“Một Vành đai, một Con đường” và mối nguy cơ khủng bố

ThienNhien.Net – Trung Quốc đang tìm cách mở rộng Sáng kiến “Một Vành đai, một Con đường” (BRI) để bao gồm Afghanistan, khiến các nhà phân tích tự hỏi liệu Bắc Kinh đang cố gắng đẩy mạnh vai trò của Trung Quốc ở Trung Đông, và tự đặt mình vào tâm điểm cuộc chiến chống khủng bố quốc tế hay không.

Bản đồ ‘Một Vành đai, một Con đường’ mà Trung Quốc đưa ra (Ảnh: Reuters)

Chương trình kết nối của Trung Quốc bao gồm mở rộng hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một phần trong sáng kiến “Một Vành đai, một Con đường” (BRI), sang tới Afghanistan, rồi sau đó kéo rộng “vành đai” tới các nước láng giềng Afghanistan, như Tajikistan, Turkmenistan và Iran.

Kế hoạch bao gồm hai xa lộ, hai tuyến đường sắt và một đập thủy điện lớn trên sông Kunar. Với ý định xây một con đường nối liền thành phố Peshawar của Pakistan với thủ đô Kabul và vùng Kunduz ở Afghanistan, trước khi tiếp tục tiến vào Trung Á. Các tuyến đường sắt dự kiến sẽ chạy từ Landi-Kotal ở Pakistan tới thành phố Jalalabad của Afghanistan, và từ Chaman ở Pakistan tới Spin Buldak ở Afghanistan.

Ông Ahmad Bilal Khalil, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và khu vực cho biết, Trung Quốc cần tiến vào Afghanistan với các dự án kinh tế để đảm bảo tiến độ của dự án trị giá 50 tỷ USD đang được xúc tiến ở Pakistan, không bị cản trở.

Ông nói nếu Afghanistan tham gia hai dự án đường xa lộ, ảnh hưởng tích cực tới tình hình an ninh ở Afghanistan, thì giới đầu tư Pakistan và Trung Quốc sẽ đưa lợi ích kinh tế vào Afghanistan. Ông nói:

“Nếu Afghanistan không có an ninh, thì tình hình sẽ tác động tới hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) và cả sáng kiến “Một Vành đai, một Con đường”.

Quyền lực trên thế giới

Các kế hoạch của Trung Quốc quả là hết sức tham vọng, động cơ đằng sau là chính sách đối ngoại Trung Quốc, cho rằng nước này phải được nghiêm túc công nhận là một cường quốc lớn. Đối với Trung Quốc điều quan trọng là chứng minh rằng họ có thể làm những gì mà Mỹ đã thất bại, không thực hiện được ở Trung Đông.

Nếu “Một Vành đai, một Con đường” chạy ngang qua Trung Đông, Afghanistan sẽ là khu vực mà Trung Quốc hy vọng sẽ “tạo ra sự khác biệt”.

Ông David Kelly, người đứng đầu một công ty tư vấn tại Bắc Kinh có tên là ‘China Policy’ nói ông hy vọng đầu tư vào những kết nối như thế sẽ giúp xoa dịu căng thẳng ở Afghanistan, và giúp Trung Quốc đạt được điều mà người Mỹ, và trước đó Liên Xô, không làm được, là giảm bạo lực và xung đột giáo phái.

Nhưng các kế hoạch đó dễ nói hơn làm. Những vụ đụng độ tại biên giới Pakistan và Afghanistan đã giết chết hơn 50 người trong hai ngày qua. Uzbekistan phản đối kế hoạch mở rộng tuyến đường sắt và xa lộ kết nối với Trung Á, nói rằng khủng bố sẽ sử dụng chúng để mở rộng hoạt động.
 
Mối nguy khủng bố

Gạt sang một bên các cao vọng đó, trong thực tế có những mối nguy liên quan tới khủng bố mà Trung Quốc muốn giải quyết bằng cách đưa ra một hình ảnh về Trung Quốc như là ân nhân của Afghanistan. Thành phần đòi ly khai bằng bạo lực ở Tân Cương được biết là có những liên hệ xuyên biên giới với phe Taliban ở Pakistan và Afghanistan, cũng như với các nhóm Hồi giáo ở Trung Á.

Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào các mỏ đồng ở Afghanistan mặc dù kết quả không mấy đáng khích lệ, vì những thách thức về chính trị và cấu trúc hạ tầng.

Bắc Kinh muốn xây dựng những trục kết nối để có thể tiếp cận tài nguyên khoáng sản trong các vùng núi non. Theo ông M.K.Bhadrakumar, tác giả và cũng là một nhà ngoại giao Ấn Độ, mở rộng sáng kiến “Một Vành đai, một con Đường” tới Afghanistan sẽ tạo điều kiện khai thác khoáng sản để phục vụ nền kinh tế Trung Quốc, và tạo điều kiện thuận lợi để nước này xuất khẩu thặng dư công nghiệp sang Afghanistan.

Các nhà phân tích nói Trung Quốc đang vạch ra con đường cho công nghiệp xây dựng quy mô của họ nhằm chuẩn bị tham gia, một khi công cuộc tái thiết Afghanistan được xúc tiến. Tuy nhiên mục tiêu chính của Bắc Kinh là thúc đẩy các lợi ích chiến lược và an ninh của Trung Quốc, bên ngoài Pakistan.

Các nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế ở Stockholm trong một phúc trình gần đây nói “Quả vậy, sáng kiến “Một Vành đai, một Con đường” tương thích với các khái niệm an ninh ngày càng năng động của Trung Quốc, nhấn mạnh an ninh chung qua phát triển và hợp tác kinh tế.”

Nhưng đây không chỉ là một việc khó khăn.

Có một số rủi ro đi kèm với quan điểm của Trung Quốc về thế giới. Bắc Kinh tin rằng chủ nghĩa cực đoan tôn giáo có thể được thay thế bằng cách mang lại những lợi ích kinh tế. Nhưng chính sách này đã bị chứng minh là sai lầm trong quá khứ, theo ông David Kelly, người đứng đầu công ty tư vấn ‘China Policy’.