Báo động nguy cơ tuyệt chủng hổ tự nhiên ở Việt Nam

ThienNhien.Net – Từ 12-14/4, Hội nghị Bộ trưởng châu Á lần thứ 3 về bảo tồn hổ diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ nhằm đánh giá lại các kết quả đã đạt được cũng như diễn tiến của của các quốc gia trong việc thực hiện mục tiêu TX2 (tăng gấp đôi số hổ hoang dã vào năm Nhâm Dần 2022).

Nguy cơ tuyệt chủng

Trước thềm Hội nghị, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa ra báo cáo về số lượng hổ hoang dã. Lần đầu tiên trong 1 thập kỷ qua, hổ hoang dã đã tăng.

Trước năm 1900, trên thế giới có khoảng 100.000 con hổ, trong vòng 1 thập kỷ qua, con số này đã giảm 97%. Năm 2010, ước tính có khoảng 3.200 con sinh sống.

Báo cáo mới nhất từ điều tra của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thống kê số lượng hổ hiện tại là 3.890 con.

Con số đáng mừng này được cho là nhờ có sự gia tăng số lượng hổ tại Ấn Độ, Nga, Nepal và Bhutan cũng như có thể do phạm vi khảo sát lớn hơn, phương thức khảo sát tiến bộ hơn.

Mặc dù số lượng hổ thế giới gia tăng nhưng ở các nước Đông Nam Á thực trạng vẫn rất đáng báo động. Mới đây, Campuchia cũng tuyên bố hổ tại quốc gia này đã tuyệt chủng.

Theo bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, năm 2010, Việt Nam còn lại khoảng 30 con hổ hoang dã. Con số này giờ ước tính chỉ còn dưới 5 con.

Việt Nam đã mất đi con tê giác cuối cùng, liệu hổ có là loài động vật hoang dã nối gót tiếp theo?

Hổ Bengal trắng quý hiếm được nhân giống thành công tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn năm 2015 (Nguồn: TTXVN)
Hổ Bengal trắng quý hiếm được nhân giống thành công tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn năm 2015 (Nguồn: TTXVN)

Lượng hổ nuôi nhốt tăng gấp đôi

Theo điều tra của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, năm 2010 Việt Nam chỉ có 81 con hổ ở trong các trang trại tư nhân, vườn thú. Con số hiện giờ là 179 con tại 14 cơ sở tư nhân.

Trước khi đạt mục tiêu TX2, Việt Nam vượt mức nhân đôi số lượng hổ nuôi nhốt. Sự phát triển của các trang trại gây nuôi hổ tại Việt Nam gây nhiều quan ngại cho các nhà bảo tồn với nghi ngờ khả năng là các trang trại trá hình, nhằm hợp pháp hóa các hoạt động buôn bán trao đổi hổ bất hợp pháp.

Việc các chủ nuôi hổ không báo cáo thường xuyên tới cơ quan chức năng địa phương và việc giám sát không hiệu quả những trang trại này dẫn đến khả năng các chủ trang trại tiếp tục tham gia các hoạt động buôn bán hổ trái phép. Có những trang trại có thống kê hổ không hợp lý về số hổ được sinh ra và bị chết tại cơ sở.

Việc xử lý những con hổ chết không được thực thi đầy đủ theo quy định. Điều này tạo điều kiện cho những chủ trang trại bán những con hổ chết thay vì tiêu hủy theo pháp luật.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên nhận định 9/14 cơ sở có dấu hiệu liên quan đến hoạt động bất hợp pháp. Mới đây nhất tại Nghệ An, vợ của một đối tượng đã có 2 tiền án tội phạm liên quan đến hổ được cấp phép để nuôi hổ “bảo tồn.”

Với quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, số phận của những con hổ mang danh nghĩa phục vụ lợi ích giáo dục bảo tồn được đặt trong tay của một tên “trùm” buôn bán, tàng trữ hổ.

Việt Nam đã có bài học “nhãn tiền” với sự phát triển của các trang trại nuôi nhốt gấu, sự buông lỏng quản lý trong một thời gian dài khiến đến năm 2005 cả nước có gần 4.500 con gấu nuôi nhốt. Trong 10 năm qua Việt Nam vẫn đang phải giải quyết hậu quả này.

Việc cần làm trước mắt là các cơ quan chức năng và quản lý liên quan cần phải kìm hãm sự phát triển các cơ sở tư nhân gây nuôi hổ ở Việt Nam.

Tăng cường quản lý, giám sát gây nuôi bảo tồn hổ

Ngày 16/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 539/QĐ-TTg phê duyệt chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022 với mục tiêu “Bảo vệ, bảo tồn hổ, sinh cảnh và con mồi của hổ, góp phần ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022 theo mục tiêu đã được xác định tại Chương trình bảo tồn hổ toàn cầu mà Việt Nam đã cam kết tham gia thực hiện.”

Đề cương hoạt động nhằm tăng cường quản lý, giám sát hoạt động gây nuôi bảo tồn hổ bao gồm điều tra, thống kê và lập hồ sơ quản lý toàn bộ số hổ đang được nuôi tại Việt Nam; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, nhận dạng hổ nuôi được thực hiện qua hồ sơ gen, hình ảnh, gắn chip điện tử và gắn thẻ đánh dấu; xây dựng và áp dụng chương trình giám sát hổ tại các cơ sở nuôi nhốt hổ trên toàn quốc; đánh giá tác động của hoạt động gây nuôi hổ tại các cơ sở gây nuôi đến công tác bảo tồn hổ tự nhiên.

Ông Michael Baltzer, Lãnh đạo Sáng kiến Tx2 của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên, cho rằng “Một kế hoạch mạnh mẽ cho 6 năm tới là vô cùng cần thiết. Tuy số lượng hổ đã ngừng suy giảm, nhưng chúng vẫn chưa có sinh cảnh sống an toàn. Điển hình như Đông Nam Á, nguy cơ mất hổ vẫn rất cận kề nếu các chính phủ tại đây không hành động ngay lập tức.”

23 các tổ chức phi chính phủ quốc tế cũng đã kêu gọi các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng châu Á lần thứ 3 về bảo tồn hổ cam kết chính sách “Zero Demand” (Không nhu cầu) đối với các bộ phận, sản phẩm từ hổ.

Bao gồm cam kết Zero Demand trong Tuyên bố kết luận của Hội nghị; tăng cường hoạt động thực thi với các cơ sở nuôi nhốt có liên quan đến hoạt động buôn bán bộ phận và dẫn xuất bất hợp pháp; ngăn chặn việc gây nuôi sinh sản hổ để từng bước chấm dứt nạn nuôi nhốt hổ.