Cái chết được báo trước

ThienNhien.Net – Doanh nghiệp khai thác khoáng sản hưởng lợi nhưng người dân lãnh hậu quả vì tài nguyên chẳng thể sinh sôi, khi bị khai thác sẽ ngày càng cạn kiệt

Sự cố vỡ hồ chứa nước khai thác titan ở Bình Thuận đã kết nối với hiện tượng cá chết hàng loạt ven biển miền Trung thành một chuỗi sự cố môi trường làm nóng công luận những ngày qua.

Báo động về an toàn

Theo thông tin báo chí, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã xảy ra ít nhất 3 vụ vỡ hồ chứa nước và chất thải từ khai thác titan. Vụ việc mới nhất xảy ra vào rạng sáng 16-6 tại khu khai thác titan của Công ty TNHH Tân Quang Cường một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về mức độ an toàn của các điểm khai thác khoáng sản.

Bờ biển tỉnh Bình Định bị băm nát bởi các doanh nghiệp khai thác titan (Ảnh: Anh Tú)
Bờ biển tỉnh Bình Định bị băm nát bởi các doanh nghiệp khai thác titan (Ảnh: Anh Tú)

Có thể khẳng định vỡ hồ chứa nước khai thác titan, thành phần chất thải không độc hại nghiêm trọng như là bùn đỏ (bauxite). Ở Bình Thuận, các doanh nghiệp khai thác titan sau khi tuyển tại chỗ chứa khoảng 60%-65% ilmenite nguyên khai. Ilmenite này chứa 95% khoáng vật có ích và sẽ được tiếp tục tuyển tinh tại các nhà máy bằng phương pháp tuyển từ, tuyển điện để thu hồi quặng tinh (trên 52% TiO2) và một số loại quặng phụ khác (zircol, rutil, monazite…).

Trước đây, ở Bình Thuận, người ta thường sử dụng nước ngầm để tuyển ilmenite. Nhưng với vụ việc trên, không rõ hồ chứa ở đây là hồ nhân tạo chứa nước để phục vụ khai thác nhưng sao lại chứa cả bùn từ quá trình tuyển quặng?

Bùn đỏ trong nước thải từ quá trình tuyển khoáng ilmenite chủ yếu là bùn đất sét, chứa một số độc tố và kim loại nặng có sẵn trong quặng nguyên khai. Khi bùn này chảy tràn thì sẽ tác động mạnh đến môi trường sinh thái khu vực. Không dễ làm sạch hoặc thu gom bùn. Nước bùn đỏ này và nếu rửa trôi thì sẽ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, ao hồ và sông suối, làm chết cá, tôm và cả cây cối. Bùn này cũng sẽ gây hại đến sức khỏe con người. Ngoài ra, quặng titan có khi còn chứa chất phóng xạ như quặng ilmenite ở Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Hồ chứa nước khai thác titan bị vỡ có sức chứa khoảng 180.000 m3 nhưng bờ hồ chỉ đắp bằng đất cát, không kiên cố. Lượng cát khổng lồ từ trên cao đổ xuống vùi lấp một đoạn đường dài khoảng 300 m, dày đến nửa mét gây tắc đường và làm hư hại vườn tược, nhà hàng du lịch. Lượng cát và bùn đỏ bị cuốn ra biển Thuận Quý, nhuộm đỏ vùng nước biển ven bờ khoảng 2 km.

Chưa bao giờ nghiêm trọng như hiện nay

Các dự án khai thác tài nguyên như titan đều phải có giấy phép của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cùng báo cáo đánh giá tác động môi trường của Tổng cục Môi trường. Vỡ hồ chứa nước khai thác titan nhiều lần chắc chắn còn có nguyên do từ những lỗ hổng trong quy trình giám sát việc khai thác titan. Ở đây, cơ quan giám sát trực tiếp là chính quyền địa phương.

Có vẻ như câu nói cửa miệng của các cơ quan chức năng khi sự cố môi trường xảy ra và được coi là tấm khiên chống đỡ búa rìu dư luận là tất cả “đều đúng quy trình, sẽ rút kinh nghiệm”. Điều tệ hại nhất bấy lâu nay là quy trình cấp phép khai thác khoáng sản dễ dãi, các doanh nghiệp chỉ chăm chăm đào bới lấy tài nguyên, phá hoại môi trường, để lại hậu quả cho các thế hệ tương lai gánh chịu. Nhiều người có trách nhiệm quản lý, điều hành không nhận thức đầy đủ về sự chuyển hướng của các nền kinh tế tiên tiến. Nhiều quốc gia đã rất hạn chế, thậm chí là không cho khai thác tài nguyên quốc gia đem bán mà đầu tư vào phát triển kinh tế tri thức. Nguồn tài nguyên quốc gia sẽ chẳng thể sinh sôi mà bị khai thác sẽ ngày càng cạn kiệt.

Trước sự cố vỡ bờ bao hồ chứa nước khai thác titan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo tạm dừng ngay mọi hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Tân Quang Cường và xử lý nghiêm những sai phạm. Có thể nói, chưa bao giờ ô nhiễm môi trường do sản xuất và khai thác khoáng sản ở nước ta lại trầm trọng như hiện nay. Những cái chết được báo trước ấy càng làm cho cuộc sống của người dân thêm khốn khổ. Bùn bauxite và bây giờ là nước khai thác titan… đã cho thấy một thực trạng đau lòng: Lợi nhuận doanh nghiệp hưởng nhưng hậu quả người dân phải gánh lấy!

“Đúng quy trình, xin rút kinh nghiệm” là câu nói cửa miệng và dễ dàng thốt ra của không ít cán bộ nhưng đối với người dân, một lần “đúng quy trình, xin rút kinh nghiệm” là một lần họ phải khổ, phải trả giá đắt, thậm chí là di hại đến cả thế hệ con cái.