Cứu loài ong khỏi thuốc trừ sâu

ThienNhien.Net – Hai công trình nghiên cứu mới đây cho thấy thuốc trừ sâu được sử dụng phổ biến làm suy giảm khả năng sinh sản của loài ong. Điều bất ngờ là các khu đô thị lại trở thành khu vực sinh sống của loài ong.

Chóng mặt, mất phương hướng và mẫn cảm với bệnh tật là những tác động nguy hiểm đến loài ong của một số loại thuốc trừ sâu. Vì vậy, ngay từ năm 2013 EU đã ra quyết định hạn chế tối đa việc sử dụng loại thuốc trừ sâu có chất Neonictotinoid. Những nghiên cứu mới đây càng cho thấy bước đi này là hết sức cần thiết: Một bài báo của các nhà nghiên cứu tại đại học Bern trên tạp chí “Proceedings of the Royal Society B” mang tựa đề “Neonicotinoid insecticides can serve as inadvertent insect contraceptives” (tạm dịch “Thuốc trừ sâu Neonicotinoid có thể gây vô sinh”, trong đó nêu Neonicotinoid là chất độc hại đối với côn trùng thông qua việc tác động vào tế bào thần kinh. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện, các độc tố này không chỉ làm giảm 39% lượng tinh trùng ở ong đực mà còn làm giảm cả tuổi thọ của chúng. Ngay từ năm  2012, tạp chí Science đã đăng nghiên cứu của họ về việc giảm khả năng sinh sản của ong chúa khi bị nhiễm Neonicotinoid. Trước đó, Nature cũng công bố những kết quả tương tự.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm thấy Clothianidin, cũng một dạng gây hại như Neonicotinoid làm ảnh hưởng đến ong.

Ảnh: Tuần Kinh Tế Đức
Ảnh: Tuần Kinh Tế Đức

Từ nhiều năm qua, việc ong chết hàng loạt đã là một vấn đề lớn. Mùa đông năm 2002, các nhà nuôi ong Đức đã báo động về điều đó và họ cũng chứng minh, hàng năm số lượng đàn ong liên tục giảm. Điều này gây hại cho người nông dân bởi lẽ ong còn thụ phấn cho cây trồng. Theo các đánh giá được thực hiện ở Đức, ong đóng góp ước khoảng 30% sản lượng nông nghiệp.

Theo một nghiên cứu ở Đức, người ta phát hiện nguyên nhân trực tiếp khiến ong chết hàng loạt không phải vì thuốc sâu mà vì loại nhện Varro hay Varroa-Milben khi kết hợp với một loại virus gây bệnh. Một câu hỏi đặt ra là có phải chúng chỉ có thể gây hại trong trường hợp ong đã bị thuốc trừ sâu làm cho suy yếu nhưng đến nay chưa ai giải đáp được nghi vấn này.

Một nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng ong chết là do nhiều nơi Đức mất đi nhiều diện tích hoa dại và tình trạng độc canh trong nông nghiệp. Mùa hè vừa qua ở các thành phố lớn miền đông nước Đức có hiện tượng nhiều ong bị chết vì nguyên nhân này khiến ong phải bay dạt vào các thành phố và chết tại đây.

Tuy nhiên hành động bảo vệ thái quá cũng gây ra những tác động ngược. Những người bảo vệ môi trường có thiện chí ở bang South Dakota, Mỹ cách đây vài năm đã gieo hạt một số loại cây trên cánh đồng nhằm tạo thức ăn cho ong nhưng vô tình làm hại đàn ong nhiều hơn. Theo dõi cuộc thử nghiệm này hai năm liền, các nhà khoa học Mỹ nhận thấy, số lượng ong bị còi cọc thậm chí lại tăng lên, ngay cả trên cánh đồng nuôi trồng hữu cơ của nông dân cũng có tình trạng tương tự. Trên thực tế, khi người nông dân phun thuốc sâu thì do gió thổi thuốc sâu bay sang cả các cánh đồng ở gần đó và lượng thuốc lan tỏa đó cũng đủ để gây tổn thất cho ong ở khu vực gần đó.

Trước tác động của các loại thuốc trừ sâu lên ong, nhiều quốc gia đã quyết định hành động, trong đó nước Pháp dự định đến năm 2017 sẽ xem xét việc cấm thuốc sâu Neonicotinoide và cũng sẽ kêu gọi EU ra lệnh cấm đối với hóa chất này. Tuy nhiên ở quốc gia láng giềng Đức, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp lại tỏ ra ngập ngừng, thiếu cương quyết.

Trong khi vẫn chưa có biện pháp chính thức hữu hiệu nào từ phía các nhà làm luật thì các nhà nghiên cứu và các nhà bảo tồn ong đã nêu ra nhiều sáng kiến hay. Các nhà khoa học thuộc trường đại học Queen Mary London thậm chí còn phát động một cuộc thi đua vì ong mật: người dân thủ đô London có nhiệm vụ trồng trên ban công hay bậu cửa sổ những loại cây thân thiện với loài ong và chụp ảnh những con ong đã đánh số để tham gia cuộc thi.

Tại Berlin đã có lúc một cái xe đạp trở thành một địa điểm tạm trú của ong. Một người nuôi ong sau đó đã thu gom tổ ong này.

Thành phố Zürich lại đi theo một con đường hơi khác một chút khi kêu gọi người dân xanh hóa mái nhà nhà mình, việc làm này nhằm cải thiện sự đa dạng sinh học trên các mái nhà. Các nhà quản lý thành phố ghi lại mọi sáng kiến, những gương điển hình và những quy định của pháp luật về vấn đề này và đưa lên mạng.