Mở rộng tuyến đê biển ở Thái Thụy, Thái Bình: Cơ quan quản lý và nhà khoa học nói gì?

ThienNhien.Net – Tỉnh Thái Bình đang thực hiện chủ trương mở rộng tuyến đê biển tại huyện Thái Thụy phục vụ phát triển công nghiệp và dịch vụ. Xung quanh chủ trương này, thời gian qua đã có nhiều ý kiến tham vấn, phản biện cũng như góp ý cho dự án. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã lược ghi ý kiến của lãnh đạo một số bộ, ngành, nhà khoa học và các đơn vị liên quan.

Rừng ngập mặn ở  huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Ông TRẦN HỒNG HÀ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nhất trí với chủ trương dịch chuyển rừng phòng hộ ra ngoài đê mới đắp

Trong Thông báo số 115/TB-BTNMT ngày 6-12-2016 thông báo ý kiến kết luận của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình về việc chuyển diện tích rừng phòng hộ tại 2 xã Thụy Xuân, Thụy Hải huyện Thái Thụy nêu rõ: Về việc dịch chuyển 176,21ha rừng phòng hộ thuộc hai xã Thụy Xuân và Thụy Hải, huyện Thái Thụy ra ngoài đê mới đắp (đê biển số 8) để nâng bãi triều phía trong đê phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường nhất trí với chủ trương trên của tỉnh trên cơ sở phải bảo tồn nguyên vẹn diện tích, chất lượng, giá trị của rừng phòng hộ ven biển để đảm bảo hệ sinh thái của khu vực. Đề nghị tỉnh đưa phần diện tích này vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và chỉ đạo cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện làm căn cứ pháp lý để quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật đất đai. Xây dựng kế hoạch dịch chuyển rừng phòng hộ cụ thể, đảm bảo đủ diện tích và chất lượng của rừng phòng hộ như hiện nay…

Ông HÀ CÔNG TUẤN, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thống nhất chủ trương nhưng phải bổ sung phương án trồng rừng thay thế

Tại công văn số 10349/BNN-TCLN ngày 7-12-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Hà Công Tuấn ký gửi UBND tỉnh Thái Bình về việc chuyển mục đích rừng phòng hộ tại huyện Thái Thụy để phát triển kinh tế – xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu quan điểm: Thống nhất chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng 149,14 ha rừng phòng hộ sang mục đích khác không phải lâm nghiệp để phát triển kinh tế xã hội như đề nghị của UBND tỉnh Thái Bình tại tờ trình. Tuy nhiên, theo Điều 29, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3-3-2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và quy định hiện hành thì hồ sơ còn thiếu các tài liệu: Dự án đầu tư trên diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; báo cáo đánhgiá tác động môi trường việc chuyển mục đích sử dụng rừng; phương án đền bù giải phóng mặt bằng khu rừng và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; phương án trồng rừng thay thế khu chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác…

Được biết, đến nay, UBND tỉnh Thái Bình đã và đang hoàn thiện các tài liệu trên.

Ông NGUYỄN THẾ ĐỒNG, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường: Đa dạng sinh học sẽ suy giảm nhưng có thể phục hồi

Phát biểu kết luận tại Hội thảo tham vấn tác động môi trường của dự án mở rộng tuyến đê biển, ông Nguyễn Thế Đồng nói: Trong hội thảo thấy các chuyên gia tham dự đều ủng hộ chủ trương của tỉnh Thái Bình trong việc mở rộng diện tích đất nhằm phát triển công nghiệp, dịch vụ nhưng cần lưu ý phải cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn đa dạng sinh học. Cần quán triệt các quy định về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Về mặt pháp lý như giải trình của UBND tỉnh Thái Bình, quy hoạch điều chỉnh tuyến đê biển của Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thái Bình triển khai theo quy hoạch mới hoàn toàn hợp pháp và phù hợp với chủ trương và UBND tỉnh đã có sự đồng ý của cơ quan chủ quản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đối với dự án. Khi thực hiện việc nắn đê mới sẽ dẫn tới việc suy thoái của các diện tích rừng ngập mặn ở phía trong đê là điều tất yếu do đặc điểm sinh thái của rừng ngập mặn. Về mặt khoa học, nếu lấy 150 ha rừng ngập mặn ở khu vực này (là rừng trồng sau năm 1990) thì trong giai đoạn nhất định đa dạng sinh học khu vực sẽ có sự suy giảm tuy nhiên sẽ phục hồi do đặc thù của khu vực Thái Thụy được bồi tụ, lấn biển và sinh thái thực vật tương đối đồng nhất…

TS TÔ VĂN TRƯỜNG, Chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường: Tiếp nối công cuộc quai đê, lấn biển trong lịch sử

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình lập dự án đầu tư : “Nâng bãi ổn định đê biển số 8 phát triển công nghiệp  từ Km26+700 đến Km31+700 huyện Thái Thụy để kết hợp tạo mặt bằng phát triển công nghiệp và dịch vụ”.

Mục tiêu dự án đắp đê mới, cách đê cũ khoảng 800 m, san lấp toàn bộ diện tích xen kẹt từ đê cũ đến đê mới để đảm bảo ổn định cho đê mới, kết hợp tạo mặt bằng phát triển công nghiệp-dịch vụ thu hút nhà đầu tư góp phần thúc đẩy khu phát triển khu kinh tế ven biển và thay đổi diện mạo, cảnh quan môi trường trong khu vực.

Nhìn lại lịch sử, ở Việt Nam, hoạt động khai khẩn đất đai được bắt đầu từ thời đại phong kiến nhà Trần (Trần Nhân Tông – 1248), đặc biệt là thời nhà Nguyễn, Nguyễn Công Trứ (1830) đã lấy địa bàn cấp huyện làm quy hoạch khai hoang và lấy thủy lợi làm căn cứ tổ chức quy hoạch ruộng đất.

Thái Bình đất chật, người đông, việc làm đê lấn biển là xu thế phát triển của bài toán phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Thái Thụy được ông trời cho vùng cửa biển nơi đây là đất bồi và rừng ngập mặn do con người trồng ngày càng phát triển, lấn biển theo truyền thống của cụ Nguyễn Công Trứ thời xưa, để giải quyết vấn đề nan giải đất chật người đông. Khi con người tác động vào tự nhiên, không bao giờ được tất cả mà có được và mất (bài toán trade off). Vấn đề đặt ra làm sao cho cái lợi là lớn nhất và cái hại là ít nhất.

Về tổng thể chắc chắn việc xây dựng công trình đê biển ở Thái Thụy có ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học khu vực này. Tuy nhiên, khó để đánh giá  hoặc đưa ra so sánh được mức độ ảnh hưởng, thiệt hại về đa dạng sinh học (thiên nhiên) và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội rất lớn hiện nay ở các xã, huyện ven biển trong đó có huyện Thái Thụy cũng như của tỉnh Thái Bình. Thực tế, nhiều bãi bồi phát triển dọc bờ biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa hiện nay khu vực phía trong bìa rừng rất nhiều nơi đưa vào khai thác phát triển thủy sản, xây dựng đê quai, phát triển các loại hình sinh thái, dịch vụ,…. Do vậy, khó tránh khỏi xu thế phát triển lấn biển, lập khu dân cư, khu kinh tế ở mỗi khu vực này…

Thực tế việc chặt, phá rừng sẽ có ảnh hưởng đến đa dạng sinh học như báo cáo đã nêu, tuy vậy việc đánh giá đa dạng sinh học trong báo cáo chưa được làm rõ. Thực tế, quan sát khi ra hiện trường dự án khu vực bãi bồi phía Tây từ nhà máy đóng tàu Đại Dương đi ra dọc theo cửa sông Diêm Hộ thì có rất nhiều loài, loại cư trú vì trước đây khu vực này là hệ rừng ngập mặn phát triển tốt kết hợp sự lên xuống của triều ra vào vùng cửa sông đã tạo môi trường thuận lợi cho các loài, loại phát triển. Cho đến nay đây vẫn là khu vực cư trú của nhiều loại chim, cá tôm nhiều hơn so với khu vực phía dự án.

Các công cuộc quai đê, lấn biển của Doanh điền Nguyễn Công Trứ lập nên huyện Tiền Hải năm 1828 dưới triều vua Minh Mạng. Từ đó, đến nay công cuộc quai đê, lấn biển vẫn liên tục được hậu thế tiến hành như quai đê lấn biển Cồn Vành những năm 90 của thế kỷ trước. Chính vì vậy, việc lấn làm đê biển 8 như là một việc tiếp nối chu trình mà cha ông để lại trên cơ sở quá trình phát triển mạnh mẽ của bãi bồi huyện Thái Thụy.

Với những lợi thế sẵn có cùng thành tựu đạt được, tháng 2 năm 2011, Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập và bổ sung Khu kinh tế ven biển Thái Bình với diện tích 30,583 ha, trong đó giai đoạn I là 15,000 ha vào Quy hoạch tổng thể phát triển ven biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó giai đoạn 1 sẽ tập trung khai thác vùng bãi bồi ngập nước cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Tuy nhiên, để đảm bảo các khu vực được mở rộng an toàn trước các rủi ro do thiên tai từ biển, nhiệm vụ quai đê bảo vệ vùng lấn biển phải đi trước một bước.

Tuyấn đê biển 8 là tuyến đê nối đê hữu sông Thái Bình ở phía Bắc và đê tả sông Trà Lý phía Nam tạo nên vòng khép kín bảo vệ một nửa phía Bắc huyện Thái Thụy. Tuyến đê này nằm giữa hai cửa sông là cửa Thái Bình và cửa Diêm Điền, phía trước đê là bãi bồi rộng lớn được bồi đắp bởi hai con sông này. Do lịch sử phát triển, trước đây tuyến đê đi song song với tuyến đường bờ, sau đó do nhu cầu quai đê – lấn biển, tuyến đê đã được điều chỉnh một đoạn từ K24 đến K26+700 để bảo vệ khu nuôi trồng thủy sản xã Thụy Xuân tạo nên một tuyến đê gấp khúc tại đây. Việc lấn biển một mặt điều chỉnh lại tuyến đê gấp khúc không trơn thuận, mặt khác mở rộng phạm vi bảo vệ và diện tích phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế ven biển của tỉnh.

Dự án mở tuyến đê Thái Thụy-Thái Bình là cần thiết vì nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong qúa trình lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư, thực thi dự án và hậu kiểm cần bổ sung làm rõ các giải pháp giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường sinh thái như đã phân tích ở trên.

Ông ĐẶNG VĂN THÁI, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn: Lý giải vì sao cần lấy 320 ha

Giải trình về một số nội dung phản biện tại hội nghị tham vấn ngày 25-2-2017, trong báo cáo số 31/BC-BQLDANN ngày 31-3-2017, ông Đặng Văn Thái khẳng định cơ sở pháp lý của việc quai đê vì tuyến đê biển số 8 đoạn từ Km26+700 đến Km31+700 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tuyến và bổ sung vào hệ thống quy hoạch đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam tại văn bản số 1797/TTg-KTN ngày 6-11-2013.

Về ý kiến tại sao cần lấy 320 ha, có thể giảm diện tích rừng ngập mặn cần lấy không, Ban Quản lý dự án giải thích: Tuyến đê biển 8 là tuyến đê nối đê hữu sông Thái Bình ở phía Bắc và đê tả sông Trà Lý phía Nam tạo nên vòng khép kín bảo vệ một nửa phía Bắc huyện Thái Thụy. Tuyến đê này nằm giữa hai cửa sông là cửa Thái Bình và cửa Diêm Điền, phía trước đê là bãi bồi rộng lớn được bồi đắp bởi hai con sông này. Trước đây tuyến đê đi song song với tuyến đường bờ, sau đó do nhu cầu quai đê lấn biển, tuyến đê đã được điều chỉnh một đoạn từ km 24 đến km 26+700 để bảo vệ khu nuôi trồng thủy sản xã Thụy Xuân và mở rộng quỹ đất để phát triển kinh tế tuy nhiên lại tạo ra một tuyến đê gấp khúc tại đây về lâu dài sẽ gây ra điểm xung yếu cục bộ. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh tuyến đê biển 8 để tạo một tuyến đê trơn thuận, không gấp khúc.

Qua rà soát, khu vực dự án chỉ có rừng trồng, không có rừng tự nhiên như ý kiến đặt câu hỏi tại hội thảo tham vấn.