Mở đường Nà Làng-Thác Cát là “tham bát bỏ mâm”

ThienNhien.Net – Huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai chương trình mở đường từ thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc của địa phương đến thôn Thác Cát, xã Hòa Bình, huyện Hoành Bồ. Dự án có tên gọi “Đường giao thông Ba Chẽ-Hạ Long, đoạn từ trung tâm xã Đồn Đạc đến tuyến đường vành đai phía Bắc thành phố Hạ Long”. Dự án không “thông đồng bén giọt” mà đang vấp phải sự phải đối của dư luận và ngay trong nội bộ các ngành của tỉnh cũng không đồng thuận, vì tuyến đường được mở sẽ xẻ rừng bảo tồn Quốc gia và rừng đầu nguồn hồ Cao Vân.

Mở đường, nguy cơ mất nguồn nước ăn của nửa triệu người

Sơ đồ tuyến đường định mở trong lưu vực sinh thủy hồ Cao Vân rộng 56ha, màu gạch nung là ký hiệu khu rừng bảo tồn quốc gia, màu hồng là rừng phòng hộ, màu xanh hanh lang bảo vệ hồ Cao Vân.
Sơ đồ tuyến đường định mở trong lưu vực sinh thủy hồ Cao Vân rộng 56ha, màu gạch nung là ký hiệu khu rừng bảo tồn quốc gia, màu hồng là rừng phòng hộ, màu xanh hanh lang bảo vệ hồ Cao Vân.

Ngày 01/10/2016, Báo điện tử Xây dựng đã đăng bài “Mở đường, nguy cơ mất nguồn nước ăn của nửa triệu người”. Bài báo nêu, huyện Ba Chẽ đang chuẩn bị triển khai Dự án mở đường Ba Chẽ-Hạ Long, đoạn từ trung tâm xã Đồn Đạc đến tuyến đường vành đai phía Bắc thành phố Hạ Long. Con đường dài 18,39km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, bề rộng nền đường 7,5m, bề rộng mặt đường 5,5m, mức đầu tư 306,893 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước. Dự án này đang vấp phải sự phải đối của dư luận và ngay trong nội bộ các ngành của tỉnh cũng không đồng thuận, vì trục đường có 13,73km xẻ rừng bảo tồn Quốc gia Đồng Sơn-Kỳ Thượng và rừng đầu nguồn hồ Cao Vân.

8,3km đường trong rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn vượt thổ qua nhiều khe suối khởi thủy hồ Cao Vân.
8,3km đường trong rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn vượt thổ qua nhiều khe suối khởi thủy hồ Cao Vân.
Thảm thực vật rừng nguyên sinh Đồng Sơn-Kỳ Thượng.
Thảm thực vật rừng nguyên sinh Đồng Sơn-Kỳ Thượng.

Cao Vân, hồ nước sạch có trữ lượng 10,8-12 triệu/m3 nước, cung cấp nước sạch cho nửa triệu người, ở hai thành phố lớn là Hạ Long và Cẩm Phả. Mặt khác, Ba Chẽ cũng không thiếu đường giao thông nối tỉnh mà phải vội vã mở con đường này. Trên thực tế, Ba Chẽ đã có một con đường lớn từ phố huyện đến Tiên Yên vừa mới được nâng cấp; một con đường từ trung tâm đến cầu Ba Chẽ, trên QL18 còn sáng màu bê tông; con đường Ba Chẽ-Đồng Mỏ thì cùng nối đường tỉnh (ĐT) 326, có khác điểm nối cách nhau một đoạn qua xã Dương Huy, Cẩm Phả.

Hồ Cao Vân trên độ cao 40m, trữ lượng 10,8-12 triệu m3 nước, vò nước ăn của nửa triệu người ở TP Hạ Long và Cẩm Phả.
Hồ Cao Vân trên độ cao 40m, trữ lượng 10,8-12 triệu m3 nước, vò nước ăn của nửa triệu người ở TP Hạ Long và Cẩm Phả.

Dự án mở đường Ba Chẽ – Hạ Long thực chất cũng chỉ là một con đường dưới cấp tỉnh lộ, nối thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ đến thôn Thác Cát, xã Hòa Bình, huyện Hoành Bồ. Cuối tuyến tại Km 27+400, ĐT 326, từ đây đến trung tâm thành phố Hạ Long còn độ đường dài trên 20km. Đường Nà Làng-Thác Cát lại hiểm trở, vượt núi cao, vực sâu, cua tay áo rất nguy hiểm. Nguy hại hơn, nó chiếm dụng 15,7ha rừng bảo tồn Quốc gia Đồng Sơn-Kỳ Thượng và chiếm dụng 13,3ha rừng đầu nguồn hồ Cao Vân. Tỉnh Quảng Ninh đã khốn đốn với hòn than “bức tử” sông Diễn Vọng, nguồn nước ăn của thành phố Hạ Long và Cẩm Phả, phải quay sang vay tiền quốc tế xây hồ Cao Vân. Tỉnh còn cõng nợ chưa trả được, nay lại để con đường làm mất hồ Cao Vân thì chắc hai thành phố lớn của tỉnh phải tính xa đến chuyện di chuyển đô thị.

6,2km đường chẻ đôi rừng bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn-Kỳ Thượng.
6,2km đường chẻ đôi rừng bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn-Kỳ Thượng.

Dự án mở đường Ba Chẽ-Hạ Long, đoạn từ trung tâm xã Đồn Đạc đến tuyến đường vành đai phía bắc thành phố Hạ Long không được các ngành của tỉnh đồng thuận. Báo Xây dựng và một số tờ báo đã cùng lên tiếng phân tích thiệt hơn. Ngày 8/9/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh có công văn số 5605/UBND-GT1 yêu cầu tạm dừng thi công tuyến đường này; đồng thời, huyện Ba Chẽ lập đoàn khảo sát thực địa, mở hội nghị mang tính hội thảo khoa học, làm căn cứ sát thực báo cáo để tỉnh chỉ đạo mở đường mà không phương hại đến rừng bảo tồn Quốc gia, rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Cao Vân. Đây là một chủ trương sáng suốt của UBND tỉnh Quảng Ninh, kịp thời xem xét lại công tình đầu tư chưa đánh giá hết tác động xấu đến môi trường.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của tỉnh, huyện Ba Chẽ lập phương án mở đường mới, chỉnh tuyến, bớt qua rừng bảo tồn thiên nhiên, đưa phần nhiều con đường vào thung lũng Cao Vân. Tuyến đường thành 20,7km, dài hơn trước 2,3km, chi phí tăng thêm 58 tỷ đồng. Ngày 6/10/2016, UBND huyện Ba Chẽ có giấy mời số 205/GM-UBND, mời các Sở: Giao thông vận tải, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, Tài nguyên & Môi trường, UBND huyện Hoành Bồ, Lâm trường Hoành Bồ, Ban quản lý rừng bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn-Kỳ Thường, Cty cấp nước Quảng Ninh (Sở Xây dựng không được mời). Lúc 8h ngày 6/10, đoàn thực địa xuất phát từ Km 27+400, ĐT 326 đoạn thôn Thác Cát, xã Hòa Bình, Hoành Bồ (thiếu thành phần các Sở: Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, Tài nguyên & Môi trường) đi vào rừng theo sơ đồ tuyến đường. Rừng núi cây cối rậm rạp, người địa phương bảo đi tắt từ đây đến Ba Chẽ, khỏe chân như dân phường săn, cũng phải mất đẫy một ngày, người lạ rất dễ bị lạc trong rừng. Rừng núi cách trở, không lối mòn, đoàn cán bộ chỉ đi đến suối Vả, nhánh sinh thủy bìa rừng hồ Cao Vân, mà trong bản vẽ thiết kế ghi là cầu Km 13+950m thì dừng lại không đi tiếp.

Huyện Ba Chẽ tổ chức thực tế khảo sát tuyến đường, thiếu thành phần các Sở: Tài Chính, Tài nguyên & Môi trường, Kế hoạch & Đầu tư (Sở Xây dựng không được mời) ngày 6/10.
Huyện Ba Chẽ tổ chức thực tế khảo sát tuyến đường, thiếu thành phần các Sở: Tài Chính, Tài nguyên & Môi trường, Kế hoạch & Đầu tư (Sở Xây dựng không được mời) ngày 6/10.

13 giờ cùng ngày 6/10, đoàn thực tế “nửa vời” (vì đi nửa chừng không hết tuyến) quay về họp tại trụ sở UBND huyện Ba Chẽ. Bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộc họp, thống nhất biên bản kiểm tra thực địa, để báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo tiếp. Biên bản ghi 3 nội dung chính như sau:

1. Tại vị trí chân cầu Km 13+950m, 1 nhịp 21m, có tọa độ 440759-2331576 thuộc khoảnh 10, tiểu khu 80A xã Hòa Bình, nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, hiện là rừng hỗn giao keo và tre, nứa. Khu vực này giáp mặt nước hồ Cao Vân, xây dựng đường sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nước của hồ.

2. Vị trí 440619-2330464, cũng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, hiện trạng là rừng trồng thông, nằm trong lưu vực cung cấp nước cho hồ Cao Vân.

3. Tuyến (vẽ cũ) đi qua rừng tự nhiên, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, chia cắt sinh cảnh và gây áp lực cho công tác quản lý bảo vệ rừng bảo tồn thiên nhiên. Đề nghị triển khai dự án theo bản vẽ (cũ), nhưng trước khi thi công phải xem xét hướng tuyến để ít ảnh hưởng đến rừng bảo tồn Quốc gia.

Mở đường Nà Làng, Đồn Đạc (Ba Chẽ) - Thác Cát, Hòa Bình (Hoành Bồ) chiếm dụng 48,8ha rừng, trong đó có 15,7ha rừng bảo tồn Quốc gia, 21,9ha rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn hồ Cao Vân.
Mở đường Nà Làng, Đồn Đạc (Ba Chẽ) – Thác Cát, Hòa Bình (Hoành Bồ) chiếm dụng 48,8ha rừng, trong đó có 15,7ha rừng bảo tồn Quốc gia, 21,9ha rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn hồ Cao Vân.
Thượng nguồn hồ nước sạch.
Thượng nguồn hồ nước sạch.

Các thành viên cùng ký vào biên bản ủng hộ huyện Ba Chẽ triển khai dự án làm đường, nhưng lại đề nghị phải giữ rừng bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn-Kỳ Thượng và rừng đầu nguồn hồ Cao Vân, như đánh đố huyện Ba Chẽ. Thành phần đoàn khảo sát thực tế còn thiếu hẳn 2 cơ quan quan trọng là Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng. Không có các nhà khoa học chuyên ngành đánh giá tác động môi trường của công trình xây dựng đang nổi cộm này. Trong cuộc họp hôm 28/9/2016, ông Phạm Văn Tiêu, Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh còn nêu ý kiến, chiểu theo tinh thần công văn số 5605/UBND-GT1 ngày 8/9/2016 của UBND tỉnh thì dự án này không thể thực hiện được, vì tỉnh chỉ rõ không được xâm hại đến rừng bảo tồn thiên nhiên và rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Cao Vân.

Mở đường con đường dài 18,39km trên mái núi đón nước kia, chắc không gánh đất sang Ba Chẽ đổ được, gần triệu m3 đất đá ắt đổ vào lòng hồ Cao Vân.
Mở đường con đường dài 18,39km trên mái núi đón nước kia, chắc không gánh đất sang Ba Chẽ đổ được, gần triệu m3 đất đá ắt đổ vào lòng hồ Cao Vân.
Nguy cơ 821.388m3 đất sẻ núi mở đường trút xuống đầu nguồn hồ Cao Vân, nước sẽ đặc màu phù sa không còn trong xanh thế này nữa.
Nguy cơ 821.388m3 đất sẻ núi mở đường trút xuống đầu nguồn hồ Cao Vân, nước sẽ đặc màu phù sa không còn trong xanh thế này nữa.

Hồ Cao Vân, vò nước ăn của nửa triệu người ở hai đô thị lớn của tỉnh Quảng Ninh đang dự kiến nâng lượng chứa từ 10,8 triệu m3 lên 15 triệu m3, không dễ gì để con đường nhỏ “chọc bục”. Hơn 200ha rừng bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn-Kỳ Thượng, vật quý Quốc gia còn lại ít ỏi ở vùng Đông Bắc không dễ gì bị chặt hạ chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì con đường nhỏ. Nếu đặt lên bàn cân so sánh thiệt hơn thì dự án đường giao thông Hạ Long-Ba Chẽ, đoạn từ thôn Nà Làng xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ đến thôn Thác Cát, xã Hòa Bình, huyện Hoành Bồ quả thực là “tham bát, bỏ mân”.

Tiên cảnh hồ trên núi cần đươc bảo vệ.
Tiên cảnh hồ trên núi cần đươc bảo vệ.
“Long lanh mặt nước gương trời, ai ơi tham bát bỏ mâm?”.
“Long lanh mặt nước gương trời, ai ơi tham bát bỏ mâm?”.