Gỡ nút thắt cho điện gió

Với tổng công suất 197MW, thị trường điện gió Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn phát triển sơ khai.
Việt Nam muốn có nhiều điện hơn từ nguồn năng lượng gió. Đến nay, đã có 7 dự án điện gió được đưa vào vận hành với tổng công suất 190 MW, cũng như danh mục các dự án đăng ký đầu tư đang ngày một dài hơn.

Hào hứng đầu tư

Theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới, nguồn tài nguyên gió tiềm năng chưa được khai thác ở VN là 27GW. Quy hoạch đến năm 2020, công suất điện gió VN sẽ đạt 800MW và đến năm 2030 đạt 6.000MW.

Cuối tháng 5 vừa qua, hai doanh nghiệp là JR Energy Co, Ltd (AISA) và Cty TNHH Năng lượng tái sinh Trác Việt đã đến tỉnh Bình Phước, với mong mỏi đầu tư phát triển điện gió.

Dự án điện gió JR Tây Bình Phước có công suất thiết kế 300MW, vốn đầu tư 13.375 tỉ đồng có thể cho thấy việc đầu tư vào lĩnh vực này là rất tốn kém.

Thêm nguồn điện từ gió, Việt Nam, một mặt đáp ứng được các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng mặt khác đã giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và sử dụng nguyên liệu hóa thạch để đảm bảo an ninh năng lượng.

Việt Nam đã có khung chính sách năng lượng quốc gia và Chính phủ cũng đã ban hành cơ chế phát triển điện gió từ năm 2012. Tuy nhiên, Ông Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công thương thừa nhận, phát triển các nguồn điện gió ở Việt Nam “còn rất chậm”, với tổng công suất các nhà máy ở mức 197 MW.

Việt Nam còn đang ở khoảng cách rất xa mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), năm 2020 tỷ trọng sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo chiếm 6,5% trong cơ cấu nguồn điện, và đến năm 2030 đạt 6,9%, tức là 800 MW điện gió vào năm 2020 và 6000 MW vào năm 2030.

Gỡ nút thắt

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển về điện cao nhất thế giới.

Đại diện một doanh nghiệp đầu tư điện gió, ông Bùi Vĩnh Thắng, Công ty Năng lượng tái tạo Mainstream cho rằng, hạn chế lớn nhất với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào điện gió Việt Nam là hợp đồng mua bán điện. Cụ thể, trong hợp đồng này, các nhà đầu tư nước ngoài cho biết điều khoản về hủy và chấm dứt hợp đồng khiến họ có nguy cơ phải chịu rủi ro cao. Vì hợp đồng đặt rủi ro của nhà đầu tư rất cao nên khó có thể huy động vốn. Do đó, số nhà máy điện gió chưa nhiều và chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng đồng tình, cho rằng, các dự án điện gió tại Việt Nam phát triển chậm do vẫn còn nhiều rào cản cùng nhiều khó khăn như quá trình sử dụng đất, vốn, việc đấu nối giải tỏa công suất…

Những cảnh báo về một Việt Nam thiếu điện dần hiện hữu. Và điều này đang được củng cố bằng dự báo của Bộ Công thương, tốc độ tăng trưởng điện sản xuất bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 là 10,7%/năm và giai đoạn 2021-2025 là 8,6%/ năm.

Ông Steve Sawyer, Tổng thư ký Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) thì cho rằng, điện gió của Việt Nam chắc chắn hấp dẫn các nhà đầu tư nhiều hơn nếu có khung pháp lý ổn định và lâu dài. Muốn vậy, Việt Nam cần nỗ lực hơn để cải thiện tính hiệu quả và minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm.

Về giá điện gió, chỉ quy định ở mức 7,8US cent/kWh, không hấp dẫn. Hơn bao giờ hết, những nhà đầu tư điện gió đang rất cần ưu đãi thiết thực hơn, một cơ chế minh bạch, phá vỡ thế độc quyền. Chỉ có như vậy, mới đủ sức tạo động lực để ngành công nghiệp điện gió mạnh mẽ như… gió và tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên “gió” đang rất dồi dào, mà không phải quốc gia nào cũng được Mẹ Thiên nhiên ưu ái ban tặng rất nhiều như ở VN.

Tuy nhiên, mới đây, tại một phiên họp Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thông tin, Bộ Công thương đề xuất tăng giá điện gió. Cụ thể, nếu điện gió làm trên mặt biển, có thể tăng thêm 2 cent cho mỗi kWh, còn với các dự án điện gió trên đất liền có thể tăng thêm 1 cent (giá điện gió hiện ở mức 7,8 cent/kWh, áp dụng từ năm 2011).