Năng lượng hạt nhân bùng nổ ở châu Á

ThienNhien.Net – Ba mươi năm sau thảm họa Chernobyl, năm năm sau thảm họa Fukushima, Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác đang phát triển những kế hoạch đầy tham vọng về năng lượng hạt nhân. Các nước này không chỉ muốn xây nhiều nhà máy hơn mà còn mạo hiểm đặt nhà máy ở những khu vực có nguy cơ động đất và sóng thần cao.

Trung Quốc: Tham vọng trở thành cường quốc hạt nhân số 1

Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Trung Quốc hiện có 31 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động và 24 nhà máy khác đang trong quá trình xây dựng.

Thời điểm sau thảm họa Fukushima, chính phủ Trung Quốc đã ra quyết định đình chỉ xây mới các nhà máy điện hạt nhân, kèm theo đó là một loạt các chính sách an ninh toàn diện khác. Tuy nhiên, vào mùa thu năm 2012, Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm phát triển điện hạt nhân và bắt đầu theo đuổi một chương trình hạt nhân nhiều tham vọng.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc cần cơ cấu lại ngành năng lượng khổng lồ của mình. Hiện nay, khoảng 2/3 sản lượng điện của nước này là từ các nhà máy điện than lỗi thời. Và tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, ở Trung Quốc đang trở nên nghiêm trọng nên chính phủ nước này đã quyết định đóng cửa khoảng 1.000 nhà máy than vào cuối năm nay.

Điện hạt nhân được nhìn nhận như một giải pháp năng lượng tương đối “sạch sẽ”, có khả năng thay thế điện than. Quốc hội Trung Quốc đang thảo luận một kế hoạch để mở rộng sản xuất năng lượng hạt nhân với mong muốn đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có 110 nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động. Với kế hoạch này, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành quốc gia có nhiều nhà máy điện hạt nhân hòa lưới nhất thế giới.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Nguyên tử Quốc gia Trung Quốc (CNNC), Tôn Tần, hiện tại Trung Quốc muốn xây mới 30 nhà máy điện hạt nhân ở trong nước và ở các quốc gia láng giềng dọc “Con đường tơ lụa mới”. CNNC đã xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân ở nước ngoài nhưng vẫn muốn mở rộng hơn nữa.  “Chúng tôi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường hạt nhân quốc tế. Các nước như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ đang thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường hạt nhân toàn cầu” – Ông Tần nói.

Trong khi đó, ông Heinz Smital, chuyên gia hạt nhân của Green Peace cho rằng tốc độ phát triển điện hạt nhân nhanh chóng và có phần nóng vội của Trung Quốc như vậy rất dễ xảy ra vấn đề: “Các cơ quan an toàn của Trung Quốc không có khả năng kiểm soát tất cả các công trình. Cơ quan này nhiều khả năng sẽ bỏ sót các chi tiết do dễ bị tác động từ nhiều phía và không muốn gây hiềm khích với các tập đoàn nhà nước. Do vậy, kế hoạch điện hạt nhân của Trung Quốc sẽ là một mối nguy an ninh lớn”.

Lễ khánh thành một nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc (Ảnh: Yonhap)
Lễ khánh thành một nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc (Ảnh: Yonhap)

Ấn Độ: Quốc gia đói năng lượng

Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng với tốc độ khoảng 6% mỗi năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém đang kìm hãm sự phát triển kinh tế nước này. Một diện tích lớn của Ấn Độ trong tình trạng thường xuyên bị mất điện .

Tương tự Trung Quốc, Ấn Độ khao khát muốn mở rộng sản xuất năng lượng tái tạo. Giới chức Ấn Độ tin rằng để phát triển nước này phải khai thác hết tiềm năng sản xuất điện của mình. Do vậy, Ấn Độ đang lên kế hoạch phát triển sâu rộng loại hình điện hạt nhân. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi muốn xây dựng hàng chục lò phản ứng mới trong 15 năm tới.

Ấn Độ ưu tiên khai thác kỹ thuật công nghệ hạt nhân từ quốc tế. Trong thập kỷ qua, Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận hạt nhân dân sự với Hoa Kỳ, Canada, Pháp và Nga. Nước này hiện có 21 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động. Hai trong số này nằm ở Kudankulam, khu vực dễ xảy ra sóng thần, gần bờ biển phía đông nam nước này. Tháng 12/2006, một trận sóng thần nhấn chìm Kalpakkam, gây thiệt hại lớn, tuy nhiên, theo thông tin được công bố thì các nhà máy điện hạt nhân ở đây không bị ảnh hưởng.

Pakistan: Lò hạt nhân nằm giữa vùng lũ

Láng giềng của Ấn Độ, Pakistan, cũng là quốc gia đang vật lộn trong tình cảnh thiếu điện triền miên và cơ sở hạ tầng lạc hậu. Pakistan hiện có ba lò phản ứng điện hạt nhân nhỏ, trong đó có một lò phản ứng nằm ở khu vực dễ bị ngập lụt phía tây Karachi, cũng là một trong những lò phản ứng lâu đời nhất trên thế giới. Hai lò phản ứng còn lại nằm ở khu vực thường xuyên xảy ra động đất, cách thủ đô Islamabad khoảng 300 km về phía nam.

Chính phủ Pakistan cũng đang có kế hoạch xây dựng hai lò phản ứng khác. Theo Ủy ban Năng lượng nguyên tử Pakistan, nước này đang lên kế hoạch xây dựng tổng cộng 7 lò phản ứng mới vào năm 2030 – với sự hỗ trợ từ Trung Quốc.

Bản đồ nhà máy điện hạt nhân ở châu Á (Ảnh: IAEA)
Bản đồ nhà máy điện hạt nhân ở châu Á (Ảnh: IAEA)

Hàn Quốc: mở rộng sản xuất

Hàn Quốc hiện có 25 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, 3 nhà máy khác đang xây dựng và 2 nhà máy khác đang trong quá trình thiết kế, dự kiến hoàn thành vào năm 2029. Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch tăng tỉ lệ năng lượng hạt nhân trong cơ cấu năng lượng nước này lên khoảng 30 đến 40% so với hiện tại.

Hàn Quốc cũng đang có nhiều quan ngại về năng lượng hạt nhân không chỉ vì những gì xảy ra với Nhật Bản do thảm họa Fukushima mà còn vì tình trạng tham nhũng khi phát triển các lò phản ứng hạt nhân ở nước này. Trong năm 2012 và 2013, một vụ bê bối liên quan đến sử dụng các chứng nhận an toàn giả đối với các thiết bị sử dụng trong nhà máy điện hạt nhân đã rúng động ngành công nghiệp hạt nhân của Hàn Quốc. Quá trình diều tra cho thấy một số tiền hối lộ lớn đã được trao tay giữa nhân viên của KHNP (Tập đoàn Thủy điện và Điện Hạt nhân Hàn Quốc), các công ty xây dựng và chính trị gia. Sự vụ này khiến tỉ lệ điện hạt nhân của Hàn Quốc giảm từ 70% trước 2011 xuống còn 35% ở hiện tại. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn đang kỳ vọng vào các kế hoạch mở rộng phát triển điện hạt nhân.

Đông Nam Á: muốn xây dựng nhiều lò phản ứng

Năng lượng hạt nhân đang là vấn đề tranh luận sôi nổi ở Đông Nam Á. Việt Nam đang mong muốn Nga hỗ trợ xây dựng 8 nhà máy điện hạt nhân, tuy nhiên, vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức. Thái Lan cũng có kế hoạch xây dựng 5 lò phản ứng hạt nhân. Malaysia và Philippines cũng đều muốn có lò phản ứng hạt nhân riêng.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ rằng liệu các kế hoạch này có được triển khai hay không, vì theo ông Smital: “Sẽ rất khó có thể tìm được đối tác sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD cho lĩnh vực mạo hiểm này…Các chi phí cho sản xuất năng lượng hạt nhân nhiều khả năng sẽ tăng lên, trong khi giá cả sản xuất năng lượng tái tạo đang dần phải chăng hơn.”