Phối hợp quản lý tổng hợp hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn

ThienNhien.Net – Hai địa phương (Quảng Nam và Đà Nẵng) cùng xây dựng một kế hoạch, quy hoạch quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ biển. Trong đó, vấn đề tài nguyên nước phải được đặt trong mối quan hệ với các hoạt động phát triển khác trong cùng lưu vực và vùng bờ, trong mối liên kết giữa lưu vực sông từ thượng lưu đến hạ lưu và vùng ven biển của hai địa phương.

Lãnh đạo Quảng Nam và Đà Nẵng ký kết thỏa thuận “Về quản lý tổng hợp sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ”.

Đó là yêu cầu đặt ra tại Lễ ký kết thỏa thuận phối hợp giữa lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng “Về quản lý tổng hợp sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam và Đà Nẵng”, tổ chức sáng 21-12, tại thành phố Đà Nẵng.

Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam – Đà Nẵng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống và phát triển kinh tế – xã hội của cả hai địa phương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh nguồn tài nguyên nước, từ sông xuống biển còn rất nhiều tài nguyên khác như khoáng sản, rừng, phù sa, nguồn lợi thủy sản, du lịch, khai thác và chế biến hải sản… làm cơ sở cho đẩy mạnh phát triển kinh tế, du lịch, tiềm năng phát triển thủy điện… Tuy nhiên, từ hàng chục năm qua, hoạt động phát triển kinh tế mạnh mẽ nhưng thiếu sự liên kết; cách tiếp cận, quản lý tài nguyên nước không phù hợp đã làm suy giảm chức năng của lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.

Việc phát triển thủy điện một cách ồ ạt, đặt nặng lợi ích kinh tế, mâu thuẫn trong phân bổ và sử dụng nguồn nước giữa thủy điện và các ngành liên quan chưa được giải quyết thỏa đáng. Ảnh hưởng trực tiếp của quá trình biến đổi khí hậu, nắng hạn, mưa lũ kéo dài làm dòng chảy tự nhiên thay đổi theo chiều hướng bất lợi, tăng khả năng đe dọa lũ mùa mưa, thiếu nước và xâm nhập mặn sâu hơn mùa khô. Phần lớn lượng phù sa và bùn cát do dòng chảy đưa về hạ du và vùng bờ cũng bị thay đổi, làm mất cân bằng động lực dòng sông, dòng hải văn ven bờ, là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng quá trình sạt lở bờ sông và xâm thực bờ biển những năm gần đây.

Ngoài ra, nạn phá rừng, khai thác vàng khu vực đầu nguồn, khai thác cát, sỏi trái phép tràn lan vùng hạ du lưu vực sông cũng là tác nhân gây nên sự suy thoái và cạn kiệt nguồn nước, làm biến đổi dòng chảy, xói lở bờ sông. Với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, sẽ gây ảnh hưởng lớn không chỉ cho nguồn nước mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên…

Trong khi đó, hiện tượng sạt lở tại vùng biển Cửa Đại (TP Hội An- Quảng Nam) cũng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng.

TS, Nguyễn Chu Hồi, giảng viên cao cấp ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) nhận định “Xói lở của Hội An hôm nay có thể là của Đà Nẵng ngày mai. Nếu không bắt tay nhau cùng xây dựng cơ chế phối hợp thì xảy ra thiệt hại lớn là khó tránh khỏi”.

Sau nhiều lần đối thoại để tìm tiếng nói chung, lãnh đạo hai địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng đã đi đến thống nhất trong quản lý tổng hợp (QLTH) lưu vực sông và vùng bờ biển (vùng bờ) theo cách tiếp cận “từ đầu nguồn xuống biển (R2R)”. Đây là phương thức quản lý không gian mới mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng cho các vùng nước, lưu vực sông thuộc nhiều địa phương, nhiều quốc gia. Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam – Đà Nẵng hội tụ các đặc trưng cơ bản khi chọn làm trường hợp nghiên cứu điển hình ở Việt Nam để thử nghiệm cơ chế phối hợp liên tỉnh trong quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ.

Với việc ký thỏa thuận, hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ cùng xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước lưu vực sông và vùng bờ cụ thể. Trong đó, vấn đề tài nguyên nước phải được đặt trong mối quan hệ với các hoạt động phát triển khác trong cùng lưu vực và vùng bờ, trong mối liên kết giữa lưu vực sông từ thượng lưu đến hạ lực và vùng bờ.

Theo đó, hai bên sẽ thành lập Ban Điều phối chung, gồm lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP Đà Nẵng và các cơ quan chủ chốt có liên quan đến quản lý lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ để giải quyết các vấn đề liên tỉnh, liên vùng.

Cơ quan đầu mối của Ban Điều phối là Sở Tài nguyên và Môi trường của hai địa phương. Trong giai đoạn thử nghiệm kéo dài trong ba năm (2017 – 2020), hai bên thực hiện các nguyên tắc cơ bản của quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển. Ban Điều phối cử luân phiên Trưởng ban và bàn giao tại cuộc họp định kỳ sáu tháng một lần.

Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Đà Nẵng đảm nhận vai trò Trưởng Ban Điều phối sáu tháng tháng đầu năm 2017, chủ động tổ chức một số hoạt động theo nội dung phối hợp.

Trên cơ sở thống nhất với UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức nghiên cứu, đề xuất cụ thể về kế hoạch, quy chế làm việc của Ban Điều phối, lập Tổ Tư vấn và tổ chức tham vấn với các bên liên quan.

Xây dựng thủy điện dày đặc ở thượng nguồn gây tác động lớn đến môi trường và các hệ sinh thái trên toàn lưu vực.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, nỗ lực của cả hai địa phương nhằm hướng tới phương thức quản lý vùng bờ theo cách tiếp cận hoàn toàn mới “Từ đầu nguồn xuống biển”.

Công việc trước mắt là xây dựng, hình thành Ban Điều phối lâm thời. Khi Ban Điều phối đi vào hoạt động, phải sớm giải quyết được các vấn đề bất cập trong hoạt động chung về quản lý, khai thác tài nguyên nước và các nguồn lợi, tiềm năng liên quan đến hệ thống Vu Gia – Thu Bồn.

“Để tạo điều kiện để hai địa phương cùng phát triển, việc thực hiện thỏa thuận phải linh hoạt, thích ứng với tình hình của từng địa phương, chứ không thể cứng nhắc và quan trọng nhất là phải đặt lợi ích của người dân, của quê hương lên hàng đầu” – ông Lê Trí Thanh khẳng định.

Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ biển là bước khởi đầu quan trọng để tăng cường sự phối hợp giữa hai địa phương trong việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển bền vững lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.