Khánh Hòa: Di dời dân tránh ô nhiễm môi trường

ThienNhien.Net – Khánh Hòa đang khẩn trương giải tỏa, tái định cư để lập vành đai cây xanh nhằm chống ô nhiễm từ Nhà máy tách cọng thuốc lá Khatoco.

Uỷ ban nhân dân thành phố Nha Trang sẽ thu hồi hơn 17.700 m2 đất của 64 hộ dân để làm dải cây xanh cách ly cụm công nghiệp Đắc Lộc với khu dân cư. Đây là những hộ dân ở sát Nhà máy tách cọng thuốc lá Khatoco, thuộc Tổng công ty Khánh Việt, nằm trong cụm công nghiệp Đắc Lộc – xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang.

Nhà máy này đi vào hoạt động từ năm 2013 đã phát sinh tiếng ồn, bụi, mùi hôi làm ảnh hưởng cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Người dân đã nhiều lần tập trung phản đối, yêu cầu Nhà máy ngừng hoạt động.

 Tường rào Nhà máy tách cọng thuốc lá Khatoco chỉ cách nhiều nhà dân chừng 1,2m (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Tường rào Nhà máy tách cọng thuốc lá Khatoco chỉ cách nhiều nhà dân chừng 1,2m (Ảnh: Tuổi Trẻ)

 

Sau khi đối thoại với bà con, Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã chọn giải pháp di dời, giải tỏa đưa người dân đến nơi ở mới. Một số hộ sau khi giải tỏa, diện tích còn lại lớn hơn 40 mét vuông cũng kiến nghị được tái định cư chỗ khác vì sợ mùi hôi.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang băn khoăn: “Nay người dân rất bức xúc, nhà máy tách cọng cũng đã khắc phục rất tốt. Nhưng thực tế qua cảm nhận của người dân vẫn còn mùi. Người dân thống nhất vào khu tái định cư. Nhưng vẫn băn khoăn nếu như những người ở lại còn mùi nữa thì tỉnh và thành phố sẽ xử lý như thế nào? 14 hộ có diện tích trên 40 mét vuông, theo quy định của pháp luật không được tái định cư. Người dân kiến nghị giải quyết tái định cư”.

Cụm công nghiệp Đắc Lộc được tỉnh Khánh Hòa đầu tư, đưa vào hoạt động từ năm 2010 trên diện tích hơn 34 ha. Hiện, tại đây có 18 dự án đã cấp phép đầu tư, trong đó có 15 dự án đi vào hoạt động. Tuy nằm sát khu dân cư, nhưng tại cụm công nghiệp này lại có các nhà máy hoạt động thải ra lượng lớn chất thải, bụi, mùi, tiếng ồn như: Nhà máy tách cọng thuốc lá, Nhà máy chế biến thủy sản, Nhà máy trộn bê tông.

Theo số liệu báo cáo của cơ quan chức năng, chỉ số môi trường đều nằm trong ngưỡng cho phép, nhưng người dân sống xung quanh vẫn luôn than phiền, bức xúc về tình trạng ô nhiễm tại cụm công nghiệp này.

Ông Mai Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết, do cụm công nghiệp nằm sát khu dân cư nên ngoài việc hình thành dải cây xanh cách ly rộng khoảng 50m, dài khoảng 1500m, thì ngay trong khuôn viên cụm công nghiệp cũng cần phải tăng thêm mật độ cây xanh.

Hiện nay, 2 khu tái định cư dành cho các hộ dân bị giải tỏa đã xây dựng xong chờ người dân đến ở. Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa với các cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa đề nghị khẩn trương tái định cư cho những hộ dân có diện tích còn lại sau thu hồi lớn hơn 40 mét vuông cũng như những hộ dân không có giấy tờ nguồn gốc đất.

Ông Nguyễn Tấn Tuân nói: “Người dân đã hy sinh bỏ làng, bỏ xóm để đi, về nơi ở mới phải tốt. Thu hồi xong phải khẩn trương trồng cây xanh, chúng ta không làm thì năng suất nhà máy mỗi ngày mỗi tăng, chắc chắn mùi và các bụi bặm của cụm công nghiệp sẽ ảnh hưởng đến các khu dân cư khác. Đừng để công nghiệp thì phát triển mà người dân lại khổ”.

Xây dựng cụm công nghiệp sát khu dân cư gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. Việc giải tỏa người dân để giữ lại cụm công nghiệp chỉ là giải pháp chữa cháy. Đây là bài học đắt giá đối với những địa phương có chủ trương phát triển các khu, cụm công nghiệp mà không tính hết yếu tố bảo vệ môi trường sống.