Mỹ công bố báo cáo EITI đầu tiên

ThienNhien.Net – Mỹ mới công bố báo cáo EITI đầu tiên cho năm tài chính 2013, cung cấp một bức tranh tổng quan mới về quản trị và thuế quan của ngành công nghiệp khai khoáng tại đất nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới này.

Dữ liệu mô tả doanh thu chính phủ liên bang từ công nghiệp khai khoáng tại các khu vực thuộc Liên Bang Mỹ. (Ảnh: USEITI)
Dữ liệu mô tả doanh thu chính phủ liên bang từ công nghiệp khai khoáng tại các khu vực thuộc Liên Bang Mỹ. (Ảnh: USEITI)

Cùng với báo cáo mới được công bố, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ Sally Jewell khẳng định: “Cung cấp dữ liệu mở và dễ tiếp cận giúp trao quyền cho người dân, cung cấp thông tin cho các cuộc thảo luận công và mở rộng phạm vi báo cáo nguồn thu trong tương lai. Điều này giúp đảm bảo rằng người dân Mỹ nhận được nguồn thu xứng đáng từ khai thác dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản và năng lượng tái tạo từ tài nguyên đất và nước. “

Theo báo cáo, trong năm 2013, chính phủ liên bang đã thu hơn 12 nghìn tỷ USD từ hoạt động cho thuê đất, tô mỏ và và các khoản khác. Thêm vào đó, ngành khai khoáng chi trả khoảng 11,8 nghìn tỷ USD cho thuế thu nhập doanh nghiệp. Báo cáo cũng cho biết, ngành khai khoáng đã đóng góp 2,6% tổng GDP và đem lại việc làm cho hơn 800.000 lao động.

Tâm điểm báo cáo EITI của Mỹ liên quan đến đất đai của Liên bang, mặc dù vậy các số liệu này lại không mang lại một bức tranh tổng thể. Bởi lẽ, theo báo cáo, trong năm 2013, chỉ có 40,3% than đá, 23,1% dầu thô và khí hóa lỏng, 15,9% khí đốt tự nhiên và 11,7% khí hóa lỏng tại Mỹ được khai thác trên đất liên bang. Trong khi đó, bên cạnh chính quyền liên bang, chính quyền bang và thành phố thì các cá nhân và doanh nghiệp tại Mỹ cũng sở hữu tài nguyên thiên nhiên. Với hơn 50 bang, hơn 3.000 hạt và hơn 560 thành phố, mỗi khu vực tại Mỹ lại có chính quyền riêng với các khung pháp lý và tài chính riêng để quản trị ngành khai khoáng. Hiện tại Báo cáo EITI cũng đã liên kết với các dữ liệu nguồn thu của 18 bang có sản xuất dầu, khí, than đá và các khoáng sản phi năng lượng khác. Nhóm đa bên EITI tại Mỹ cũng đã phát triển chiến lược nhằm khuyến khích nhiều liên bang và thành phố khác tham gia vào Báo cáo EITI thứ hai.

Hướng tới sự tham gia của doanh nghiệp

Việc công bố báo cáo cũng không tránh được tranh cãi. Các bước chuẩn bị cũng bị chi phối bởi cuộc đàm phán kéo dài về mục 1504 trong Đạo luật Dodd Frank. Được thông qua vào tháng 6 năm 2010, Đạo luật này yêu cầu các doanh nghiệp phải công bố các khoản chi nộp cho chính phủ tại các quốc gia khác và cho Chính quyền Liên bang Mỹ đối với hoạt động kinh doanh dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các loại khoáng sản. Tuy nhiên, Đạo luật này chưa được đưa vào thực thi và còn gặp phải nhiều trở ngại về mặt pháp lý.

Trong khi Đạo luật này chưa chính thức có hiệu lực, một số doanh nghiệp đã từ chối lời mời tham gia vào quy trình EITI. Trong tổng số 45 công ty được yêu cầu, chỉ có 31 công ty báo cáo về khoản chi cho Bộ Nội vụ Mỹ, 20 công ty báo cáo về khoản thuế thu nhập doanh nghiệp liên bang. Do đó, mặc dù Bộ Nội vụ và Bộ Thuế vụ Mỹ đã công khai toàn bộ thông tin, bức tranh tổng thể về ngành công nghiệp khai khoáng của Mỹ vẫn còn bị hạn chế. Dữ liệu về các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp còn mang tính chung chung, thiếu các thông tin theo từng doanh nghiệp.

Vấn đề này cũng đã được nêu ra trong cuộc họp Hội đồng Quản trị EITI tại Kiev, Ukraine. Chủ tịch Hội đồng EITI, bà Clare Short cũng bày tỏ sự thất vọng khi quá ít công ty Mỹ đồng ý tham gia hoàn toàn vào quá trình báo cáo: “Mặc dù Mục 1504 trong Đạo luật Dodd Frank còn chưa chắc chắn, các doanh nghiệp ủng hộ EITI và đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển quy chuẩn EITI vẫn cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc của EITI”.

Bà Clare Short cũng nhấn mạnh sự đặc biệt quan trọng của việc  minh bạch hóa ngành khai khoáng trong bối cảnh những biến động trong chuỗi hàng hóa cũng như viễn cảnh bất ổn về nguồn đầu tư, việc làm và nguồn thu của chính phủ.