Nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Biểu hiện của biến đổi khí hậu tại Việt Nam hiện nay và dự tính đến năm 2100 thông qua thay đổi nhiệt độ, lượng mưa, nước biển dâng, thời tiết cực đoan ngày càng rõ rệt. Bởi vậy, tính toán tổn thất, thiệt hại và nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu là cấp thiết.

Tính toán tổn thất và thiệt hại

Tuyến rừng trên sông Cửa Lớn (Cà Mau) bị sạt lở. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Việt Nam là quốc gia hàng năm thường xuyên đối mặt, chịu tác động của nhiều loại thiên tai. Trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm, thiên tai làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1 – 1,5% GDP. Theo dự báo, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu như: nước biển dâng, nhiệt độ tăng, những loại hình thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan khác.

Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, những kinh nghiệm thành công trên thế giới cho thấy, các nước như Việt Nam cần tính toán đến tổn thất, thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu cả trong tương lai. Đợt hạn hán nghiêm trọng do El-Nino năm 2015-2016 đã cướp đi sinh kế của hàng triệu nông dân Việt Nam, ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước. Nếu không có cơ chế ứng phó với những hiện tượng khí hậu bất thường trong tương lai, những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam sẽ nhanh chóng bị hủy hoại.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam là một trong các nước dễ bị tổn thương nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu. Những hệ quả đã rõ ràng nhưng nhận thức về biến đổi khí hậu trong xã hội vẫn còn hạn chế. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân vẫn chưa có được nhận thức đầy đủ về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Mối quan hệ giữa việc thúc đẩy tăng trưởng và ứng phó với biến đổi khí hậu chưa được giải quyết hài hòa, nhiều trường hợp mới chỉ chú trọng đến tăng trưởng hoặc tăng thu nhập ngắn hạn, mà chưa xem xét thấu đáo các yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh nhằm phát triển dài hạn và bền vững.

Biến đổi khí hậu đòi hỏi cách tiếp cận liên ngành, liên vùng tuy nhiên việc phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương vẫn còn hạn chế. Đến nay, 10/10 Bộ, 63/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.Tuy vậy, mới chỉ có một số Bộ, ngành chủ động nghiên cứu việc lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và phát triển kinh tế – xã hội. Ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề lớn mang tính lâu dài và khó, đòi hỏi cần có thời gian để nghiên cứu, thử nghiệm để lựa chọn các giải pháp phù hợp, không hối tiếc và huy động nguồn lực để thực hiện. Việc triển khai đòi hỏi đầu tư rất lớn nhưng nguồn kinh phí thực hiện còn hạn chế. Chính sách để huy động nguồn lực từ cá nhân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế chưa phát huy được hiệu quả. Việc điều phối, cơ chế quản lý còn bất cập. Nguồn nhân lực phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.

Về lĩnh vực thông tin, các hệ thống ước tính tốt hơn chi phí đầu tư thích ứng ở cấp cơ sở hiện mới đang xây dựng. Việt Nam có dữ liệu dự báo khí hậu khá tốt. Tuy nhiên, dữ liệu này không phải nguồn mở để người lập mô hình sử dụng trong việc xây dựng các mô hình rủi ro. Một số nguy cơ/rủi ro như axit hóa đại dương hay xâm nhập mặn chưa được lập bản đồ phù hợp. Các cơ quan chức năng cần nỗ lực hơn nữa để tích hợp các dữ liệu này vào hoạt động quy hoạch.

Chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai

Ruộng muối ở phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa ngập sâu trong nước (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết để góp phần chủ động trong công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt trong tình hình khí hậu cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Việt Nam cần có những phương pháp, công cụ đánh giá, tính toán về tổn thất, thiệt hại gắn với biến đổi khí hậu. Cụ thể như: xác định những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội, thiệt hại kinh tế, phi kinh tế, di dân tái định cư, các tổn thất vĩnh viễn, phục hồi, mạng lưới an sinh xã hội, đền bù thiệt hại…

Theo các chuyên gia, thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.Thích ứng với biến đổi khí hậu là trọng tâm với nguồn lực chủ yếu từ ngân sách nhà nước, bao gồm cả hỗ trợ quốc tế. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là quan trọng với nguồn lực chủ yếu từ doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội với vai trò xúc tác của nguồn lực nhà nước.

Quản lý rủi ro toàn diện là công cụ và điểm khởi đầu để lồng ghép định giá rủi ro khí hậu và thiên tai trong quy hoạch. Mục tiêu của lồng ghép rủi ro là giảm thất thoát và tác hại đối với những đối tượng dễ bị tổn thất thương nhất. Lồng ghép tính khả thi và đo lường tác động để đảm bảo rằng ngân sách và việc huy động nguồn lực mang tính hiệu quả nhất.

Với chi tiêu công về biến đổi khí hậu, theo Bộ Tài chính, thời gian tới, Việt Nam cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa việc thúc đẩy tăng trưởng và ứng phó với biến đổi khí hậu trong từng giai đoạn, từng kế hoạch, chính sách phát triển. Hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tiêu cực và tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm phát triển bền vững phải được coi là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành. Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư công, đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để phục vụ thực hiện các mục tiêu chiến lược, kế hoạch hành động và Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. Hiện nay, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan đang khẩn trương tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định việc phân bổ vốn đầu tư công 2016 – 2020 và giao kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; trong đó chú trọng chống ngập mặn, sạt lở sông biển ở đồng bằng sông Cửu Long, chống hạn ở Tây Nguyên và ven biển Nam Trung Bộ…

Các bộ ngành nghiên cứu, có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó có hỗ trợ kỹ thuật và vốn tài trợ từ các đối tác quốc tế. Thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ kết quả thực hiện, bảo đảm sử dụng vốn tiết kiệm, đúng mục đích, hiệu quả, xử lý nghiêm các vi phạm. Các Bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp trong việc hoạch định, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Công tác thông tin tuyên truyền về biến đổi khí hậu trong cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư trong toàn xã hội cần được đẩy mạnh, bảo đảm mọi người dân có nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cấp bách của biến đổi khí hậu.

Bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam khuyến cáo, Việt Nam cần thành lập nhóm làm việc liên bộ để phối hợp công tác thu thập dữ liệu, phân tích rủi ro khí hậu nhằm đưa ra hành động hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu.