Việt Nam đồng tổ chức sự kiện quản lý rủi ro trong cấp nước và vệ sinh

Ngày 9/7, trong khuôn khổ Diễn đàn Chính trị Cấp cao của Hội đồng Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC), Việt Nam và Phần Lan đã đồng tổ chức sự kiện “Quản lý Rủi ro trong Cung cấp Nước và Vệ sinh-Công cụ phần mềm và hợp tác công-tư” do Thứ trưởng Bộ Nông-Lâm nghiệp Phần Lan chủ trì.

Tham gia thảo luận phía Phần Lan có đại diện của công ty Phát triển Phần mềm Quản lý Nước Poyry của Phần Lan, trường Đại học Aalto (Phần Lan); phía Việt Nam có sự tham gia của hai diễn giả từ Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng). Ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, tại sự kiện, các diễn giả đều khẳng định tầm quan trọng của Nước, tiếp cận Nước sạch và đảm bảo tính vệ sinh và thông suốt trong cung cấp nước, nhất là tại các đô thị.

Phần Lan đã phát triển Công cụ phần mềm Xây dựng Kế hoạch về An toàn Nước (WSP) nhằm giảm thiểu rủi ro trong cung cấp dịch vụ về Nước. Công cụ này giúp cho các nhà máy nước phát hiện và giảm thiểu rủi ro về an toàn nước. Hiện WSP đã được triển khai thí điểm ở Hải Phòng, Đà Nẵng và Đồng Nai. Công cụ này cũng đã được xây dựng, điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của các nhà máy nước và khuôn khổ pháp lý của Việt Nam. Đây cũng là một ví dụ thành công của quan hệ đối tác công-tư dựa trên phương pháp nghiên cứu về Lập Kế hoạch An toàn Nước do WHO khuyến nghị.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Bùi Thanh Hải/TTXVN)

Các diễn giả Việt Nam khẳng định dự án đang thí điểm có tính phù hợp cao với năng lực của các nhà máy nước đang sử dụng công cụ này, đồng thời là một ví dụ tiêu biểu của việc các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo an toàn Nước và vệ sinh cho mọi người dân.

Bên cạnh đó, việc triển khai ở Việt Nam cho thấy WSP có thể được chuyển giao sang các quốc gia khác vì có tính linh hoạt cao. WSP giúp cho các nhà máy nước vận hành thông suốt hơn và có các phương án để phòng tránh và xử lý các gián đoạn trong hệ thống cung cấp nước, đóng góp cho việc thực hiện thành công các Chỉ tiêu 6.1 và 6.2 của SDG 6.

Sự kiện đã thu hút được sự quan tâm tham gia đông đảo của các nước thành viên Liên hợp quốc và các chủ thể khác hoạt động trong lĩnh vực nước, các ý kiến thảo luận sôi nổi, góp phần thiết thực vào hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh.

Nguồn: