Môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng do khai mỏ

Được biết, từ năm 2010-2011, UBND tỉnh Kon Tum đã cấp phép cho 3 doanh nghiệp là Công ty CP Thép Đông Á, Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Bình Giang, Công ty TNHH Kim Sơn Thủy khai thác vàng sa khoáng dọc các sông, suối ở các huyện Đắk Tô, Ngọc Hồi, Đắk Glei của tỉnh này với diện tích hàng trăm hecta. Sau khi lấy hết vàng, các công ty dời đi để lại hậu quả nặng nề cho người dân.

Hai bên bờ suối Đắk Mỹ đoạn qua 2 thôn Peng Sang Peng và Đắk Đoát thuộc xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei, từng bị Công ty TNHH Kim Sơn Thủy băm nát để tìm vàng, nay trở thành những bãi đất hoang. Mảnh ruộng của gia đình bà Y Tun (thôn Peng Sang Peng) rộng 1,5 sào nằm dọc suối Đắk Mỹ ngày nào, giờ chỉ là những hố sâu trơ đá.

Sau khi lấy vàng, Công ty Đông Á không hoàn thổ khiến ruộng, rẫy của người dân thành hồ nước

Trước đây, đoạn sông Pô Kô chảy qua làng Kà Nhảy, xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, đất đai màu mỡ. Từ năm 2014, Công ty CP Thép Đông Á thỏa thuận với người dân mượn đất khai thác vàng, sẽ hoàn thổ trả lại mặt bằng. Thế nhưng, sau khi công ty này khai thác xong và không hoàn thổ thì cả vùng rộng lớn trở nên hoang hóa. Gia đình ông Hoàng Nam Thành (trú ở xã Đắk Nông) được công ty này trả 22 triệu đồng để mượn 4 sào đất đang trồng cao su, kết quả để lại như một bãi chiến trường.

Theo ông A Pháo – Chủ tịch UBND xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi : Công ty CP Đông Á thương lượng với bà con để thuê đất khai thác vàng nhưng không thông qua chính quyền. Do đó, xã không nắm được cụ thể diện tích, số hộ trên địa bàn là bao nhiêu. Ông Nguyễn Đức Xuân, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngọc Hồi cũng xác nhận: sau khi người dân phản ánh, UBND tỉnh đã có chỉ đạo phòng có biện pháp buộc các doanh nghiệp thực hiện hoàn thổ, sớm ổn định canh tác cho người dân.

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, phần lớn việc khai thác khoáng sản tập trung các huyện Lâm Hà, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc. Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Bảo Lộc cho biết, trên địa bàn có 11 giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, gồm 8 mỏ đá, 2 mỏ cao lanh và 1 mỏ bauxite. Ngoài số này, rất nhiều trường hợp núp bóng dự án nông – lâm kết hợp thực hiện hoạt động khai thác trái phép cao lanh và cát diễn ra hết sức phức tạp.

Phần lớn các doanh nghiệp được cấp phép cũng như khai thác lậu đều không có thiết kế mỏ, đổ thải xuống chân đồi, suối gây ô nhiễm môi trường. Việc hoàn thổ các điểm mỏ sau khai thác không được doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện.

Tại huyện Bảo Lâm, khu vực Đồi Cù thuộc Tiểu khu 446 (thôn 6, xã Lộc Tân) nằm trong diện tích 300 ha đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép cho Công ty TNHH An Việt thực hiện dự án “Nông lâm kết hợp”. Tuy nhiên, công ty này lại để nhiều doanh nghiệp khác khai thác cát và cao lanh trái phép làm tan hoang cả một vùng rừng núi. Hiện trường khu vực này nham nhở với những đồi cát, hố sâu ngay tại cửa rừng. Nhiều diện tích tiếp tục bị khoét rỗng, trong khi những hầm hố đã khai thác không ai hoàn thổ.

Các mỏ cao lanh ở Lâm Đồng tan hoang vì không được hoàn thổ

Ông Nguyễn Bá Đông, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Lâm thừa nhận, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã nhiều lần xử phạt hành chính với số tiền hơn 110 triệu đồng và tịch thu nhiều phương tiện của các đơn vị khai thác khoáng sản vi phạm, nhưng thực trạng vẫn không thay đổi.