Báo động ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông

ThienNhien.Net – Sở GTVT TPHCM vừa báo cáo với lãnh đạo TPHCM về tình trạng ô nhiễm môi trường do các hoạt động giao thông gây ra đang ở mức báo động và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm thông qua đề án kiểm soát khí thải đối với xe máy của Bộ GTVT. Hiện trên địa bàn TPHCM với hơn 8 triệu phương tiện giao thông (trong đó hơn 7 triệu xe gắn máy) đang hoạt động mỗi ngày đã xả ra một lượng khí thải kinh khủng, làm gia tăng  ô nhiễm không khí và dẫn đến nguy cơ bệnh tật cho người dân. Không chỉ TPHCM,  tại Hà Nội với  số lượng phương tiện giao thông khoảng 6 triệu chiếc cũng đang khiến bầu không khí ngày càng ô nhiễm trầm trọng.

Người dân ra đường dù đã bịt khẩu trang nhưng vẫn không tránh khỏi ô nhiễm từ khí thải phương tiện giao thông xả ra.

Ô nhiễm nghiêm trọng từ khí thải phương tiện giao thông

Tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM mới đây, ông Bùi Xuân Cường – GĐ Sở GTVT cho biết, số liệu quan trắc ô nhiễm môi trường không khí quý 2/2016 tại nhiều vị trí trên địa bàn TPHCM cho thấy, nồng độ các chỉ tiêu tăng cao hơn so với cùng kỳ 2015. Cụ thể: 7/15 vị trí có CO tăng 1,11 – 2,18 lần; 11/15 vị trí có bụi tăng 1,02 – 1,64 lần; 8/15 vị trí có NO2 tăng 1,02 – 1,31 lần.

Theo các chuyên gia về môi trường, tình trạng ô nhiễm không khí tại TPHCM và Hà Nội do các phương tiện giao thông gây ra còn nhiều hơn cả ô nhiễm từ các KCN. Chỉ tính riêng tại TPHCM, hiện nay với số lượng khoảng 7,3 triệu xe gắn mà và hơn 600.000 xe ô tô, mỗi ngày chỉ cần tiêu thụ hết 0,5 lít xăng (đối với xe gắn máy) và 1 lít xăng – dầu (đối với xe ô tô), thì một ngày trên địa bàn thành phố tiêu tốn khoảng hơn 4 triệu lít nhiên liệu. Vấn đề không chỉ nằm ở góc độ tiêu tốn về mặt kinh tế, mà điều đáng quan tâm là lượng khí thải từ hàng triệu phương tiện mỗi ngày xả trực tiếp ra môi trường có những chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe non người. Bên cạnh đó, hoạt động của phương tiện giao thông cũng tạo ra những bụi bay lơ lửng trong không khí khá cao. Theo Chi Cục bảo vệ môi trường TPHCM, kết quả quan trắc ô nhiễm không khí quý 3 năm 2016 tại 20 vị trí quan trắc cho thấy, ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TPHCM chủ yếu là do bụi lơ lửng từ các hoạt động giao thông gây ra (với 72,36% số liệu bụi quan trắc tại 12 vị trí giao thông vượt QCVN 05:2013/BTNMT). Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại khu vực ngã tư An Sương, Gò Vấp, Cát Lái có giá trị cao nhất trong 20 vị trí quan trắc chất lượng không khí. Hàm lượng trung bình giờ của bụi lơ lửng quan trắc được trong quý 3 năm 2016 tại 20 vị trí dao động từ 87,70– 715,93 μg/m3, 43,75% giá trị quan trắc không đạt QCVN 05:2013/BTNMT (nồng độ bụi lơ lửng trung bình 1 giờ khoảng 300 μg/m3).

Tại TPHCM, ghi nhận của PV tại  các khu vực ngã tư An Sương, đường Cộng Hòa, Trường Chinh  là những khu vực có mật độ giao thông dày đặc, kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm do khói bụi của hoạt động giao thông cũng thuộc loại kinh khủng nhất TPHCM. PV đi xe gắn máy từ khu vực bến xe Tây Ninh theo tuyến đường Trường Chinh – Cộng Hòa về đến vòng xoay Lăng Cha Cả, khiến cả khuôn mặt khói bụi bám thành lớp.  Ông Nguyễn Văn Hưởng (hành nghề xe ôm tại khu vực ngã tư An Sương), phản ánh: “Tối ngày ở ngoài đường chạy xe ôm nên hít phải khói bụi kinh khủng. Mặc dù có trang bị khẩu trang, nhưng  vẫn không tránh được hết và hít khói xe riết về nhà ho lụ khụ suốt đêm. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh đành phải chấp nhận”. Đặc biệt thời gian gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông tại TPHCM ngày càng kinh khủng (nhất là một số khu vực vòng xoay ngã sáu Gò Vấp, đường Nguyễn Kiệm, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bạch Đằng…) nên mức độ ô nhiễm tại các điểm này theo đó cũng đậm đặc hơn do có quá nhiều xe gắn máy, ô tô, xe buýt cùng một lúc trực tiếp xả khói bụi ra trong một phạm vi hẹp nhất định. Có những hôm, tình trạng ô nhiễm tại một số khu vực Q.2, Q.9, Thủ Đức tạo thành một  khối mờ ảo trông không khác gì sương mù.

Thống kê cũng cho thấy, hiện Hà Nội có khoảng 6 triệu phương tiện giao thông. Và với số lượng phương tiện tham gia giao thông nhiều như vậy nên lượng khí thải xả ra môi trường cũng rất lớn. Ghi nhận của PV, trên các tuyến phố (Tây Sơn, Trường Chinh, Giải Phóng, Nguyễn Xiển… luôn trong tình trạng khói bụi. Nhất là vào những khung giờ cao điểm, tại các ngã tư, mật độ người tham gia giao thông lớn không những gây ùn tắc giao thông mà khí thải của các phương tiện xả ra khi dừng chờ đèn đỏ gây ngột ngạt, khó chịu cho những người tham gia giao thông. Chị Mai Trang (quận Đống Đa) cho biết: “Chặng đường từ nhà tôi đến chỗ làm dài khoảng 6-7km. Mỗi lần đi làm hoặc đi về, tôi đều đeo khẩu trang, ấy vậy mà mỗi khi về đến nhà  rửa mặt mới thấy khói bụi kinh khủng”.

Không khí ngày càng ô nhiễm trầm trọng do lượng khí thải được xả ra từ xe gắn máy.

Cần kiểm soát khí thải xe máy

Trước tình hình ô nhiễm khói bụi tới mức báo động từ phương tiện giao thông, Sở GTVT TPHCM đã đề nghị UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm thông qua đề án kiểm tra khí thải xe máy do Bộ GTVT xây dựng. Theo đó, có lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với môtô gắn máy có dung tích từ 175cm3 trở lên trong giai đoạn 2018-2020, làm tiền đề để áp dụng cho các dòng xe khác. Được biết, trước đây Bộ GTVT đã xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, gắn máy áp dụng thí điểm tại một số thành phố lớn, sau đó sẽ triển khai đại trà. Tuy nhiên, sau nhiều năm nghiên cứu đến nay để án này vẫn chưa thể triển khai bởi nhiều nguyên nhân như: Một số địa phương chưa quyết liệt, chưa thống nhất được lộ trình cũng như niên hạn cụ thể đối với xe gắn máy bắt buộc kiểm định khí thải, tính pháp lý còn nhiều vấn đề phải bàn…

Tiến sĩ Phạm Sanh (chuyên gia giao thông) cho rằng, không chỉ kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, gắn máy, mà cũng cần siết chặt kiểm soát đối với xe ô tô. Đối với xe ô tô hiện nay việc kiểm soát khí thải đã được thực hiện thông qua công tác đăng kiểm phương tiện. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng như các bộ ngành liên quan cũng cần xem xét nâng cao quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kiểm soát khí thải xe ô tô lên ngang bằng với các nước trên thế giới để về lâu dài không xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như Bắc Kinh – Trung Quốc. “Trước mắt, các thành phố nên tập trung siết chặt việc kiểm tra, xử lý đối với các xe ô tô cũ, xe buýt đang tham gia giao thông nhưng vẫn xả khói đen kịt trên đường phố” – tiến sĩ Phạm Sanh đề xuất. Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng cho rằng, ngoài kiểm soát khí thải bắt buộc đối với xe mô tô, gắn máy, thì các địa phương cũng phải đẩy nhanh các giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, điều tiết giao thông  thông thoáng, để không còn cảnh kẹt xe, giảm thời gian xe kẹt cứng trên đường. Song song đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân khi đến các giao lộ chờ đèn đỏ, gặp kẹt xe thì nên tắt máy phương tiện, từ đó vừa tiết kiệm được nhiên liệu vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khi thải của phương tiện giao thông.

Theo các bác sĩ,  người dân hít phải lượng khói, bụi từ hoạt động của các phương tiện giao thông gây ra về lâu dài có thể gây ung thư hoặc mắc phải những bệnh tật về đường hô hấp… Đặc biệt, với người già, trẻ em đang mắc các bệnh hô hấp mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh hen suyễn…, khi hít phải nhiều khí thải độc hại từ xe cộ dễ có nguy cơ làm bệnh bùng phát, thậm chí tử vong do chít hẹp đường thở nếu không có thuốc cắt cơn hoặc đi cấp cứu kịp thời.
Theo tính toán của các chuyên gia, tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cho thấy, xe máy chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% Hyđrô cácbon (HC); 87% cácbon ôxit (CO); 57% ôxit Nitơ (Nox)… trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Và xe máy đang sử dụng tham gia giao thông là nguồn chính thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm.