Hàng trăm container phế liệu tồn đọng tại cảng biển TP.HCM

ThienNhien.Net – Nhập khẩu hàng hóa không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, kĩ thuật theo quy định vào Việt Nam, khi biết không thể làm thủ tục nhập khẩu được thì các cá nhân, doanh nghiệp từ bỏ hàng… khiến hàng trăm container phế liệu hiện đang tồn tại các cửa khẩu cảng biển TP.HCM.

Rác điện tử bị Hải quan TP.HCM phát hiện tại cảng Phước Long- Thủ Đức ngày 3-1-2017. Ảnh: Thu Hòa.

Phế liệu đồng hóa “rác” điện tử

Từ ngày 21-12-2016 đến ngày 3-1-2017, tại cảng Phước Long- Thủ Đức, Đội kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan TP.HCM đã chủ trì phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4, PC46 Công an TP.HCM thực hiện quyết định khám xét 15 container phế liệu nhập khẩu từ Hồng Kong và Mỹ. Kết quả phát hiện toàn bộ hàng hóa chứa trong container là phế liệu điện tử thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Trong đó có 3 container chứa đầy các bo mạch điện tử, các container còn lại chứa các đầu thu phát sóng dùng trong truyền hình…, tất cả đều cũ nát.

Trên hồ sơ lô hàng thể hiện số phế liệu nêu trên của Công ty CP Đúc và Chế tạo khuôn mẫu CEM (Bình Phước). Trong số 15 container hàng nêu trên, có 6 container doanh nghiệp đã mở tờ khai hải quan tại Cục Hải quan Bình Phước. Trên tờ khai hải quan, doanh nghiệp khai báo mặt hàng nhập khẩu là đồng phế liệu. Từ thông tin sưu tra, kiểm soát, Đội Kiểm soát Hải quan đã phát hiện lô hàng nhập khẩu có dấu hiệu nghi vấn, do đó tổ chức giám sát, theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên, sau khi mở tờ khai hải quan, doanh nghiệp không đến làm thủ tục nhận hàng. Đội Kiểm soát Hải quan đã ban hành Quyết định khám xét toàn bộ lô hàng theo quy định của pháp luật, phát hiện toàn bộ hàng hóa nhập khẩu là “rác” điện tử.

Sau khi 6 container phế liệu bị cơ quan Hải quan khám xét, tạm giữ, 9 container phế liệu về tiếp sau đó, doanh nghiệp từ chối nhận lệnh giao hàng, từ chối hàng nhập khẩu mặc dù trên vận đơn vẫn thể hiện người nhập khẩu là Công ty CP Đúc và Chế tạo khuôn mẫu CEM. Được biết, Công ty CP Đúc và Chế tạo khuôn mẫu CEM nằm trong khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, chuyên gia công, sản xuất các mặt hàng nhựa. Doanh nghiệp này vận hành và sử dụng nguyên liệu đốt là các bo mạch điện tử để làm nguyên liệu sản xuất các khuôn mẫu.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Đội Kiểm soát hải quan cho biết, toàn bộ số phế liệu điện tử này có xuất xứ từ Mỹ. Nhiều khả năng, những phế liệu này đã được thải bỏ, các đối tượng tổ chức thu gom để đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Tồn hàng trăm container phế liệu tại cảng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài số “rác” điện tử nêu trên, tại cảng Cát Lái hiện đang còn đọng hàng trăm container phế liệu nhập khẩu về cảng đã lâu nhưng chưa có người đến nhận. Trong số đó phần nhiều là lốp xe ô tô đã qua sử dụng và phế liệu nhựa.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, hiện tại cảng Cát Lái đang tồn đọng 481 container lốp ô tô đã qua sử dụng, nhập khẩu về cảng Cát Lái đã quá thời hạn 90 ngày. Trong đó, 281 container (6.744 tấn) đã được thống kê để xử lý trong năm 2016; 200 container chưa được xử lý. Với số lượng hàng lốp ô tô cao su tồn đọng nhiều, nếu không giải quyết nhanh sẽ gây ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái. Theo Cục Hải quan TP.HCM, nếu thực hiện tiêu hủy số hàng nêu trên, chi phí phải bỏ ra rất lớn, ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, số lốp xe ô tô này lưu giữ tại cảng trong thời gian dài gây ách tắc hàng hóa tại cảng trong điều kiện cảng luôn quá tải.

Ngoài số lốp xe ô tô đã qua sử dụng nêu trên, tại các cửa khẩu còn đang tồn đọng hàng chục container phế liệu nhựa. Số hàng hóa này đa phần là do doanh nghiệp từ bỏ hàng.

Theo phân tích của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, nguyên nhân khiến số lượng hàng tồn đọng nói chung và lốp xe ô tô cũ tại cảng Cát Lái nhiều, bên cạnh lưu lượng hàng hóa nhập khẩu lớn, qua công tác xác minh của cơ quan Hải quan nhiều doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, thua lỗ, nợ đọng thuế, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh dẫn đến từ bỏ hàng hóa sau khi đã nhập khẩu về cảng; Một số cá nhân, đơn vị nhập khẩu hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu vào Việt Nam, khi biết không thể làm thủ tục nhập khẩu được thì từ bỏ hàng; doanh nghiệp ở nước ngoài gửi nhầm hàng về Việt Nam rồi không chịu tái nhập hàng về nước xuất khẩu.

Để tránh ách tắc tại cảng, gây ô nhiễm môi trường, Cục Hải quan TP.HCM đang phối hợp với các đơn vị kinh doanh cảng biển, thống kê để xử lý dứt điểm.