ĐBSCL trước thách thức biến đổi khí hậu: Bài học và hướng tiếp cận

Trong hai ngày, 26-27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị với quy mô được cho là “chưa từng có” về ĐBSCL, quy tụ hơn 500 đại biểu tham dự đến từ các cơ quan chính phủ, giới học viện cùng chuyên gia trong và ngoài nước. Hội thảo khép lại với nhiều mục tiêu đạt được, hứa hẹn sớm định hình một cơ chế mang tầm quốc gia để ứng phó có hiệu quả và bền vững đối với những nguy cơ mất an ninh môi trường mà vùng ĐBSCL đang và sẽ đối mặt.

Trong khi chờ đợi bước đi tiếp theo để hiện thực hóa những quyết tâm chính trị và giải pháp chính sách sau Hội thảo lịch sử này, chúng tôi xin đưa ra phân tích một số câu chuyện thực tế trong quy hoạch và phát triển ở ĐBSCL để thấy rằng sự nóng vội và sai lầm trong tiếp cận phát triển luôn để lại những hệ lụy đắt giá, và rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, ở đâu đó người dân vẫn biết cách xoay sở để tìm ra lối đi riêng, thích ứng hiệu quả với môi trường sống đang biến đổi.

Sông Cửu Long nhìn từ trên cao (Ảnh: Hoàng Chiên/PanNature)

Câu chuyện 1: Chính sách “tăng trưởng là trên hết” và hệ lụy không thể phục hồi

Kể từ khi khu công nghiệp đầu tiên được thành lập ở Cần Thơ đầu thập nhiên 1990, các tỉnh ĐBSCL đã nhanh chóng lao vào cuộc đua công nghiệp hóa, lấy giá trị thu hút đầu tư làm thước đo tốc độ tăng trưởng của địa phương. Hệ quả là nhiều tỉnh thành đã không ngần ngại thu hồi đất nông nghiệp với quy mô lớn để xây dựng hạ tầng kêu gọi đầu tư. Báo cáo từ VCCI cho thấy, đến năm 2015 toàn vùng ĐBSCL có đến 74 khu công nghiệp và hơn 214 điểm công nghiệp với tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi trên 42.000ha. Báo cáo cũng chỉ ra tỷ lệ diện tích được sử dụng ở các khu công nghiệp trên thực tế là rất hạn chế, trung bình dưới 40%, trong khi rất nhiều khu công nghiệp ở Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang… vẫn trong tình trạng bỏ hoang hoặc xây dựng dở dang do các nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện.

Điều này tạo ra sự hoang phí tài nguyên và thất thu giá trị nông nghiệp rất lớn qua mỗi năm. Nhiều địa phương nằm trên dải đất phù sa ngọt màu mỡ ven sông Tiền, sông Hậu vốn rất nổi tiếng với các loại cây trồng đặc hữu như bưởi da xanh, cam sành, sầu riêng, vú sữa, gạo thơm… ở Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long nay trở nên hoang hóa do các dự án treo trong khi người dân buộc phải chuyển cư để tìm sinh kế mới. Tập trung vào “công nghiệp hóa” nhưng ít chú trọng hoặc không có chiến lược thiết thực trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi sinh kế đã khiến cho phần lớn cư dân địa phương tái nghèo, đối mặt với cuộc sống bấp bênh không lâu sau khi thu hồi đất.

Ngay cả những khu công nghiệp thu hút được đầu tư thì cũng tạo ra những hệ lụy xã hội và môi trường nghiêm trọng. Nguyên nhân là bởi chính quyền các tỉnh chỉ quan tâm đến giá trị đầu tư mà các doanh nghiệp cam kết hơn là việc đánh giá tác động môi trường và tác động bền vững của dự án. Kết quả là hàng loạt nhà máy vốn không có thế mạnh về nguyên liệu ở ĐBSCL và thuộc nhóm những ngành công nghiệp ô nhiễm cao như sản xuất bia rượu, dệt may, sản xuất bột giấy và tái chế giấy, nhiệt điện… được mọc lên mau chóng rải rác khắp đồng bằng. Hệ lụy trước mắt và lâu dài đã thấy rõ ở tất cả các dự án đã hoạt động, đang vận hành thử nghiệm hoặc đang xây dựng, điển hình như nhiệt điện Duyên Hải – Trà Vinh, nhà máy giấy Lee&Man – Hậu Giang và nhà máy giấy Đại Dương – Tiền Giang.

Trong khi chính quyền đang “tiến thoái lưỡng nan” với những dự án công nghiệp thiếu bền vững, hàng chục ngàn hộ dân bị thu hồi đất (trung bình 1ha đất thu hồi có 3 hộ dân phải tái định cư) vẫn đang xoay sở để thích ứng với cuộc sống không ruộng vườn trong khi môi trường phải gánh thêm nhiều sức ép bởi các nguồn ô nhiễm từ các nhà máy.

Một nghiên cứu công bố đầu 2017 bởi Green Peace và ĐH Harvard chỉ ra rằng ô nhiễm do nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam đang giết chết 4.300 người mỗi năm và con số này sẽ lên đến 25.000 người nếu cả 14 dự án nhiệt điện ở ĐBSCL đi vào hoạt động vào năm 2030 như kế hoạch.

Rõ ràng, trong khi sự thỏa hiệp dễ dãi giữa theo đuổi công nghiệp hóa bằng mọi giá để thúc đẩy tăng trưởng với việc bảo tồn giá trị đa dạng sinh thái của ĐBSCL đang còn phổ biến, sinh kế của người dân và an ninh môi trường đã trở thành nạn nhân trực tiếp.

Cánh đồng lúa ở Vĩnh Long (Ảnh: Hoàng Chiên/PanNature)
Cánh đồng ở Cần Thơ (Ảnh: Hoàng Chiên/PanNature)

Câu chuyện 2: “Trời giúp người biết tự giúp mình”

Đợt hạn-mặn lịch sử năm 2016 đã khiến hơn nửa triệu nông dân khắp ĐBSCL bị mất trắng mùa vụ, hàng ngàn người phải di cư do thiếu việc làm và khan hiếm nước ngọt. Thiệt hại do hạn hán, xâm ngập mặn tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2016 theo thống kê lên đến hơn 15 nghìn tỷ đồng. Trong cảnh thảm họa đó, người ta kịp thấy rằng có một số làng quê cách không xa các khu công nghiệp đang xây dang dở, người nông dân vẫn an nhiên trên mảnh ruộng, vườn ao trước nhà. Họ không bị mùa khô tác động, mùa vụ của họ không mất mát là bao.

Đó là câu chuyện của những hộ dân có xuất phát điểm rất nghèo ở Cù Lao Giêng (An Giang) và Cồn Sơn (Cần Thơ). Vài năm trước, khi cảm nhận được những diễn biến thời tiết bất thường, cây trồng truyền thống bị ảnh hưởng, họ đã chủ động tìm tòi những giống cây trồng, vật nuôi mới để thích ứng. Ở Cù Lao Giêng – một cù lao nhỏ trên thượng nguồn sông Hậu – nhiều nông hộ mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang trồng xoài ba màu – giống xoài vừa có giá trị kinh tế cao lại dễ trồng và thích hợp với thời tiết khô hạn. Sau vài vụ thu hoạch, cung ứng nguồn hàng cho xuất khẩu với thu nhập trung bình 1 tỷ đồng/ha/năm, tất cả họ đã mau chóng thoát nghèo và trở thành những “tỷ phú nông dân” bền vững. Đáng nói là khu vườn của họ không chỉ tạo doanh thu gấp 5-7 lần so với trồng lúa mà nó còn tạo ra điểm du lịch sinh thái quan trọng của tỉnh An Giang. Vì vậy, ngoài doanh thu từ xoài, các hộ dân giờ còn có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ hoạt động du lịch cộng đồng – cung cấp dịch vụ tham quan, trải nghiệm bản sắc địa phương và nghỉ ngơi tại chính khu vườn của mình.

Xuôi dòng sông Hậu, Cồn Sơn – tên gọi một cù lao nhỏ do phù sa bồi đắp – cũng là một minh chứng thành công nữa cho những nông dân biết “tự cứu mình” trước thách thức của thiên nhiên. Nhiều hộ dân nơi đây lựa chọn chuyển sang nuôi các loại cá đặc hữu như cá bông lau, cá hồng vỹ, cá cọp, cá hô, cá thác lác… Điều thú vị hơn là một số hộ dân còn sáng tạo ra cách đưa những loài cá nuôi thành những sản phẩm du lịch “độc quyền” như “cá lóc bay” hay “chả cá Cồn Sơn”… Nhờ đó, Cồn Sơn đã mau chóng trở thành mô hình sản xuất kết hợp du lịch cộng đồng điển hình, là điểm đến tham quan không thể thiếu của các tour miệt vườn ở Cần Thơ; nhiều nông dân giờ trở nên giàu có.

Câu chuyện thành công của những nông dân này tuy không quá mới lạ, nhưng cách họ vượt qua nghịch cảnh từ thiên nhiên nhắc nhở chúng ta về câu thành ngữ đáng giá: “Tự cứu mình trước khi trời cứu” hay “Trời giúp người biết tự giúp mình”.

Là vùng đất cuối nguồn sông Mekong, cùng lúc phải gánh chịu những tác động kép do biến đổi khí hậu và đập thủy điện ở thượng nguồn gây ra, có lẽ cách tiếp cận vừa giản đơn, vừa thuận theo tự nhiên, nhưng lại rất hiệu quả của người dân Cù Lao Giêng và Cồn Sơn sẽ là bài học đáng giá cho các nhà làm chính sách hiện nay ở ĐBSCL. Triết lý thành công của họ chính là biết tìm hướng đi mới để bảo tồn sản xuất nông nghiệp – loại hình sinh kế mà nông dân có kinh nghiệm và thế mạnh nhất – duy trì hệ sinh thái tự nhiên và văn hóa ở địa phương và cuối cùng là gắn kết chúng với hoạt động du lịch để tối đa hóa doanh thu từ nông nghiệp. Đó là cách khôn ngoan nhất để người dân vẫn có thể làm chủ trên mảnh đất của mình, làm giàu bền vững và bảo tồn được lối sống, bản sắc của làng quê. Ý nghĩa hơn là sự thành công của họ còn tạo ra việc làm và nhiều hoạt động kinh tế phụ trợ khác như dịch vụ thu gom, tái chế, vận chuyển nông sản, dịch vụ du lịch… Từ đó, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng ở địa phương mà không cần phải lệ thuộc vào các “dự án công nghiệp tỷ đô” nhưng thiếu bền vững.

Nhà nổi ở Châu Đốc/An Giang (Ảnh: Hoàng Chiên/PanNature)

Câu chuyện 3: Khoa học dân sự – khi sự hiểu biết của người dân lên tiếng

Câu chuyện thành công của những “tỷ phú nông dân” ở Cù Lao Giêng và Cồn Sơn đã chứng minh rằng nông dân – những người vốn ít học nhưng rất am tường về các quy luật tự nhiên được đút rút qua nhiều thế hệ – có đủ bản lĩnh và sự hiểu biết để tìm tòi ra những mô hình sản xuất sáng tạo và hiệu quả. Mặt khác, sự thành công đó còn là bài kiểm nghiệm thuyết phục để nhấn mạnh rằng sự hiểu biết và kinh nghiệm của người dân địa phương trong việc tự điều chỉnh và thích ứng có hiệu quả với bối cảnh biến đổi môi trường cần được nhìn nhận như một thành tố quan trọng trong xây dựng chính sách phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ở một số vùng quê của Hậu Giang, Sóc Trăng và ngoại thành Cần Thơ, nhiều nông hộ cũng được tuyển chọn để tham gia vào các dự án nghiên cứu về môi trường, học tập chuyển đổi (T-learning), mô hình sinh kế… do các dự án của giới học viện (Dự án GIZ, Dự án Danida, JICA, SubProM…) thực hiện. Trong sự hợp tác này, người dân vừa đóng vai trò cung cấp cơ sở thực nghiệm cho các nhà khoa học, nhưng quan trọng hơn, ở chiều ngược lại, những hiểu biết theo lối kinh nghiệm mà họ chia sẻ chính là những bằng chứng và dữ liệu đáng tin cậy để kiểm nghiệm và điều chỉnh các lý thuyết khoa học chính thống.

Rõ ràng, người dân (hay nông dân) không được đào tạo để làm khoa học bài bản, nhưng hiểu biết của họ có hàm lượng khoa học với độ thuyết phục cao bởi đó là thành quả đúc kết từ quá trình thử nghiệm, thất bại và thành công trong sản xuất, kéo dài qua nhiều năm, thậm chí nhiều thế hệ.

Chính vì vậy, việc quy hoạch chính sách và các chiến lược phát triển ở địa phương cần có sự tham gia đầy đủ và đóng góp thiết thực từ đại diện cộng đồng địa phương, đặc biệt là những người dân có kinh nghiệm và tâm huyết. Các nhà quản lý, chuyên gia chính sách và cả giới học viện cũng cần lắng nghe nhiều hơn tiếng nói của cộng đồng – một mặt để chia sẻ những hiểu biết thực tế, kiểm chứng lý thuyết hàn lâm qua phản biện từ người dân; mặt khác cũng là cách để đảm bảo rằng những chủ trương được thông qua có sự hài hòa lợi ích giữa các bên: nông dân, nhà đầu tư và chính quyền.

Lời kết

Biến đổi khí hậu và những tai biến thời tiết mà nó gây ra, như hạn hán và lũ lụt, không phải là hiện tượng mới lạ ở ĐBSCL. Nhưng thảm họa môi trường kép năm vừa rồi là một minh chứng điển hình nhất để thấy rằng thiên tai sẽ trở nên phức tạp và tàn phá đến mức nào khi nó có sự cộng hưởng tác động của các bậc thang thủy điện ở thượng nguồn. Trong khi đó, những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các dự án công nghiệp – đang xây dựng dang dở hay đã đi vào hoạt động – khắp vùng ĐBSCL và sự thất bại trong quản lý sản xuất nông nghiệp bền vững lại góp thêm những tác động tiêu cực từ bên trong, gây mất an ninh nguồn nước và suy thoái môi trường. Mặc dù những tháng vừa qua, thực trạng môi trường và diễn biến thời tiết ở ĐBSCL có chiều hướng tích cực, nhưng điều đó là sự nhắc nhở đáng giá cho Việt Nam trong việc lựa chọn chiến lược phát triển khôn ngoan và thận trọng.

Tại Hội nghị cấp quốc ở Cần Thơ vừa qua, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm chính trị rõ ràng, tìm thấy tư duy đột phá trong định hướng cơ chế tiếp cận cho ĐBSCL, trong đó cũng đã thừa nhận sự cần thiết của “chính sách tự lực” (self-help climate-resilient strategy) trong thích ứng với điều kiện biến đổi môi trường gia tăng trong khu vực. Vì vậy, ngoài hướng tiếp cận liên kết vùng, quy hoạch phát triển theo không gian lãnh thổ, hạn chế sự can thiệp quá đà từ các biện pháp công trình như đã nhấn mạnh trong Hội nghị, các nhà hoạch định chính sách còn cần phải quan tâm nhiều hơn đến các cơ chế tiếp cận “mềm”, trong đó bao gồm giáo dục cộng đồng, thúc đẩy học tập chuyển đổi, trao quyền và tạo thuận lợi nhiều hơn cho khoa học dân sự bởi người dân là đối tượng mục tiêu của mọi quy hoạch phát triển và cũng là đối tượng chịu tác động nhiều nhất khi quy hoạch thành công hoặc thất bại.

Nhìn nhận ở góc độ này, những câu chuyện bên trên vẫn còn nguyên giá trị – là bài học đáng giá cho sự thật trọng và nhạy bén trong phát triển thích ứng biến đổi môi trường ở ĐBSCL.

Nguyễn Minh Quang, James Borton và Gary Sands


Nguyễn Minh Quang hiện là Thạc sĩ nghiên cứu an ninh môi trường tại Khoa Sư phạm – Đại học Cần Thơ.
James Borton, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề môi trường Đông Nam Á, hiện là nghiên cứu viên không thường trú tại Stimson Center (Hoa Kỳ).
Gary Sands, chuyên gia nghiên cứu độc lập về an ninh – chính trị khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Giám đốc Hội tư vấn tài chính và an ninh Highway West (Hoa Kỳ).