200 hecta rừng phòng hộ bị “xơi tái” ở Thanh Hóa: Sử dụng nguồn vốn JICA phục vụ lợi ích nhóm?

ThienNhien.Net – Sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định chuyển mục đích sử dụng 200 hecta từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất – trồng cao su, BQL rừng Như Xuân là đơn vị được giao quản lý và sử dụng đất đã có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của Nhà nước. Việc làm đó có sự giúp đỡ “tích cực” của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa.

Con đường từ nguồn vốn vay của chính phủ Nhật Bản xuyên thẳng vào khu rừng phòng hộ.
Con đường từ nguồn vốn vay của chính phủ Nhật Bản xuyên thẳng vào khu rừng phòng hộ.

Những dấu hiệu bất thường

Như Báo PLVN điện tử đã thông tin, toàn bộ diện tích 200 hecta gồm 20 lô thuộc khoảnh 2,3,5 tiểu khu 629 và khoảnh 2,3 tiểu khu 639 thuộc địa phận xã Xuân Thái (huyện Như Thanh) đang thuộc sự quản lý của BQL rừng Như Xuân.

Khu rừng này có chức năng là rừng phòng hộ, giữ độ ẩm, nguồn nước cho Vườn Quốc gia Bến En. Kể từ năm 2011, khu rừng trở thành rừng sản xuất sau khi có Quyết định số 2643/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa do ông Nguyễn Đức Quyền, Thường vụ tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa ký.

Có “lá bùa hộ mệnh” trên, BQL rừng Như Xuân đã tự ý ký hợp đồng giao khoán đất sản xuất cho lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên của mình, động thái trên của cán bộ BQL liệu có trái luật?

Chúng tôi xin khẳng định rằng, rừng là tài sản của Nhà nước. Nếu không mang lại lợi ích lớn về kinh tế địa phương hoặc khu rừng mất đi chức năng của mình thì liệu ai dám ký quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng?

Từ cách hành xử “coi trời bằng vung” của các cán bộ BQL rừng Như Xuân, dư luận vô cùng đau xót và bức xúc. Câu hỏi đặt ra ở đây là có hay không lợi ích nhóm trong dự án chuyển đổi mục đích sử dụng 200 hecta rừng? Nếu không thì tại sao lại không giao cho dân trực tiếp sản xuất mà đi giao cho cán bộ, lãnh đạo? Còn số tiền Nhà nước hỗ trợ trồng cao su với giá 9.000.000 đồng/hecta hiện giờ ra sao trong khi các cán bộ, lãnh đạo này mới trồng có khoảng 50 hecta cao su?

Trong buổi làm việc PV, ông Nguyễn Hữu Sang, Chủ tịch UBND xã Xuân Thái (huyện Như Thanh) cho biết, những người nông dân trồng rừng trên địa bàn xã không hề được tiếp cận về chủ trương chuyển đổi việc sử dụng 200 ha rừng trên. Vậy nên nghịch lý xảy ra là những người nông dân từ nhiều đời nay sống bám với rừng, gắn bó một phần máu thịt với cánh rừng thân thương đó nếu có nhu cầu cũng không được cán bộ giao rừng!?

Ông Nguyễn Hữu Sang - Chủ tịch UBND xã Xuân Thái.
Ông Nguyễn Hữu Sang – Chủ tịch UBND xã Xuân Thái.

Nhưng vụ việc chưa dừng lại ở đây, quyết định 2643/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc chuyển đổi mục đích rừng cho BQL rừng Như Xuân trồng cao su nêu rõ, sau 01 năm kể từ khi được giao đất, nếu BQL rừng Như Xuân không trồng cao su theo đúng quy hoạch, kế hoạch, tiến độ thì phải trồng rừng lại như cũ. Đằng này, các cán bộ, lãnh đạo được giao khoán mới chỉ trồng khoảng 50 hecta cao su, còn lại là tự ý trồng keo tai tượng, thể hiện hành vi cố ý làm trái.

Cùng với việc “xin đất”, “giao đất”, và để yên vị, một lần nữa BQL rừng Như Xuân lại “cầu cứu” Sở NN&PTNT. Lúc này, ông Lê Văn Đốc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã “gỡ rối” bằng cách gửi tờ trình lên UBND tỉnh Thanh Hóa, trong đó “than vãn”: Thị trường mủ cao su có nhiều biến động, giá cao su liên tục ở mức thấp, để phát huy có hiệu quả sử dụng đất và tháo gỡ vướng mắc cho hộ gia đình nhận khoán,… đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét đồng ý cho các hộ nhận khoán của BQL rừng Như Xuân chuyển sang trồng cây keo tai tượng…

Nhận thấy vẫn có nhiều điểm chưa hợp lý trong tờ trình, nên ngày 25/8/2015 UBND tỉnh Thanh Hóa ra văn bản số 1991/UBND-NN yêu cầu Sở NN&PTNT rà soát lại, làm rõ những khó khăn vướng mắc trong việc trồng cao su. Kết quả là tính đến nay, UBND tỉnh vẫn chưa cho phép chuyển đổi cây keo thay thế cây cao su. Song thực tế ghi nhận, cây keo trong khu rừng 200 hecta đã lớn và xanh tốt.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Đốc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận: Mới chỉ trồng được khoảng 50ha cao su. Còn lại người ta (tức những cá nhân, là cán bộ, công chức được BQL rừng Như Xuân giao khoán) trồng keo hoặc bỏ hoang. Cũng theo ông Đốc, việc tự ý trồng keo như vậy là “sai”, song cũng có thể “thông cảm” bởi khi các hộ dân tiếp nhận dự án đúng vào thời điểm cao su mất giá, người nhận đất trồng cao su rất trăn trở nên diện tích cao su không đạt theo kế hoạch!

Ông Lê Văn Đốc cũng thừa nhận ông cũng nhận được một suất rừng ở đây và cho đứa cháu đứng tên để quản lý. Như vậy cũng không quá khó hiểu khi sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa đã rất “nhiệt tình” trong việc kết hợp với BQL rừng phòng hộ Như Xuân “xơi tái” 200ha rừng phòng hộ.

Sử dụng nguồn vốn JICA phục vụ lợi ích nhóm?

Bên cạnh những dấu hiệu sai phạm liên quan đến việc giao khoán đất, sử dụng sai mục đích chuyển đổi, dư luận địa phương lại thêm phần rất bức xúc bởi có một con đường bê tông rộng dài 2,3km xuất hiện trên địa bàn xã.

Người dân bức xúc là điều dễ hiểu bởi theo quan sát của PV, trên địa bàn xã nhiều nơi còn không có đường đi, trẻ em còn không có lối đến trường, người lớn không có lối sản xuất. Ấy vậy mà con đường bê tông to đẹp bền vững ấy chạy thẳng từ đường nhựa liên xã xuyên sâu vào khu rừng 200 hecta.

Theo tìm hiểu thì bên ngoài con đường, tức đoạn giáp với đường liên xã mới có lác đác nhà dân, còn lại nửa cuối con đường trở vào trong không có nhà dân, chỉ có khu rừng 200 hecta của cán bộ, lãnh đạo. Đây là con đường do tổ chức JICA2 – Nhật Bản tài trợ. Sở NN&PTNT cùng với JICA phối hợp với địa phương lựa chọn địa điểm..

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Đốc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đồng thời là Giám đốc BQL dự án JICA2 cho biết: Con đường này thuộc dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ”, có tổng kinh phí là 11.475.000.000 đồng. Nguồn vốn làm đường là từ nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng tỉnh”.

Thực tế thì con đường nói trên chạy xuyên vào cánh rừng rộng 200ha thì có thực sự vì lợi ích dân sinh theo đúng tinh thần sử dụng nguồn vốn JICA? Nói cách khác, lãnh đạo BQL dự án JICA2 – Nhật Bản có quyền lợi liên quan đến khu rừng 200 hecta này không?

Hiện tại khu rừng này đã được chuyển đổi sang rừng sản xuất, tức không còn là rừng phòng hộ nữa, vậy làm đường với ý nghĩa “Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ” có còn hợp lý?

Song, một thực tế là, kể từ khi có con đường vào khu rừng, giá đất rừng được rao chuyển nhượng đã tăng lên nhiều lần. Trong khi đó, người dân xã Xuân Thái đang không có đất sản xuất, thậm chí có nơi không có nổi một con đường bằng phẳng để đi…

Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc.