Đại ngàn chui lọt lỗ kim

ThienNhien.Net – Vụ 10.000 ha rừng lưu vực sông Bến Hải (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) bị phá trong thời gian dài, vụ chặt hạ rừng pơ-mu tại khu vực biên giới (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) và vụ chuyển đổi mục đích sử dụng 575 ha rừng làm “Dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng” (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) từ trung tuần tháng 7 đến nay, cho thấy đã và đang tồn tại “lỗ hổng” rất lớn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Nhiều diện tích rừng tự nhiên của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huếtrơ trụi bởi nạn phá rừng.
Nhiều diện tích rừng tự nhiên của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huếtrơ trụi bởi nạn phá rừng.

“Lỗ hổng quản lý” hay “kẽ hở của luật pháp” thật trớ trêu lại trở thành phương tiện giúp cá nhân, tập thể hưởng lương từ tiền thuế của dân – bao biện, né tránh trách nhiệm.

Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), từng xếp Việt Nam  có tỷ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 trên thế giới (sau Nigeria). Trong 5 năm (từ năm 2008 đến năm 2013), Tây Nguyên  mất hơn 130.000 ha rừng (rừng tự nhiên mất hơn 107.400 ha, rừng trồng mất trên 22.200 ha). Theo Báo cáo của ngành chức năng tại Hội nghị tìm kiếm giải pháp khôi phục bền vững rừng  Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 – 2020 ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vào ngày 20/6: Từ năm 2010 đến 2014 đất có rừng của 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) giảm 180.000 ha. Hơn 30 năm qua, Tây Nguyên mất trên 1,5 triệu ha rừng (chiếm 41% tổng diện tích rừng). Tại Hội nghị này, cùng với chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng thời nghiêm cấm không cho chuyển đổi mục đích đất rừng tự nhiên sang trồng các loại cây công nghiệp, cây ngắn ngày (kể cả những dự án đã phê duyệt).

Chưa đầy 1 tháng sau chỉ đạo của Thủ tướng, tháng 7/2016, UBND tỉnh Bình Phước đã đồng ý để một doanh nghiệp triển khai Dự án chăn nuôi kết hợp trồng cây cao su trên diện tích 575 ha. Doanh nghiệp đã rốt ráo đưa máy móc, nhân lực vào các khoảnh rừng tự nhiên có tuổi đời hàng trăm năm, chặt hạ không thương tiếc. Khu vực rừng bị chặt phá nhiều nhất là tiểu khu 69 của Nông trường Bù Đốp. Người dân nơi đây lấy làm khó hiểu trước những gì đang diễn ra và họ đã không ít lần khẩn cầu các cấp chính quyền cho dừng ngay việc chặt hạ cây rừng tự nhiên.

Trước sức ép của dư luận và yêu cầu chính đáng của người dân là giữ lấy những khoảnh rừng tự nhiên còn sót lại, trung tuần tháng 8-2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước ra quyết định đình chỉ Dự án  của doanh nghiệp nói trên. Tuy nhiên khi quyết định này được ban hành thì cũng là lúc các khoảnh rừng tự nhiên hàng trăm năm tuổi (trong đó có những cây đặc hữu) ở tiểu khu 69 bị biến thành bãi đất hoang. Hàng trăm ha rừng “biến mất” trong chưa đầy 1 tháng sau quyết định cho chuyển đổi mục đích đất rừng sang làm Dự án “chăn nuôi kết hợp trồng rừng” của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước.

“Bất ngờ khi thấy rừng bị phá!” – là ý kiến của ông Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án rừng lưu vực sông Bến Hải (BQLRBH). Phạm vi rừng lưu vực sông Bến Hải bị phá lên đến 10.000 ha/ 21.715, 95 ha mà đơn vị này được giao quản lý nhưng vụ phá rừng (được chính ông này thừa nhận là lớn nhất từ trước đến nay ở Quảng Trị) chỉ bị phát hiện nhờ báo chí và cơ quan chức năng tổ chức điều tra, truy quét vào những ngày đầu tháng 8/2016!.

Dù 2 cán bộ lãnh đạo Trạm quản lý bảo vệ rừng Vĩnh Hà đã bị đình chỉ công tác, 4 cán bộ khác phải viết giải trình thì dư luận vẫn đòi hỏi sự khuất tất trong vụ phá rừng này sớm được đưa ra ánh sáng bởi người đứng đầu lực lượng công an huyện Vĩnh Linh, trong cuộc họp liên ngành (được tổ chức sau đợt truy quét), đưa ra ý kiến“đã có sự móc ngoặc, tiếp tay của đối tượng xấu với những người được giao quản lý, tuần tra bảo vệ rừng!”. Có thể nói “lỗ hổng trong quản lý” hay “kẽ hở trong luật pháp” của vụ phá  đến ½ diện tích rừng được Nhà nước giao cho BQLRBH là khá rõ ràng, tuy nhiên để chứng minh “ai đó” tận dụng “lỗ hổng” hay kẽ hở không phải là việc dễ dàng.

Chuyện “đại ngàn chui lọt lỗ kim” có thể thấy rõ nhất qua vụ phá rừng pơ mu hàng trăm năm tuổi ở huyện biên giới Nam Giang của tỉnh Quảng Nam. Ngày 9/7, người dân phát hiện gần 300 phách gỗ pơ mu được tập kết cách Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Đắk Ốc chưa đầy 500 m. 115 phách gỗ pơ mu cũng được phát hiện cất giấu trong khuôn viên Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang.

Thống kê của cơ quan chức năng cho biết, ít nhất đã có 66 cây pơ mu bị đốn hạ ở khu vực rừng thuộc phạm vi bảo vệ của Biên phòng cửa khẩu Nam Giang. Trước vụ việc nghiêm trọng này, ngày 21/7, Tư lệnh lực lượng Biên phòng đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang và Chính trị viên đồn này kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Đắk Ốc. Có mặt tại hiện trường ngay sau khi vụ việc chặt hạ, cất giấu gỗ pơ mu bị phát hiện,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh thẳng thắn nêu ý kiến về sự bao che của cán bộ có trách nhiệm.

Ngày 21/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì cùng với Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Quảng Nam khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ phá rừng pơ mu.

Tiếp đó, ngày 22/7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam  ký văn bản gửi cơ quan chức năng nêu rõ: “Tình tiết vụ việc có dấu hiệu bao che, dung túng của cá nhân, tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ, gây hoài nghi, mất niềm tin trong nhân dân và tạo dư luận xã hội không tốt”.

Qua các vụ việc trên, có thể thấy “lỗ hổng” lớn nhất khiến “rừng đại ngàn chui lọt lỗ kim”, chính là sự tha hóa của cán bộ được giao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, hưởng lương từ tiền thuế của dân nhưng đã đánh mất niềm tin của dân. “Đối tượng  hưởng lương nhà nước, từ cán bộ cấp xã trở lên đều  từ tiền thuế của dân… Cán bộ thế nào, người dân biết hết cả…”.  Xin dẫn ra đây ý kiến và cũng là thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch cải cách giai đoạn 2016 – 2020 vào ngày hôm qua, 17/8.