Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng là bài học quan trọng nhất trong bảo tồn

ThienNhien.Net – Quỹ Môi trường Toàn cầu và Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Chính phủ Brazil thành lập hàng loạt các khu bảo tồn nhằm xoay chuyển nạn phá rừng ở Amazon và trả lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.

Là một trong những chương trình quản lí đất đai thành công nhất thế giới, Chương trình Các Khu vực bảo tồn vùng Amazon (Amazon Region Protected Areas Program – ARPA) đã giành giải thưởng Treasury Development Impact của Hoa Kì năm 2012.

Dưới đây là chia sẻ của bà Adriana Moreira – trưởng nhóm dự án ARPA về dự án và kế hoạch nhân rộng thành công của dự án trong mục tiêu nhân ba diện tích khu bảo tồn biển tại Brazil, đem lại lợi ích cho 800.000 người dân.

PV: Dự án tại Amazon đã đem lại cho bà những bài học gì?

Bà Adriana Moreira: Chúng tôi đã nhận được 3 bài học quan trọng nhất: (1) thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng ngay từ những bước đầu, (2) sử dụng cơ chế tài chính với“chiến lược rút lui” (exit strategy), (3) sử dụng cách tiếp cận cảnh quan.

Bài học quan trọng nhất là phải bắt tay với cộng đồng địa phương ngay từ khi bắt đầu phát triển dự án, từ đó đảm bảo lợi ích cho những người dân phụ thuộc trực tiếp vào tài nguyên và việc tuân thủ những luật lệ đề ra.

Một bài học quan trọng khác là đổi mới cách thức tài trợ. Nhiều dự án chỉ nhận được tài trợ trong vài năm, sau đó phải tự xoay sở để có thể tiếp tục duy trì. Bằng cách làm việc với các tổ chức, khu vực tư nhân và các nhóm đa phương, chúng tôi có thể bảo toàn 215 triệu USD trong vòng 25 năm. Sau đó, các khu bảo tồn có thể duy trì bằng ngân sách nhà nước và doanh thu từ du lịch. Đó chính là “chiến lược rút lui” giúp đảm bảo nguồn tài trợ bền vững vô thời hạn.

Một ngư dân trên sông Amazon gần Brazil (Ảnh: Julio Pantoja / World Bank)
Một ngư dân trên sông Amazon gần Brazil (Ảnh: Julio Pantoja / World Bank)

PV: Chương trình ARPA đã mang lại lợi ích cho cộng đồng Amazon như thế nào?

Bà Adriana Moreira: Mang lại lợi ích cho người dân phụ thuộc vào tài nguyên trong khu vực bảo tồn là điều kiện tiên quyết để dự án thành công. Ở một số khu vực, luật cho phép các cộng đồng bản địa độc quyền sử dụng đất, kiểm soát đánh bắt cá và săn bắn. Các gia đình được tham gia vào các chương trình có thưởng nhằm khuyến khích chấp hành kế hoạch quản lý và thực thi pháp luật.

Lý do thành công cuối cùng chính là hệ thống khu bảo tồn rộng lớn. Thay vì xây dựng các công viên, khu bảo tồn riêng lẻ, chúng tôi chú trọng đến tổng thể cảnh quan khi thiết kế hệ thống các khu bảo tồn.

PV: Những kinh nghiệmtừ Amazon sẽ được áp dụng như thế nào trong kế hoạch quản lý biển?

Bà Adriana Moreira: Cũng như Amazon, công tác quản lý biển trước tiên cần xem xét nhu cầu của cộng đồng bản địa, các cơ hội cho bảo tồn đa dạng sinh học và cuối cùng là nhu cầu của công nghiệp khai khoáng hoặc đánh bắt. Đây là cách tiếp cận cộng đồng an toàn mà không gây cản trở cho hiệu năng hệ sinh thái hay đóng góp của khu vực tư nhân cho nền kinh tế, từ đó giúp cân bằng sản xuất và bảo tồn.

Bên cạnh đó, chúng tôi áp dụng cách tiếp cận “cảnh quan biển” (seascape) tương tự cách tiếp cận cảnh quan đất đai (landscape) tại Amazon, nói cách khác là xem xét sự tương tác giữa việc sử dụng đất và nước trong và ngoài ranh giới khu vực bảo tồn.

PV: Quản lý biển có những điểm khác biệt cơ bản nào so với quản lý đất đai?

Bà Adriana Moreira: Hiểu biết của chúng ta về hệ sinh thái biển ít hơn so với rừng. Vì vậy, việc thiết lập bản đồ các điểm nóng về đa dạng sinh học trên biển khó khăn và tốn kém hơn nhiều so với trên đất liền.

Có thể nói khác biệt lớn nhất giữa quản lý biển và quản lý đất đai là ở khâu thực thi. Một số khu vực bảo tồn tại khu vực Amazon quá rộng lớn, thậm chí lớn hơn cả diện tích một số quốc gia khác. Vậy mà khu bảo tồn biển còn lớn hơn thế. Tại Amazon, dân địa phương hay các chuyên gia có thể đi bộ, dùng ô tô, thuyền hoặc thông qua giám sát trên không với ranh giới đánh dấu bằng những biển hiệu đơn giản để kiểm soát khu vực bảo tồn. Còn ở ngoài đại dương, việc kiểm soát này phải tiến hành bằng thuyền, khá tốn kém và cần nhiều nhân lực.

Việc phân định giới hạn hệ sinh thái biển cũng khó khăn hơn trên đất liền bởi đất liền có ranh giới tự nhiên và truyền thống (sông ngòi) trong khi ranh giới đại dương được phân định bằng phao neo xuống đáy biển với kỹ thuật cực kỳ phức tạp.

Brazil hiện chỉ có 1,57% diện tích biển thuộc khu vực bảo tồn. Dự án mới hướng đến mở rộng thêm 120.000 km2 và hỗ trợ bảo tồn khu vực ven biển, nơi sở hữu thiên nhiên đa dạng và giàu có nhất thế giới. Các khu bảo tồn hiện chiếm khoảng 15% diện tích đất và 3% diện tích đại dương trên thế giới, là công cụ quan trọng giúp thúc đẩy quản trị tài nguyên và đảm bảo sinh kế của cộng đồng địa phương, như những gì dự án của Ngân hàng Thế giới thực thi tại Brazil đã đem lại.