Hạn chế xuất khoáng sản thô

ThienNhien.Net – Theo số liệu mới công bố của Bộ Công thương, xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản trong 10 tháng năm 2015 chỉ ước đạt gần 4,2 tỷ USD, chiếm 3,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều đáng chú ý, kim ngạch này đã giảm đến 46,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Nhận định của giới chuyên gia cho thấy, nhóm nhiên liệu, khoáng sản có giá xuất khẩu bình quân và lượng xuất khẩu bình quân giảm tương đối sâu, do vậy kim ngạch xuất khẩu của nhóm bị ảnh hưởng giảm khoảng 3,65 tỷ USD. Đơn cử như than đá giảm 32,3%; dầu thô giảm 44%.

Ở một góc nhìn khác, báo cáo của Bộ Công thương cũng chỉ rõ nguyên nhân phần lớn các mỏ khoáng sản nước ta nằm phân tán nhỏ lẻ, nhiều điểm quặng xuất lộ dễ khai thác, phân bố chủ yếu ở các vùng núi phía Bắc, có đường biên giới đường bộ kéo dài, nhiều đường thông lối mở; trong khi các tỉnh phía Nam Trung Quốc có nhu cầu mua quặng lớn, giao thông thuận tiện, sự hiểu biết pháp luật của cư dân giáp biên giới còn nhiều hạn chế, khiến việc xuất lậu quặng diễn ra dễ dàng và dai dẳng.

Thực tế này cho thấy, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản đang gặp khó khi xuất khẩu. Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp khai khoáng đang nợ nần chồng chất do khó khăn chung của thị trường, không ít nhà máy chế biến tinh quặng phải giải thể hay tạm ngưng hoạt động.

Ảnh minh họa: Vinacomin
Ảnh minh họa: Vinacomin

Mới đây, Bộ Công thương vừa công bố Dự thảo thông tư về xuất khẩu khoáng sản và đưa ra khá nhiều điều kiện nghiêm ngặt. Cụ thể, doanh nghiệp có vi phạm về khoáng sản, bảo vệ môi trường sẽ không được xuất khẩu khoáng sản. Ngoài ra, khoáng sản phải qua chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định thì mới được xuất chứ không xuất thô.

Dự thảo quy định rõ, khoáng sản xuất khẩu phải được chứng minh nguồn gốc hợp pháp, cụ thể là được khai thác từ các mỏ, điểm mỏ có giấy phép.

Đặc biệt, từng lô khoáng sản xuất khẩu đều phải được lấy mẫu kiểm tra chất lượng xem có đủ tiêu chuẩn xuất hay không, tránh tình trạng gian lận xuất khoáng sản thô.

Tháng 9/2015, Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế suất tài nguyên 2 – 5% từ năm 2016. Bởi chỉ có như thế thì mới có thể kéo giảm tỷ trọng của nhóm khoáng sản thô, sơ chế trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu như hiện nay dù thực tế việc xuất khẩu này đóng góp một phần đáng kể vào ngân sách Nhà nước.

Trước đó, tháng 3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Trong đó nhấn mạnh việc cấp phép hoạt động khoáng sản phải căn cứ quy hoạch khoáng sản, phù hợp với năng lực chế biến, sử dụng và bảo đảm yêu cầu về môi trường; hạn chế và đi đến chấm dứt cấp phép khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ. Đặc biệt, không được xuất khẩu khoáng sản thô…

Trước thực trạng khai thác khoáng sản xuất khẩu khô gây lãng phí, giới chuyên môn nêu quan điểm: Lâu nay nền kinh tế của nước ta phụ thuộc rất nhiều vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô, giá trị rất thấp. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế khác không khuyến khích xuất khẩu khoáng sản, thậm chí họ còn để giành cho thế hệ mai sau và chọn giải pháp nhập khẩu khoáng sản với giá rẻ đem về chế biến.

Có thể thấy, chủ trương hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô đã được khẳng định, vì vậy cần có chính sách mạnh để hướng đầu tư vào chế biến sâu và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên có hạn nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài.