Đa dạng sinh học giúp cá ở các rạn san hô chống chọi tốt hơn với BĐKH

ThienNhien.Net – Nghiên cứu mới đã khẳng định rằng đa dạng sinh học có thể giúp cá ở các rạn san hô vượt qua được những tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu. Kết luận này được đưa ra bởi nhóm nghiên cứu do Mạng lưới giám sát biển Tennenbaum của Viện Smithsonian (Hoa Kỳ) chủ trì, mới được công bố trên Tạp chí của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích dữ liệu từ hơn 4.500 mẫu cá tại các rạn san hô trên thế giới nhằm so sánh những tác động của đa dạng sinh học và các yếu tố môi trường khác lên sinh khối cá ở các rạn san hô trên toàn cầu. Kết quả cho thấy đa dạng sinh học, tính bằng số lượng của các loài (đa dạng loài) và sự đa dạng của các đặc tính (đa dạng chức năng) trong một hệ thống rạn san hô là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến sinh khối cá, đứng thứ hai sau yếu tố nhiệt độ mặt biển.

Đa dạng sinh học giúp cá ở các rạn san hô chống chọi tốt hơn với BĐKH (Rạn san hô ở Raja Ampat, West Papua - Ảnh: Rick Stuart-Smith)
Đa dạng sinh học giúp cá ở các rạn san hô chống chọi tốt hơn với BĐKH (Rạn san hô ở Raja Ampat, West Papua – Ảnh: Rick Stuart-Smith)

Tác động trực tiếp của việc phát thải khí carbon là khiến bề mặt Trái Đất nóng lên, nhiều axit trong nước biển, gây ra hiện tượng tẩy trắng các rạn san hô trên thế giới. Trong một nghiên cứu công bố hồi tháng trước, các nhà khoa học cho hay 99 % các rạn san hô được khảo sát ở Great Barrier Reef (Úc) đã bị ảnh hưởng bởi hiện tượng tẩy trắng san hô. Hiện tượng tẩy trắng này cũng xảy ra đối với các rạn san hô tại các hòn đảo ở Thái Bình Dương, Hawaii, Vanuatu, American Samoa, Fiji và một số khu vực ở biển Caribbean, Florida Keys và Ấn Độ Dương.

Cũng theo một nghiên cứu khác công bố mới đây, hơn một phần tư các rạn san hô trên thế giới đang bị suy giảm do khai thác quá mức, chất thải bồi lắng và chịu các sức ép khác do con người gây ra như biến đổi khí hậu. Điều này dẫn đến sự suy giảm mạnh số lượng các loài cá tại các rạn san hô trên toàn thế giới, điều mà các nhà khoa học lo ngại từ lâu.

Nghiên cứu mới đã giúp giải đáp câu hỏi rằng liệu đa dạng sinh học có thể giúp chống lại các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn hải sản đang cung cấp sinh kế, lương thực cho hàng triệu người.

Ông Emmett Duffy, Giám đốc Mạng lưới Giám sát biển Tennenbaum, trưởng nhóm – đã cùng nhóm nghiên cứu đánh giá 11 yếu tố môi trường khác nhau để xác định những yếu tố này ảnh hưởng như thế nào tới tổng sinh khối cá và đá ở các rạn san hô trên toàn thế giới. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng sự phong phú các loài ảnh hưởng là yếu tố quan trọng thứ hai ảnh hưởng tới sinh khối cá ở các rạn san hô chỉ sau nhiệt độ.

Theo ông Duffy, nghiên cứu này đã cung cấp những bằng chứng cụ thể nhất cho thấy việc bảo tồn đa dạng sinh học biển sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho con người cũng như các đại dương và sinh vật biển.

“Bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ mang giá trị về mặt thẩm mỹ hay tinh thần, mà góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sức khỏe của các hệ sinh thái cùng những dịch vụ mà các hệ sinh thái cung cấp cho con người, như hải sản chẳng hạn.” – Ông Duffy cho biết.

Mối liên hệ giữa nhiệt độ với sinh khối cá cũng rất phức tạp, nhiệt độ nước biển ấm hơn có xu hướng giúp gia tăng sinh khối cá nhưng sự biến động nhiệt độ lớn lại có tác động ngược lại.

Các nhà khoa học cũng nhận thấy đa dạng sinh học giúp cho quần thể cá có khả năng chống lại biến đổi khí hậu tốt hơn. Trong quần thể có rất ít loài cá, sinh khối có xu hướng gia tăng khi nhiệt độ nước biển ấm lên đến dưới 20 độ C; và đạt tới mức nhiệt độ này sinh khối cá rạn san hộ lại bắt đầu giảm. Nhưng các quần thể với số lượng loài cá lớn thì một số lượng lớn các loài vẫn ổn định ngay cả khi nhiệt độ tăng cao.

Ở cả hai quần thể cá tại các rạn san hô với độ đa dạng cao hay thấp đều sẽ sinh sản kém hiệu quả hơn khi có sự biến đổi về nhiệt độ, tuy nhiên, quần thể có độ đa dạng cao chỉ chịu tác động bằng một nửa quản thể còn lại.

Phát hiện của nhóm nghiên cứu cho thấy đa dạng sinh học có thể giúp các quần thể sống tại các rạn san hô chống lại các tác động của biến đổi khí hậu bằng việc giúp tăng khả năng sinh sản và sức chống chịu.