Phục hồi môi trường và đa dạng sinh học đảo Bạch Long Vỹ

ThienNhien.Net – Bạch Long Vĩ (Vỹ) là một huyện đảo thuộc thành phố Hải Phòng, nằm trên hòn đảo cùng tên với diện tích khoảng 2,5km2 khi có thủy triều lên và khoảng 4km2 khi thủy triều xuống.

Với vị trí địa chính trị có tầm quan trọng chiến lược, đảo Bạch Long Vĩ được xác định là một trong những đảo tiền tiêu trên Vịnh Bắc Bộ.

060616_bachlongvy
Đảo Bạch Long Vĩ (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Trong những năm gần đây, việc phát triển kinh tế biển đã góp phần nâng cao thu nhập cho ngư dân. Nhưng việc khai thác các nguồn lợi biển quá mức đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và suy giảm nhiều loài sinh cảnh biển, gây tác động đến nguồn sinh kế của cộng đồng ngư dân tại đây.

Hệ sinh vật tiêu biểu và đa dạng

Theo đánh giá của phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, khu hệ sinh vật khu vực quanh đảo Bạch Long Vĩ phát triển tương đối phong phú, dựa trên sự tồn tại của hệ sinh thái rạn san hô được đánh giá là một trong những vùng rạn san hô tốt nhất ở vùng biển phía Bắc Việt Nam.

Các rạn san hô quanh đảo bạch Long Vỹ cung cấp nơi sinh cư và nơi kiếm ăn cho các loài động, thực vật biển, là điều kiện duy trì và phát triển nguồn lợi sinh vật biển cho đảo Bạch Long Vĩ nói riêng và khu vực Vịnh Bắc Bộ nói chung.

Với vai trò, vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo Bạch Long Vĩ được đánh giá là một trong những vùng biển ở Việt Nam có mức độ đa dạng sinh học cao, hệ sinh thái rạn san hô phong phú và nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Đặc biệt nhất ở đây là hệ sinh thái rạn đá-san hô, hệ sinh thái quan trọng trong vùng biển ven đảo Bạch Long Vĩ đã được điều tra tương đối đầy đủ. Hệ sinh thái san hô phân bố hầu khắp bốn xung quanh đảo với mức độ khác nhau về thành phần loài và độ phủ.

Sâu hơn nữa là đáy bùn cát, nơi có nhiều san hô mềm và cỏ biển phân bố nhưng chưa được điều tra kỹ. Diện tích phân bố ước tính khoảng 5km2, phạm vi vươn xuống sâu từ 0m đến khoảng 25m nhờ có độ trong của nước cao, có chỗ vươn xa tới 1.500m. Thành phần loài của khu hệ động thực vật trên vùng rạn rất phong phú và đa dạng.

Cho đến nay, đã thống kê được 94 loài san hô thuộc 27 giống, 12 họ. Về phân bố thành phần loài và độ phủ, rạn ở phía Tây Bắc đảo có số lượng loài cao hơn, 81 loài, độ phủ đạt tới 94% bề mặt đáy ở vùng sát bờ. Số lượng loài và độ phủ giảm dần về hai phía quanh đảo, thấp nhất là phía Nam đảo mới ghi nhận được 16 loài, độ phủ chỉ đạt 2,6%.

Ngoài san hô, các nhóm sinh vật khác như rong cỏ biển đã ghi nhận được 65 loài rong và 1 loài cỏ biển; động vật đáy 125 loài. Trong số này nhiều loài có giá trị kinh tế quan trọng, đặc biệt là loài bào ngư, sản lượng có năm đạt tới 50 tấn, nhưng do khai thác quá mức và liên tục nên sản lượng giảm xuống còn vài tấn trong những năm gần đây.

Một số nhóm sinh vật khác sống trôi nổi trong tầng nước phía trên rạn cũng đã được nghiên cứu và thống kê như thực vật phù du với 227 loài; động vật phù du 110 loài, thuộc về 5 ngành, 5 lớp, 13 bộ, 33 họ và 53 giống; nguồn giống tôm, trứng cá-cá con với 14 nhóm họ tôm và 8 họ cá bột; cá biển 451 loài, trong đó có 58 loài cá san hô.

Có 17 loài thực vật ngập mặn thuộc nhóm chịu mặn, nhóm nội địa và nhóm gia nhập, trong đó hai nhóm sau có số loài là 6, nhóm đầu tiên có số loài là 5 như các họ mắm, họ đước, họ cỏ gà, họ rau muống biển.

Thực vật ngập mặn ở Bạch Long Vĩ chỉ phân bố ở vùng triều cao và trên triều. Vùng đáy cát phía Nam đảo chủ yếu có rau muống biển và cỏ gà, trên nền sỏi đá phía Tây có dứa dại, xương rồng và cỏ lào. Nhưng đến năm 2009, diện tích rừng ngập mặn trên đã bị mất do xói lở, chỉ còn lác đác vài cây.

Động vật đáy với 125 loài động vật đáy ở vùng nước quanh đảo Bạch Long Vĩ, nhóm thân mềm chiếm ưu thế tuyệt đối trong cấu trúc hệ động vật đáy (95 loài thuộc 37 họ, chiếm 76,0% tổng số loài). Tiếp đến là giáp xác: 16 loài thuộc 6 họ, chiếm 12,8%; da gai 8 loài, 5 họ chiếm 6,4%. Cuối cùng là giun đốt, 6 loài, thuộc 5 họ, chiếm 4,8%.

Nguồn lợi sinh vật phù du ở khu vực này khá phong phú với 227 loài thực vật phù du và 110 loài động vật phù du đã được phát hiện. Số lượng loài động vật phù du cao nhất đã được phát hiện ở đây là khoảng 110 loài, thuộc về 5 ngành, 5 lớp, 13 bộ, 33 họ và 56 giống, bằng khoảng 60,5% so với toàn Vịnh Bắc Bộ.

Ngư dân trên đảo cho biết vùng nước quanh Bạch Long Vĩ thỉnh thoảng có rùa biển lên các bãi cát đẻ trứng với số lượng không nhiều (khoảng 1-2 cá thể/năm). Ngoài ra cá heo đôi lúc cũng bị mắc lưới của ngư dân hoặc chết và trôi dạt vào bờ.

Những giải pháp khả thi

Tuy đảo Bạch Long Vĩ rất nhỏ nhưng lại có nhiều tiềm năng lớn. Đó là chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo tồn biển và phát triển nuôi trồng hải sản, tương lai không xa là phát triển du lịch, dịch vụ dầu khí, hàng hải, cứu hộ, cứu nạn… Tuy vậy, sau 16 năm xây dựng và phát triển huyện đảo đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng lớn đến môi trường và bảo tồn biển khu vực huyện đảo này.

Về chế biến, hiện chỉ có một xưởng sản xuất bột cá công suất 80 tấn/ngày nhưng đã gây bức xúc lớn trên địa bàn do hôi thối, rác bẩn và nước thải. Trung bình mỗi năm có từ 300-1.000 tàu thuyền vào neo đậu trong âu cảng và khu vực ven bờ gây ô nhiễm nặng cho khu vực.

Do chưa quản lý tốt và chưa có cơ chế đủ mạnh, nêu hầu hết các tàu, thuyền thường xả rác và nước thải, dầu thải trực tiếp xuống lòng âu và ven bờ đảo. Tình trạng dùng chất nổ khai thác thủy sản chưa được ngăn chặn triệt để, khu bảo vệ nguồn lợi 6m nước thường xuyên có nhiều lao động dùng thiết bị lặn khai thác bào ngư vào ban đêm. Hiện tượng tàu thu mua của địa phương khác đến khai thác san hô đen vẫn diễn ra, nếu không có biện pháp quản lý tốt sẽ gây hại cho các rạn san hô quanh đảo.

Cho đến nay huyện đảo chưa có được một đội tàu đánh bắt và khai thác hải sản chuyên dụng. Tiềm năng mặt nước để phục vụ phát triển nuôi trồng thuỷ sản cũng còn bỏ ngỏ, chưa được quan tâm, định hướng và có quy hoạch rõ ràng.

Nghề cá của ngư dân trên đảo chưa được tổ chức hợp lý, chưa đủ khả năng đóng thuyền lớn vươn khơi mà đánh bắt ven bờ, hiệu quả thấp. Chỉ 8 hộ có thuyền máy với 12 máy, tổng công suất 78CV (mỗi máy từ 6-15CV). Khoảng 20 hộ còn lại chỉ sắm được thuyền nan nhỏ đánh bắt hải sản sát ven đảo, bán hàng rong trong âu tàu.

Thạc sỹ Trần Thị Thúy Nga, Trường Cao đẳng Kinh tế và Thương mại cho rằng sóng bão là một trong những tai biến môi trường có tính rủi ro cao nhất đối với khu vực đảo Bạch Long Vĩ, do nằm xa đất liền và thường là điểm đầu tiên chịu tác động của bão khi chúng di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ. Chính vì vậy, việc trồng lại rừng trên đảo là một trong những ưu tiên cần làm để chống xói lở đất.

Giải pháp đầu tiên là trồng các cây thân gỗ, cây lâu năm để phủ xanh diện tích đồi trọc. Đối với việc phát triển trồng rừng phòng hộ ven biển cần tiến hành trồng đa loài và theo tầng nhằm hạn chế tối đa tác động của sóng biển vào đường bờ. Một số khu vực có rạn san hô đã bị phá hủy do các hoạt động đánh bắt hủy diệt trước đây cũng cần trồng phục hồi, nhằm mở rộng các rạn san hô tự nhiên – bức tường thành chắn sóng cho đảo, đồng thời duy trì và phát triển được tính đa dạng sinh học cho vùng biển, đảo.

Các nguồn thải do các hoạt động phát triển trên đảo và hoạt động của tàu, thuyền đánh cá, các rủi ro về sự cố tràn dầu, khai thác quá mức… cũng cần sớm được quản lý thông qua việc nâng cao quản lý chuyên ngành.

Đi đôi với việc tăng cường công tác nghiên cứu khoa học trong phạm vi Khu bảo tồn biển của đảo Bạch Long Vĩ, nhằm phát hiện ra các bãi giống, bãi đẻ của các loài hải sản từ đó có thể đề ra các biện pháp quản lý hữu hiệu hơn, cần ưu tiên triển khai các nghiên cứu mang tính hỗ trợ kỹ thuật như hoàn thiện, hoặc xây dựng các quy trình công nghệ phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản các loài quý hiếm, các loài có giá trị kinh tế cao như bào ngư, tôm hùm, hải sâm…; nghiên cứu các biện pháp phục hồi các hệ sinh thái đặc trưng như san hô, nhằm phục vụ công tác bảo tồn; từng bước xây dựng các mô hình phát triển du lịch sinh thái ít gây hại tới môi trường, thông qua việc sớm quy hoạch các hoạt động du lịch và tuyến, điểm du lịch biển phù hợp.

Giải pháp về tài chính, thu hút các dự án đầu từ vào đảo Bạch Long Vĩ theo nguyên tắc ít sử dụng tài nguyên thiên nhiên tại chỗ nhất, công nghệ tiên tiến, không làm ô nhiễm đến môi trường của đảo.

Theo nguyên tắc này cần ưu tiên phát triển các dự án phát triển các loại hình du lịch sinh thái, lấy công tác bảo tồn và sự phát triển hài hòa giữa con người và tự nhiên làm thước đo cho các hoạt động của dự án; giảm thiểu sức ép khai thác đến môi trường tự nhiên quanh đảo thông qua việc áp dụng hàng loạt các biện pháp như đào tạo, chuyển đổi nghề mới cho các cộng đồng dân cư địa phương, cho vay vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình, thu hút người dân địa phương tham gia các hoạt động du lịch và bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người dân trên đảo; đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo tồn (trích một phần từ phí tham quan du lịch sinh thái, đóng góp từ các tổ chức phi chính phủ) và tiến hành từng bước xã hội hóa công tác bảo tồn.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng nên xúc tiến việc tham gia các mạng lưới, tổ chức quốc tế về bảo tồn tự nhiên nhằm quảng bá hình ảnh của đảo Bạch Long Vĩ ra thế giới, để thu hút khách du lịch, trao đổi học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin tư liệu, học tập và đào tạo cán bộ nhằm nâng cao nghiệp vụ và năng lực quản lý.

Mặt khác, tìm cơ hội và thu hút các dự án đầu tư vào bảo vệ tự nhiên, phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư bảo vệ, phát triển các giá trị của đảo; hỗ trợ cộng đồng phát triển kinh tế, chuyển đổi ngành nghề hoặc phát triển ngành nghề mới đảm bảo cuộc sống, giảm sức ép tới môi trường và khả năng tổn hại tới khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ.