Đập thủy điện đe dọa tương lai dòng Mê Kông 

ThienNhien.Net – Sông Mê Kông đang phải hứng chịu tác động từ hai con đập mới xây dựng trên vùng hạ lưu đoạn chảy qua Lào là Xayaburi và Don Sahong.

Phát triển kinh tế đi kèm các tổn thất tài nguyên

Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và đa dạng sinh học phong phú của sông Mê Kông, dòng sông dài nhất khu vực đang phải hứng chịu sự đe dọa nghiêm trọng từ các kế hoạch phát triển kinh tế: nổ mìn phá đá để phát triển tuyến đường thủy và chặn dòng xây đập thủy điện. Tác động kết hợp của hai kế hoạch này sẽ biến dòng chảy tự nhiên của sông Mê Kông thành loạt các hồ chứa liên kết thông qua hệ thống kênh dẫn nước.

Bình luận về cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên dòng Mê Kông, ông Marc Goichot, chuyên gia về tài nguyên nước Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) cho rằng: “Hiện chất lượng nước đang suy giảm nhanh chóng. Đợt hạn hán năm 2015 là tồi tệ nhất trong lịch sử, lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn, sản lượng thủy sản suy giảm, toàn bộ bờ sông và lòng sông bị xói mòn. Đồng bằng sông Cửu Long đang dần bị thu hẹp.”

Sông Mê Kông đang phải hứng chịu tác động từ hai con đập mới xây dựng trên vùng hạ lưu đoạn chảy qua Lào là Xayaburi và Don Sahong. Một dự án đập trên dòng chính khác của Trung Quốc tại Pak Beng – Lào dự kiến được khởi công vào cuối năm nay, chưa kể đến bảy con đập hiện có trên thượng nguồn con sông ở phía Trung Quốc.

Ảnh: Công trường xây dựng đập Xayaburi tại Lào

Hoạt động của hệ thống 11 con đập vùng hạ lưu con sông quan trọng nhất trong khu vực có thể gây ra những tổn hại không thể cứu vãn.

Tổn hại không chỉ với tài nguyên thiên nhiên

Báo cáo mới đây của WWF đã cảnh báo các chính phủ và doanh nghiệp rằng không chỉ hệ sinh thái đang bị phá hủy mà trong tương lai, các nền kinh tế cũng sẽ phải đối mặt với những thiệt hại nghiêm trọng.

Tăng trưởng kinh tế trong khu vực sông Mê Kông phụ thuộc vào tài nguyên của con sông, tuy nhiên, phát triển không bền vững và thiếu sự hợp tác đang dần đưa hệ thống sông này tới bên bờ vực thẳm.

Một nghiên cứu khác của Phần Lan cũng cho thấy rằng chế độ thủy văn của sông Mê Kông đã chịu nhiều thay đổi lớn từ các con đập của Trung Quốc. Nhịp lũ mua mưa hàng năm bị phá vỡ do hiện tượng giảm dòng chảy. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng vấn đề này sẽ ảnh hướng đến an ninh lương thực của 60 triệu dân sinh sống trên lưu vực sông Mê Kông.

Bên cạnh đó, việc thiếu một hệ thống quản trị sông tốt và các quy định quản lý chặt chẽ đã mở đường cho nạn khai thác cát tràn lan phục vụ cho xây dựng ở Trung Quốc, Lào, Campuchia và Việt Nam. Vấn nạn này đã cướp đi lớp trầm tích thiết yếu duy trì sức sống của dòng sông.

Hiện nay, những quyết định kinh tế liên quan đến con sông được đưa ra thiếu sự tham vấn với các cơ quan môi trường, cộng đồng địa phương, đồng thời cũng thiếu các kiến thức, thông tin về những thiệt hại mà dòng sông sẽ phải gánh chịu.

Ông Stuart Orr, cán bộ WWF, đồng tác giả báo cáo đề cập ở trên cho rằng các chính phủ, công ty và cộng đồng khu vực sông Mê Kông phải cùng với nhau xây dựng giải pháp tổng thể để có thể đối mặt với những thách thức về quản lý tài nguyên nước, thay vì đưa ra quyết định riêng rẽ như hiện nay.

Ủy ban Sông Mê Kông (MRC) được thành lập vào năm 1995 với sứ mệnh đem lại một tinh thần hợp tác vì lợi ích chung và vì mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái sông Mê Kông. Tuy nhiên, do hạn chế trong thẩm quyền cùng với thực trạng quản lý không có chiều sâu khiến MRC hiện mới chỉ phản ứng thụ động trước thực trạng khai thác dòng sông quá mức cho mục tiêu kinh tế và số phận dòng sông.

Trung Quốc đã lên kế hoạch lớn nhằm loại bỏ tất cả chướng ngại trên đường giao thông thủy bao gồm đá ngầm và thác ghềnh trên dòng sông. Kế hoạch này đã nhận được sự chấp thuận từ phía Thái Lan, trong khi dự án chưa có bất kì nghiên cứu nào về tác động tới đa dạng sinh học của sông Mê Kông.

Thực tế thì hàng hóa không nhất thiết phải được vận chuyển bằng đường thủy vì đã có những tuyến đường khác có thể thay thế, nhất là khi  tuyến đường sắt chính xuyên qua Lào và Thái Lan đang chuẩn bị đi vào hoạt động. Trong khi đó, những loài động vật hoang dã đang sinh sống trên dòng sông không có một lựa chọn nào khác. Đa dạng sinh học một khi mất đi thì không thể cứu vãn.

Các chuyên gia cho rằng để các hoạt động đầu tư kinh doanh có đạo đức và trách nhiệm hơn, các công ty cần được cung cấp các ưu đãi kinh tế và chính sách thuế kèm theo để thúc đẩy các kế hoạch kinh tế tổng thể trước khi thực hiện các quyết định đầu tư lớn.

Hiện tại, quy trình cấp phép xây dựng một con đập ban đầu chỉ diễn ra giữa chính phủ và các nhà đầu tư, sau đó, mới xem xét đến các hậu quả môi trường.

Đối với trường hợp hai con đập Xayaburi và Don Sahong trên dòng chính sông Mê Kông đoạn qua Lào, quyết định xây dựng đưa ra trước khi tiến hành tham vấn các nước láng giềng trong khu vực sông. Hệ quả làm suy yếu nghiêm trọng quá trình thảo luận và góp ý của MRC. Các bên liên quan được mời đến chỉ đơn thuần để đề xuất hạn chế các thiệt hại môi trường và bị từ chối lên tiếng về vấn đề thực chất hơn cũng như đưa ý kiến về việc tiếp tục hay dừng các dự án này.

Sai lầm lớn nhất trong trường hợp này là đã hoàn toàn bác bỏ ý kiến phản đối của hàng triệu người sống ở hạ lưu gồm Campuchia, Việt Nam và 8 tỉnh ven sông của Thái Lan. Người dân không tin rằng các dự án xây dựng này sẽ chỉ có những tác động nhỏ.

Giảm thiểu tác động là không khả thi

Đa số các cuộc tranh luận về tương lai của sông Mê Kông đều đưa ra lập luận về việc “đánh đổi” giữa hệ sinh thái và lợi ích kinh tế, dựa trên một giả định chưa được chứng minh rằng các tác hại lên môi trường và thủy sản có thể dễ dàng giảm thiểu.

Thủy sản tự nhiên của dòng Mê Kông của bốn quốc gia thành viên MRC có giá trị 11 tỉ USD/năm và con số là 17 tỷ USD khi kết hợp nuôi trồng.

Tuy nhiên, đối mặt với những hiểm họa mà các dự án đập nước mang lại, vựa thủy sản nước ngọt có giá trị nhất thế giới, cùng với an ninh lương thực của 60 triệu người, liệu có thể tồn tại hay không?

Tiến sĩ Martin Mallen-Cooper, giáo sư chuyên ngành thủy sản, Đại học Charles Sturt (Australia), cho rằng chưa có ghi nhận thành công nào trong việc giảm nhẹ tác động của các con đập trên các dòng sông nhiệt đới lớn ở châu Á, châu Phi hay Nam Mỹ – nơi sự sống của hàng trăm loài bị đe khác nhau.

Tiến sĩ Philip Hirsch (Giáo sư Địa lý Nhân văn – Đại học Sydney) cũng cho biết trong 40 năm nghiên cứu của ông cũng chưa bao giờ chứng kiến trường hợp nào thành công trong việc giảm nhẹ tác động của một con đập.

trạng hiện tại của sông Mê Kông, dù gắn mác “bền vững” cho thủy điện cũng không thể biến một con đập lớn trở nên “thân thiện” hay ít ảnh hưởng hơn tới hệ sinh thái.

“Cần phải nghiên cứu tỉ mỉ về công nghệ năng lượng xanh trước khi tiến hành xây dựng thêm các con đập. Sẽ là thảm kịch, nếu hệ sinh thái thủy sinh lớn nhất thế giới bị hủy hoại chỉ bởi sự thiếu sáng tạo trong phát triển các giải pháp cân đối chi phí – hiệu quả.” –  Giáo sư Hirsch nói.

Phương Thúy (Theo nationmultimedia.com)