Vệ tinh và nguồn dữ liệu lớn có thể giúp bảo vệ đại dương

ThienNhien.Net – Những nỗ lực bảo tồn đại dương toàn cầu đang có những bước tiến triển vọng với hàng loạt các khu bảo tồn biển được thiết lập và hiệp ước mới của Liên Hợp Quốc về bảo tồn đa dạng sinh học biển đang được soạn thảo. Tuy nhiên, để thực thi các sáng kiến đầy tham vọng này, những công nghệ vệ tinh mới và nguồn dữ liệu trực tuyến cần phải được tận dụng.

Sơ đồ số lượng tầu trên biển trong năm 2015. (Ảnh: Global Fishing Watch)
Sơ đồ số lượng tầu trên biển trong năm 2015. (Ảnh: Global Fishing Watch)

Trong thế kỷ qua, khai thác hải sản quá mức, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, và tốc độ phát triển chóng mặt tại các vùng duyên hải đã gây ra thiệt hại rất lớn cho các đại dương trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, hai bước tiến quan trọng trong công tác quản trị đại dương toàn cầu đang âm thầm diễn ra, đem lại niềm hy vọng rằng những thập niên đầu thế kỷ 21 sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong công cuộc khôi phục lại các vùng biển trên thế giới.

Bước tiến đầy khích lệ đầu tiên là phong trào thiết lập khu bảo tồn biển với quy mô lớn chưa từng có diễn ra tại các nước trên thế giới. Trong số đó, lớn nhất là Khu bảo tồn Biển đảo Pitcairn, với diện tích gấp 3,5 lần Vương quốc Anh, và lớn hơn 100.000 lần so với diện tích trung bình của một khu bảo tồn đại dương trước đó. 19 khu bảo tồn biển khổng lồ đã được thành lập hoặc công bố trong sáu năm qua có tổng diện tích lớn hơn tất cả các khu bảo tồn đại dương trước đây. Nhiều khu bảo tồn biển lớn hiện nay được cho là sẽ góp phần bảo vệ thêm khoảng hơn 2 nghìn tỷ km2 diện tích đại dương.

Bước tiến quan trọng thứ hai là hiệp ước hiện đang được Liên Hợp Quốc biên soạn. Đây sẽ là hiệp ước đầu tiên quản lý đa dạng sinh học trên khắp các vùng biển – khu vực ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mỗi quốc gia. Hiệp ước Liên Hợp Quốc về đại dương sắp tới sẽ đặt ra quy định mới cho vùng biển có tổng diện tích gấp 22 lần so với Hoa Kỳ, tập trung vào bảo tồn đa dạng sinh học biển, thành lập khu bảo tồn biển quốc tế, đánh giá các quy trình chia sẻ các nguồn tài nguyên di truyền biển, và cách thức tiến hành đánh giá tác động môi trường một cách hiệu quả.

Những chính sách mới táo bạo này cho thấy các nhà hoạch định chính sách cuối cùng cũng đã cam kết hành động một cách quyết đoán để đón đầu công cuộc công nghiệp hóa trên biển – điều mà loài người đã thất bại khi công cuộc công nghiệp hóa diễn ra trên đất liền.

Những đổi mới và phát triển công nghệ gần đây khiến việc đưa ngành nông nghiệp, khai thác mỏ, sản xuất điện, và thậm chí quản lý trung tâm dữ liệu xuống dưới lòng đại dương trở nên hoàn toàn khả thi. Phạm vi và tầm quan trọng của việc tăng cường khai thác đại dương là không hề phóng đại.

Các chiến dịch mở rộng khu bảo tồn biển và cải thiện sâu rộng quản trị đại dương quốc tế đã diễn ra rất sôi động. Nhưng cả hai biến chuyển quan trọng về chính sách này đều có chung một điểm yếu là luật chỉ có ý nghĩa khi đảm bảo được sự tuân thủ.

Những chuyển biến chính sách mới này có hiệu lực trên những diện tích rộng lớn, nơi việc giám sát vẫn đang được thực hiện bằng thuyền, máy bay, và các hình thức quan sát đại dương đã lỗi thời như kính lục phân. Nếu không có hệ thống vạch ra ranh giới, các khu bảo tồn biển lớn rồi rốt cuộc cũng sẽ chỉ tồn tại trên giấy tờ. Tương tự, những nỗ lực kiểm soát các hoạt động khai thác đa dạng sinh học biển thông qua hiệp ước của Liên Hợp Quốc mới cũng chỉ hiệu quả nếu có thể giám sát được những gì đang xảy ra tại những đại dương xa xôi, rộng lớn.

Tuy nhiên, cũng giống như việc đổi mới công nghệ đang thúc đẩy sự phát triển trong lòng đại dương một cách nhanh chóng, các giải pháp công nghệ hiện đại cũng có thể là một phần quan trọng giúp đảm bảo rằng cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra trên biển sẽ diễn ra một cách có trách nhiệm và thông minh. Những giải pháp này khi được đặt vào tay không chỉ chính phủ mà cả các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các nhóm môi trường, sẽ hứa hẹn một kỷ nguyên mới, nơi con người có thể chủ động quan sát và lập kế hoạch một cách có trách nhiệm cho những hành động diễn ra tại các vùng biển trên thế giới.

Sử dụng các cảm biến kết nối vệ tinh và các công cụ xử lý dữ liệu là một giải pháp quan trọng có thể giúp theo dõi việc tàu biển hoạt động trên đại dương một cách dễ dàng như theo dõi chiếc taxi Uber đi trong thành phố. Tương tự như máy bay, ngày càng có nhiều tàu biển mang cảm biến truyền phát tín hiệu về vị trí của mình để tránh va chạm. Những dữ liệu này có thể được tận dụng để phát hiện nơi đánh bắt cá công nghiệp tập trung, thăm dò khai thác khoáng sản đáy biển, và so sánh đường đi của tàu hàng với hướng di cư của cá voi.

Hình ảnh vệ tinh phân giải cao chụp lại bờ biển Đài Loan. (Ảnh: Planet Lab)
Hình ảnh vệ tinh phân giải cao chụp lại bờ biển Đài Loan. (Ảnh: Planet Lab)

Thay vì coi đại dương là một hố dữ liệu đen, thử thách mới của chúng ta là tìm ra cách sàng lọc dữ liệu một cách thông minh và hiệu quả. May mắn thay, các thuật toán thông minh gần đây có thể giúp lọc ra các hoạt động cụ thể của tàu biển từ nguồn dữ liệu lớn này.

Câu hỏi quan trọng trước mắt là liệu các chính phủ có nhận ra giá trị của nguồn dữ liệu này và hành động theo lời kêu gọi của cộng đồng khoa học, yêu cầu các tàu lắp cảm biến quan sát và sử dụng chúng đúng cách hay không. Ước tính, đã có khoảng 70% các tàu đánh cá lớn trên toàn thế giới được trang bị hệ thống theo dõi công khai. Đáng tiếc là một số thuyền trưởng đã lẩn tránh công cụ này bằng cách tắt hệ thống đi sau khi rời cảng hoặc không nhập thông tin nhận dạng tàu thích hợp vào hệ thống. Tất cả các trường hợp không tuân thủ như vậy có thể dễ dàng được phát hiện bằng cách xử lý dữ liệu lớn. Hình ảnh vệ tinh có thể ghi lại những hành vi vi phạm pháp luật trên biển bởi chúng hoạt động như camera ánh sáng đỏ trong không gian. Nếu như các nhà chính trị quyết tâm lấp những lỗ hổng luật pháp, thì công nghệ quan sát này có thể soi sáng rất nhiều vùng đại dương tối tăm.

Cùng với các vệ tinh theo dõi tàu trong không gian là một hạm đội vệ tinh nano khác đang phát triển rất nhanh, liên tục chụp ảnh trái đất với độ phân giải cao. Công nghệ này hứa hẹn sẽ trở thành một mảnh ghép quan trọng trong ô chữ quan sát đại dương. Mục tiêu của hạm đội mắt điện tử siêu nhỏ là mỗi ngày sẽ tạo ra một bản chụp toàn cảnh trái đất với độ phân giải cao. Các vệ tinh chụp ảnh mới này có thể sớm cho phép các nhà sinh thái học biển, các nhóm bảo tồn đại dương, và các nhà quản lý khu vực biển tìm kiếm các tàu trong khu bảo tồn biển, giám sát thiệt hại của rừng ngập mặn ven biển hàng tuần (thậm chí hàng ngày), và ghi lại những mối nguy hại cho các rạn san hô, như việc nạo vét san hô. Thông tin từ hệ thống theo dõi tàu có thể sẽ liên kết với các vệ tinh hình ảnh, giúp ghi lại hình ảnh những vi phạm pháp luật trên biển nếu có.

Không phải tất cả những quan sát đại dương thế hệ sau đều phải dựa vào không gian vũ trụ. Hệ thống công nghệ giám sát hàng hải mới đang ngày càng phổ biến và cũng rất hữu ích. Máy bay không người lái trên không đang bắt đầu được sử dụng để tuần tra vùng biển ven bờ. Hạm đội tàu bay không người lái có thể quan sát và giúp theo dõi tình trạng các tài nguyên biển, cũng như hành vi của những người khai thác chúng. Radar và thiết bị ghi âm tiếng ồn trên thuyền cũng có thể sẽ được tận dụng.

Để giám sát và kiểm soát hoạt động công nghiệp hóa đại dương một cách hiệu quả, việc công khai các dữ liệu quan sát đại dương mới kể trên là rất cần thiết. Trước đây, việc nắm bắt được thông tin về những gì đã xảy ra trên biển chỉ thuộc phạm vi thuyền trưởng. Đến nay, bất cứ ai cũng có thể nắm bắt thông tin tại những vùng đại dương xa xôi nhất chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh. Ví dụ, hệ thống Global Fishing Watch năm qua đã cho ra mắt một sản phẩm cho phép bất kì ai đều có thể xem và tương tác miễn phí với dữ liệu về hoạt động đánh bắt cá ở các đại dương trên toàn cầu. Planet Labs, một tổ chức mới quản lý các nhóm vệ tinh nano quan sát trái đất lớn nhất gần đây đã thiết lập một thư viện miễn phí cập nhật liên tục các hình ảnh của toàn bộ diện tích California – bao gồm các cửa sông, vịnh, rừng tảo bẹ và các vùng nước ven biển.

Thách thức trước mắt của một kỷ nguyên mới với nỗ lực cải thiện và mở rộng quản lý đại dương là đảm bảo các chính sách mới thực sự được thực thi. Các khu bảo tồn phải thực sự hoạt động và các hiệp ước phải được thực hiện. Điều này cần sớm được thực hiện nếu chúng ta muốn các đại dương tiếp tục cung cấp thực phẩm, năng lượng, và kỳ quan cho con người.