“Thu hồi giấy phép dự án không chấp hành trồng rừng thay thế”

ThienNhien.Net – Ngày 12/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 đã chủ trì họp trực tuyến với các địa phương về tình hình trồng rừng thay thế.

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng hợp kết quả rà soát tình hình các địa phương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tổng diện tích phải trồng rừng thay thế là 67.750 ha, trong đó các dự án chuyển sang xây dựng công trình thủy điện 17.840 ha và các dự án chuyển sang mục đích khác 49.910 ha. Lũy kế đến ngày 30/9, cả nước đã trồng rừng thay thế 15.959ha, đạt 23,6%.

Trên cơ sở kết quả rà soát, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã lập kế hoạch trồng rừng thay thế năm 2015 với tổng diện tích 22.300 ha; trong đó, các dự án thủy điện 8.800 ha và các dự án khác 13.500 ha. Đến ngày 30/9, 23/50 địa phương có kế hoạch trồng rừng thay thế triển khai trồng rừng thay thế, với diện tích 8.089 ha, đạt 36% kế hoạch năm; ước cả năm trồng được 11.660 ha, đạt 52,3% kế hoạch năm.

Các địa phương đạt kết quả tích cực trong trồng rừng thay thế gồm: Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Gia Lai. Các địa phương có dự án thủy điện phải trồng rừng thay thế với diện tích lớn, nhưng chưa trồng gồm: Thừa Thiên Huế, Cao Bằng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên, Lạng Sơn, Bình Phước, Kon Tum, Quảng Nam.

Nhân dân xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ trồng rừng đợt một năm 2015 (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
Nhân dân xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ trồng rừng đợt một năm 2015 (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương cơ bản nhất trí với Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khai thác; đồng thời nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong việc trồng rừng thay thế hiện nay như: Việc quản lý Quỹ bảo vệ và phát triển rừng; chủ đầu tư dự án chưa bố trí vốn và còn trây ì không nộp tiền trồng rừng thay thế; phương thức quản lý và cách thức trồng rừng thay thế…

Hội nghị chỉ ra tình trạng trồng rừng thay thế còn chậm là do công tác chỉ đạo triển khai trồng rừng thay thế ở nhiều tỉnh chưa thực sự quyết liệt, đặc biệt là một số tỉnh có chỉ tiêu kế hoạch lớn.

Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương chưa chủ động bố trí vốn ngân sách nhà nước để trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng chuyển mục đích sang xây dựng các công trình công cộng. Nhiều chủ dự án không chủ động trong xây dựng phương án trồng rừng thay thế cũng như thực hiện nộp tiền để trồng rừng thay thế.

Mặt khác, một số dự án đã nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng nhưng một số tỉnh còn để vốn tồn đọng, chưa chủ động tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc quản lý, điều phối tiền thu từ các chủ dự án để triển khai kế hoạch trồng rừng thay thế…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trồng rừng thay thế là việc thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; nhưng lớn hơn là tạo thành nếp cho các chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện những quy phạm pháp luật của nhà nước trong việc phải trồng bù lại rừng. Đây là điều kiện hết sức quan trọng bảo đảm phát triển rừng bền vững.

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trồng rừng rừng thay thế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Sau 2 năm triển khai, công tác trồng rừng thay thế đã có những khởi sắc. Tuy nhiên, thời gian tới cần nỗ lực hơn nữa và giải quyết những khó khăn vướng mắc về việc trồng rừng thay thế hiện này.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khi phê duyệt dự án mới phải tính đến vấn đề trồng rừng thay thế theo Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường quản lý và yêu cầu các chủ đầu tư khi làm dự án phải tính phương án trồng bù lại rừng.

Nhấn mạnh năm 2015 phải hoàn thành kế hoạch trồng rừng thay thế cho các công trình thủy điện, Phó Thủ tướng yêu cầu: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trường rà soát số liệu ở các địa phương và sớm có báo cáo trong tháng 10; phối hợp với các bộ, ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể đối với những nội dung liên quan đến trồng rừng thay thế như: Vấn đề đơn giá trồng rừng; mô hình trồng bù rừng nhưng ở ngoài rừng phòng hộ, rừng đặc dụng…

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi việc trồng rừng thay thế của các công trình thủy điện; nếu chủ đầu tư nào không thực hiện trồng bù lại rừng, kiên quyết thu hồi giấy phép và dừng hoạt động dự án.

Các địa phương có dự án thủy điện mà trước đây chưa có phương án trồng rừng thay thế cần yêu cầu chủ đầu tư phải nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng theo lộ trình cụ thể hàng năm.

Phó Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác trồng rừng thay thế, nhất là biểu dương những mô hình quản lý và trồng bù lại rừng tốt để chủ đầu tư khác học tập, làm theo.