Gian nan cuộc chiến chống “vàng tặc” tại Kon Tum

Tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) đã xuất hiện trở lại với hình thức tinh vi hơn.

Cửa hầm – nơi dẫn vào một “địa đạo” khai thác vàng trái phép. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN

Để qua mặt lực lượng chức năng, các nhóm đối tượng khai thác vàng trái phép lợi dụng các vườn cây công – nông nghiệp của người dân, ngụy trang bằng nhiều hình thức để khai thác đang khiến cuộc chiến chống nạn khai thác vàng gặp nhiều khó khăn.

Với quyết tâm xóa bỏ nạn khai thác vàng trái phép, chính quyền huyện Ngọc Hồi đang tích cực triển khai nhiều biện pháp, giải pháp quyết liệt trong tuần tra, truy quét, phát hiện các điểm khai thác vàng trái phép. Đặc biệt, địa bàn xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép nằm tiếp giáp với địa giới hành chính của hai huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi; nằm trong diện tích trồng rừng nguyên liệu giấy của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nguyên liệu giấy miền Nam. Vì vậy, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ để chấn chỉnh, xóa bỏ tình trạng khai thác vàng trái phép.

Theo ông Trần Văn Chí, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: Để chấm dứt hoạt động khai thác vàng trái phép xảy ra trên địa bàn, huyện đã tổ chức ký Quy chế phối hợp trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản vùng giáp ranh giữa huyện Ngọc Hồi và huyện Sa Thầy; thành lập Tổ công tác liên ngành gồm huyện Sa Thầy- Ngọc Hồi và Ban trồng rừng thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên nguyên liệu giấy miền Nam để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, truy quét tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên khu vực vùng giáp ranh; thành lập hai chốt liên ngành đặt tại vị trí của hai xã giáp ranh (Rờ Kơi và Đăk Kan). Đặc biệt, gắn trách nhiệm khi xảy ra sự việc đối với chủ tịch xã, Ban trồng rừng nguyên liệu giấy nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức trong việc quản lý, bảo vệ khoáng sản; thực hiện phối hợp thường xuyên với các đơn vị, huyện Sa Thầy để quản lý người và phương tiện ra vào khu vực thường xuyên xảy ra nạn khai thác vàng…

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, công tác tuần tra, truy quét, xử lý nạn khai thác vàng trái phép vẫn còn nhiều hạn chế như việc phối hợp tuần tra, truy quét giữa các đơn vị có liên quan chưa thường xuyên; công tác trao đổi thông tin chưa kịp thời. Các điểm cần bảo vệ khoáng sản có địa hình đi lại phức tạp, xa khu dân cư…gây khó khăn trong công tác phối hợp tuần tra, truy quét.


Đường hầm sâu hun hút dài hàng trăm mét tại nhà ông Nguyễn Văn Lý. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN

Trước đó, TTXVN đã đưa tin, những ngày đầu tháng 1/2018, Đoàn liên ngành gồm Sở Tài Nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát Môi trường – Công an tỉnh Kon Tum cùng ngành chức năng huyện Ngọc Hồi đã phát hiện tại vị trí rẫy chanh dây của gia đình ông Nguyễn Văn Lý và bà Nguyễn Thị Vĩnh một nhóm đối tượng đang khai thác vàng trái phép. Đây là trường hợp khai thác vàng trái phép thứ 3 được phát hiện tại khu vực xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi. Điều đáng quan tâm là điểm khai thác vàng trái phép lần này được thực hiện hết sức tinh vi, miệng hầm được ngụy trang, che giấu trong lán trại, xung quanh có người canh giữ.

Khi bị phát hiện, hầm vàng này đã được đào với chiều ngang 1,1m, cao 1m, chiều dài lòng đất hơn 100 m. Hầm được đào sâu dưới lòng đất, phía trong có nhiều ngách ngang. Phía bên trong hầm có nhiều phương tiện chuyên dùng như mâm đãi vàng, xe rùa, máy xay đá… Hiện tượng cho thấy, hầm khai thác vàng hoàn toàn mới, đang hoạt động. Bên trong hầm, Đoàn kiểm tra phát hiện có 10 tấn khoáng sản nguyên khai (vàng gốc), bắt quả tang 5 đối tượng tổ chức đào hầm và khai thác vàng gốc gồm A Thiên (27 tuổi, trú tại xã Ngọc Tụ, huyện Đắk Tô, Kon Tum); A Thiếu (16 tuổi); A Khôi (20 tuổi); A Hổ (22 tuổi) và A Khôn (18 tuổi) cùng trú tại làng Ri Mẹt, xã Đắk Môn, huyện Đắk Glei, Kon Tum.