Cháy rừng lịch sử ở Sóc Sơn và chuyện “đừng đốt”

ThienNhien.Net – Đừng đốt những thứ có thể làm hại đến môi trường sống của chính chúng ta, đừng đốt những thứ có thể dẫn đến những vụ cháy rừng, những vụ hỏa hoạn không đáng có. ĐỪNG ĐỐT!

Vụ cháy rừng lịch sử ở Sóc Sơn đang làm nóng lên nhiều vấn đề về bảo vệ rừng, về bảo vệ môi trường, về những cảnh báo trong mùa nắng nóng không chỉ ở Hà Nội.

Dù nguyên nhân vụ cháy như thế nào thì vấn đề quan trọng mà ta đã nói lâu nay ấy là phòng cháy, đừng để tình trạng mà nói như người xưa là “mất bò mới lo làm chuồng”, tìm cách ngăn ngừa tốt hơn là tìm cách cứu chữa, kể cả chữa cháy.

Cháy rừng phòng hộ Sóc Sơn (Ảnh: Nhị Tiến)

Tôi ở nhà vườn Sóc Sơn nhiều năm nay và nhận thấy một hiện tượng mà nhiều người cho là bình thường, nhưng tôi lại không thấy bình, ấy là: đốt. Đốt rơm rạ khi mùa đến, khói bụi bay phủ kín bầu trời, nhiều người đi lại trên đường kể cả đường quốc lộ bị sặc khói, thậm chí từng có tai nạn giao thông xảy ra thật thương tâm. Rồi đốt lá trong vườn, đốt rác, đốt cỏ, đốt cả những phế liệu do con người thải ra… thôi thì đủ thứ. Lửa cháy rần rật, khói, bụi, cả mùi nhựa cháy đến ngạt thở.

Hồi đầu mới lên đây, nhà tôi cũng đốt như thế. Nhưng khi khói bụi và những thứ làm hại môi trường ấy tác động ngay đến những người trong gia đình mình, tôi quyết định không đốt bất cứ thứ gì. Lá cây, cỏ khô thì tải ra vườn cho nó mủn đi để tăng chất mùn và độ ẩm cho đất. Các loại rác chúng tôi phân ra, túi nhựa mang cho người thu gom tái chế, các loại rác thực vật thì chôn xuống đất cho mục để làm phân bón cho cây… Nhiều năm nay, mọi người trong nhà tôi luôn nhắc nhau hai chữ: đừng đốt.

Điều đáng buồn là những nhà xung quanh vẫn đốt: đốt lá rụng, cỏ khô, rác… Khói bụi bay mù mịt, mùi khói, mùi nhựa cháy nhiều khi làm tôi như ngạt thở, phải chạy trốn vào nhà, đóng cửa lại mà không thoát…

Nhiều lần tôi sang nhà hàng xóm thuyết phục họ đừng đốt, nhưng chẳng ăn thu. Tôi ước sao có một quy định của chính quyền cấm đốt, và ước sao loa phường vốn sáng nào cũng oang oang chuyện này chuyện kia đưa vào nội dung tuyên truyền của mình những lời nhắc nhở, thuyết phục bà con!

Khi tôi đọc cuốn sách Cuộc cách mạng từ một cọng rơm của một học giả Nhật Bản, cũng là chủ một trang trại nổi tiếng ở Nhật, tôi mới biết người Nhật trước đây cũng đốt những thứ trong vườn, trong ruộng của họ như ta hiện nay. Nhưng sau đó họ đã quyết tâm KHÔNG đốt vì sự trong lành của môi trường và cũng vì các sắc lệnh phòng chữa cháy cấm đốt những thứ như tôi vừa kể, vì đó chính là nguyên nhân của nhiều vụ hỏa hoạn.

Cuốn sách đã tổng kết kinh nghiệm về bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống, về một cách canh tác mới, trong đó tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu, phân hóa học, chỉ dùng chính những cọng rơm, lá cây, những thân thực vật để cải tạo đất và bảo vệ môi trường mà năng suất cây trồng, vật nuôi vẫn rất cao…

Tôi mong sao chính quyền thành phố Hà Nội cũng như nhiều nơi trên đất nước ta có những quyết định kịp thời, hợp lý để người dân đừng đốt những thứ có thể gây ra hỏa hoạn và làm hại đến môi trường sống. Những ngày nắng nóng vừa qua phải chăng cũng liên quan đến con người, đến việc chúng ta đốt nhiều thứ gây ra bao độc hại đến bầu khí quyển, làm trái đất nóng lên?

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến “Đừng đốt” là tên một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Đặng Nhật Minh nói về cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm. Nếu người lính Mỹ lúc đó không kêu lên “Đừng đốt” thì cuốn nhật ký có một không hai này đã trở thành tro bụi và thế hệ sau  làm sao còn biết được một tấm gương anh hùng như Đặng Thùy Trâm.

Đừng đốt những thứ có thể làm hại đến môi trường sống của chính chúng ta, đừng đốt những thứ có thể dẫn đến những vụ cháy rừng, những vụ hỏa hoạn không đáng có. ĐỪNG ĐỐT!