Thay đổi

ThienNhien.Net – Đầu tháng 1-2016, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) sẽ công bố Bảng xếp hạng VNR500 (Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam). Một điều dễ nhận thấy trong danh sách 500 doanh nghiệp này là hầu hết doanh nghiệp đầu tàu của nền kinh tế hoạt động trong ngành khoáng sản, xăng dầu (chiếm 12,8%).

Mặc dù tỷ lệ này giảm so với mức 15% của năm 2014 nhưng vẫn đứng thứ hai trong top 5 ngành có tỷ lệ doanh nghiệp lọt bảng xếp hạng nhiều nhất. Riêng về tỷ trọng doanh thu đóng góp trong Bảng, ngành Khoáng sản, xăng dầu vẫn giữ vị trí đầu với mức đóng góp 31,44%, giảm nhẹ so với mức 32% của năm 2014.

Ảnh minh họa: Báo Hải Quan
Ảnh minh họa: Báo Hải Quan

Khó có thể phủ nhận mức độ phụ thuộc của nền kinh tế vào khối ngành khai khoáng, tuy nhiên tỷ trọng đóng góp của ngành này vào mức tăng trưởng chung có xu hướng giảm đi, thể hiện rõ nét nhất ở chuyển dịch cơ cấu thu ngân sách nhà nước. Nếu như vào những năm 90 của thế kỷ trước, thu từ dầu thô chiếm khoảng 25% thu ngân sách thì nay chỉ còn khoảng dưới 10%. Điều này cho thấy, một mặt do nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt và điều kiện khai thác ngày càng khó khăn nên xu hướng đóng góp của lĩnh vực này sẽ ngày càng giảm dần. Hơn thế nữa, với mục đích giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, Chính phủ cũng đã thực hiện chủ trương hướng tới khai thác bền vững, không phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, tập trung chú trọng các ngành kinh tế như chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, phần mềm, chế biến các nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến…

Với các hiệp định thương mại, chắc chắn các doanh nghiệp phải thay đổi, bắt đầu từ chính lãnh đạo doanh nghiệp, từ sự đổi mới tư duy lãnh đạo. Tham gia hội nhập và toàn cầu hóa là thực hiện ba cuộc đổi mới: Công nghệ, tài chính và tư duy quản trị. Hơn lúc nào hết, lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi tư duy một cách mạnh mẽ, với bản lĩnh với chiến lược và tầm nhìn tốt. Việc phủ nhận những đóng góp của ngành khoáng sản, xăng dầu cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân cũng như xã hội là không thể, tuy nhiên, để giảm thiểu tới mức thấp nhất những mặt hạn chế trong khai thác tài nguyên thiên nhiên của đất nước, các doanh nghiệp trong ngành cần chú trọng đảm bảo ứng dụng kỹ thuật hiện đại trong khai thác cũng như sử dụng nguồn tài nguyên một cách hiệu quả, có tổ chức, đem lại nguồn lợi ích kinh tế tối đa cho cộng đồng và đất nước.