Dãy Trường Sơn là nơi trú ẩn cuối cùng của loài mang lớn

ThienNhien.Net – Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc Sở thú London (Zoological Society of London – ZSL), loài mang lớn (mang Vũ Quang –Muntiacus vuquangensis) đã từng lang thang khắp khu vực Châu Á trước khi bị con người săn bắt đến bờ vực tuyệt chủng sau kỷ Băng hà.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng dãy Trường Sơn thuộc Lào và Việt Nam là nơi trú ẩn cuối cùng của loài mang lớn – loài  động vật có vú đặc biệt đã tiến hóa dựa vào các điều kiện khác biệt của vùng này. Loài Sao La (Pseudoryx nghetinhensis) đang trong tình trạng cực kỳ nguy cấp cũng được cho là đã từng xuất hiện tại khu vực này.

Sao la (Ảnh: WWF)
Sao la (Ảnh: WWF)

Việc so sánh mẫu gạc của loài mang lớn được tìm thấy trong mười năm gần đây từ những khu di tích khảo cổ khắp miền đông và miền trung Trung Quốc cho thấy chúng từng xuất hiện từ 7.000 năm trước, và không hề có sự khác biệt với các mẫu đương đại.

Điều này khẳng định giả thuyết rằng loài này đã từng di cư tới nhiều lãnh thổ xa xôi hơn nữa như miền đông và đông nam Châu Á. Tuy nhiên, hoạt động của con người thời tiền sử gần như đã làm chúng tuyệt diệt. Giờ đây, chúng chỉ còn tồn tại lay lắt ở những khu vực sâu trong dãy Trường Sơn”.

Từ nghiên cứu này, các nhà khoa học hiện đang kêu gọi tái phân loại loài này là Muntiacus gigas. Nghiên cứu cũng hy vọng sẽ cho thấy rõ hơn những đòi hỏi về môi trường sống của các loài động vật này và thúc đẩy bảo tồn chúng trong tương lai.

Tại Châu Á, đa dạng sinh học phải đối mặt với những đe dọa nghiêm trọng từ hoạt động của con người. Lãnh thổ của nhiều loài động vật có vú đã bị thu hẹp một cách nhanh chóng, gây khó khăn cho các nhà khoa học muốn tìm hiểu về hệ sinh thái thật sự của các động vật này.