Hạn chế phá rừng ở Brazil có thể cứu hàng ngàn mạng sống

ThienNhien.Net – Tốc độ phá rừng tại Brazil đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua, mang đến lợi ích không thể phủ nhận đối với động vật hoang dã, các cộng đồng phụ thuộc vào rừng và khí hậu toàn cầu. Nỗ lực hạn chế  phá rừng của Brazil đã cứu khoảng 1.700 mạng sống mỗi năm do chất lượng không khí được cải thiện, theo báo cáo của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Leeds mới được công bố trên Tạp chí Nature Geoscience.

Phá rừng Amazon để trồng cỏ hoặc đậu nành (Ảnh: Rhett Butler/Mongabay) 
Phá rừng Amazon để trồng cỏ hoặc đậu nành (Ảnh: Rhett Butler/Mongabay)

Theo báo cáo, từ năm 1976 đến năm 2010, khoảng 15% diện tích rừng Amazon tại Brazil đã bị tàn phá. Đốt rừng là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất để xóa sổ rừng mưa nhiệt đới, chủ yếu nhằm phục vụ cho mục đích nông nghiệp. Lượng khói bụi khổng lồ từ những đám cháy rừng khiến chất lượng không khí suy giảm nghiêm trọng và tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các hình ảnh vệ tinh về lượng khói trong khí quyển để nghiên cứu mối liên hệ giữa tỷ lệ phá rừng và chất lượng không khí. Kết quả cho thấy khi phá rừng được hạn chế, cháy rừng và khói bụi trong khí quyển cũng giảm bớt đáng kể. Không khí tại Brazil trong những năm có tỷ lệ phá rừng cao ô nhiễm gấp đôi so với những năm có tỉ lệ thấp.

Các dữ liệu vệ tinh sau đó được kết hợp với mô hình máy tính toàn cầu cho thấy hạn chế cháy rừng đã giúp giảm khoảng 30% nồng độ các hạt vật chất vào mùa khô trong không khí, từ đó giúp giảm bớt 1.700 ca tử vong mỗi năm trên khắp Nam Mỹ.

Hầu hết các đám cháy rừng xảy ra tại khu vực được biết đến với cái tên “tam giác phá rừng” tại vùng biên giới phía nam Amazon. Do đó, người dân địa phương nơi đây tưởng như phải đối mặt với rủi ro cao nhất.

Diện tích phá rừng Amazon tại Brazil (1988-2014) (Nguồn: Mongabay.com)
Diện tích phá rừng Amazon tại Brazil (1988-2014) (Nguồn: Mongabay.com)

Thế nhưng, miền Nam Brazil mới là khu vực có mức độ tử vong cao nhất do khói bụi từ các đám cháy. Khu vực đông dân cư hơn phía nam Brazil có tỷ lệ tử vong thấp hơn do khói bụi thường bị phân tán bớt đi trước đó, nhưng do đông dân cư nên số lượng người chết vẫn cao hơn các khu vực khác.

Để tối ưu hóa các lợi ích sức khỏe từ hạn chế phá rừng ở Brazil, các chính sách hướng tới giảm phá rừng đồng thời cũng nên cân nhắc giảm thiểu cháy rừng tại các khu vực nhiệt đới ẩm ướt, báo cáo nhấn mạnh.

Dữ liệu vệ tinh đầu năm nay cho thấy tình trạng phá rừng Amazon tại Brazil có thể sẽ đạt mức cao nhất trong 7 năm qua do áp lực từ phát triển nông nghiệp. Trong khi đó, những tác động tiêu cực của tình trạng phá rừng đối với chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng chưa hề được công nhận rộng rãi bởi công chúng và các nhà hoạch định chính sách.