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững với diện tích hơn 3.000ha.

Đối với việc thực hiện thương mại gỗ hợp pháp, có trách nhiệm đã xây dựng được cẩm nang nhận dạng gỗ thuộc danh mục cấm; hỗ trợ các doanh nghiệp tạo thị trường nội địa về lâm sản, kết nối giữa người sản xuất, người bán và người mua…

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác quản lý rừng và mua bán lâm sản có chứng chỉ để các đơn vị học hỏi lẫn nhau nhằm hoàn thiện hơn để phát triển bền vững. Kết luận tại hội thảo, ông Lê Văn Bách, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp cho biết, các kết quả của dự án RAFT3 đã thể hiện đồng bộ theo đúng tên dự án quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản có trách nhiệm. Mặc dù dự án này đã kết thúc nhưng đây là mô hình cần tiếp tục xây dựng và phát triển trong giai đoạn tiếp theo…